Viêm mũi: Nguyên nhân, dấu hiệu, điều trị và phòng ngừa

Tham vấn Y khoa:
Bs Vũ Văn Lực

Ngày đăng:
16 Tháng ba 2023

Lần cập nhật cuối:
4 Tháng tư 2024

Số lần xem:
978

Viêm mũi có thể gây ra những triệu chứng khó chịu và có thể gặp ở mọi lứa tuổi, mọi giới tính. Bởi đây cũng là một bộ phận nhạy cảm và phản ứng nhanh với thời tiết. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về bệnh viêm mũi cũng như cách điều trị và phòng ngừa bệnh hiệu quả được các chuyên gia đánh giá cao.

Nắm bắt thông tin để hiểu rõ hơn về bệnh viêm mũi
Nắm bắt thông tin để hiểu rõ hơn về bệnh viêm mũi

1. Viêm mũi là gì?

Viêm mũi được hiểu là tình trạng viêm sưng lớp niêm mạc ở khoang mũi gây ra các triệu chứng phổ biến như: nghẹt mũi, chảy nước mũi, ngứa mũi, hắt hơi,… Tình trạng viêm mũi có thể diễn ra trong dài hạn hoặc trong ngắn hạn tùy vào nguyên nhân gây bệnh cũng như các điều trị bệnh của người bệnh. Trong đó, bệnh lý viêm mũi mãn tính thường sẽ đi kèm với các bệnh lý như viêm xoang, hay viêm họng mãn tính.

2. Triệu chứng bệnh viêm mũi

Tùy vào những dạng viêm mũi mà triệu chứng cũng có sự thay đổi. Nhìn chung người bệnh sẽ thấy các biểu hiện liên quan khoang mũi, cổ họng và mắt, bao gồm:

  • Nghẹt mũi, sổ mũi, hắt hơi liên tục
  • Ngứa mũi, họng, mắt và tai
  • Chảy dịch mũi sau
  • Ho, viêm họng, thay đổi giọng nói
  • Chảy nước mắt
  • Thở bằng mồm, ngủ ngáy
  • Đau đầu, mệt mỏi
  • Mất hoặc giảm khứu giác, vị giác hoặc thính giác.
Nhận biết rõ các dấu hiệu đặc trưng ở người bệnh viêm mũi
Nhận biết rõ các dấu hiệu đặc trưng ở người bệnh viêm mũi

3. Các dạng viêm mũi thường gặp

Một số dạng viêm mũi thường gặp phổ biến nhất hiện nay đó là:

3.1. Viêm mũi dị ứng

Viêm mũi dị ứng là bệnh lý thường xảy ra khi hệ thống miễn dịch của cơ thể phản ứng lại với các dị nguyên mà nó gặp phải. Một số dị nguyên có thể là nguyên nhân gây ra tình trạng viêm mũi dị ứng đó là: bụi bẩn, nấm mốc, phấn hoa, lông động vật, nước hoa,…

Khi cơ thể tiếp xúc với các tác nhân gây bệnh, hệ thống miễn dịch sẽ sinh ra các kháng thể và giải phóng các hóa chất liên quan đến phản ứng viêm, trong đó có cả histamine. Đó chính là nguyên nhân dẫn đến các triệu chứng khó chịu của bệnh viêm mũi dị ứng.

Dạng viêm mũi phổ biến có thể kể đến viêm mũi dị ứng
Dạng viêm mũi phổ biến có thể kể đến viêm mũi dị ứng

3.2. Viêm mũi không do dị ứng

Khác với viêm mũi dị ứng, viêm mũi không do dị ứng được chia ra thành các bệnh lý nhỏ khác nhau. Viêm mũi không dị ứng cũng không khiến cơ thể bị kích hoạt bởi các chất gây dị ứng và không liên quan gì đến hệ thống miễn dịch.

Bệnh có thể gây ra từ các yếu tố sau:

  • Môi trường công việc độc hại, khói thuốc lá, quá trình lão hóa ở người già, ảnh hưởng của thuốc đang điều trị,…
  • Teo mũi dẫn đến viêm nhiễm.
  • Một số trường hợp bị viêm do lạm dụng thuốc xịt, rửa mũi gây ra tác dụng ngược.

Các triệu chứng mà người bệnh có thể gặp phải như khô mũi, đóng vảy bên trong, chảy máu mũi, mất khứu giác,…

Viêm mũi không do dị ứng là một trong những dạng viêm mũi thường gặp
Viêm mũi không do dị ứng là một trong những dạng viêm mũi thường gặp

3.3. Viêm mũi do virus

Đúng như tên bệnh, viêm mũi do virus xảy ra do sự tấn công và xâm nhập vào cơ thể từ các loại virus như: virus cảm lạnh và virus cảm cúm. Tình trạng viêm mũi do virus gây ra sẽ kích thích cơ thể sản sinh chất nhầy, gây ra các triệu chứng như hắt hơi, sổ mũi và nhiều triệu chứng khác.

3.4. Viêm mũi vận mạch

Viêm mũi vận mạch là tình trạng các mạch máu bên trong mũi trở nên nhạy cảm quá mức do sự mất cân bằng của hệ thần kinh kiểm soát niêm mạc mũi. Khi các mạch máu trở nên quá nhạy cảm, các tác nhân từ môi trường bên ngoài có thể khiến các mạch máu giãn ra. Điều chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng tăng tiết dịch nhầy và tắc nghẽn. Các tác nhân gây ra tình trạng kích ứng có thể là: chất kích thích hóa học, rượu, thức ăn cay, stress, nước hoa, khói thuốc,…

Hiểu rõ hơn về dạng viêm mũi vận mạch
Hiểu rõ hơn về dạng viêm mũi vận mạch

3.5. Viêm mũi teo

Viêm mũi teo là một bệnh lý viêm mũi mãn tính. Đây là bệnh lý xảy ra khi niêm mạc mũi bị teo và cứng lại, khiến cho hốc mũi nở rộng, khô và đóng gáy. Sự phát triển của các loại vi sinh vật trong môi trường mũi cũng có thể gây ra mùi hôi khó chịu. Tuy nhiên người bệnh thường sẽ không ngửi thấy do khứu giác bị suy giảm hoặc do teo niêm mạc mũi nên không ngửi được mùi. Bên cạnh đó, virus cũng vì thế mà có cơ hội phát triển và hoạt động nhiều hơn khiến cho bệnh viêm mũi teo có thể cứ tái đi tái lại.

3.6. Viêm mũi do thuốc

Dạng viêm mũi cuối cùng mà nhiều người mắc phải đó chính là viêm mũi do thuốc. Đây cũng được coi là nguyên nhân chủ quan của người bệnh khi chữa các triệu chứng dị ứng thời tiết hay do các tác nhân khác.

Việc người bệnh liên tục lạm dụng các loại thuốc xông mũi, xịt mũi, nhỏ mũi sẽ khiến niêm mạc mũi dần mất đi chất đề kháng, bị kích ứng, và nhạy cảm hơn rất nhiều. Cũng từ đó mà tình trạng viêm mũi cũng sẽ diễn biến nặng hơn.

4. Các yếu tố nguy cơ của viêm mũi

Các yếu tố nguy cơ của bệnh viêm mũi
Các yếu tố nguy cơ của bệnh viêm mũi

Theo các chuyên gia, các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc viêm mũi bao gồm:

  • Môi trường sống ô nhiễm: Những người sống hoặc làm việc trong môi trường phải thường xuyên tiếp xúc với khói bụi, các chất gây dị ứng, lông động vật,… cũng dễ khởi phát bệnh.
  • Phụ nữ mang thai dễ bị viêm mũi và các bệnh về mũi họng do sức đề kháng suy giảm.
  • Người bệnh tiếp xúc với chất gây kích ứng trong không khí như vật liệu xây dựng, dung môi, hóa chất, khói từ vật liệu hữu cơ… cũng dễ bị viêm mũi.
  • Một số bệnh mãn tính có thể gây ra viêm mũi không do dị ứng hoặc khiến bệnh trầm trọng hơn như suy giáp, hội chứng mệt mỏi mãn tính và bệnh tiểu đường.

5. Chẩn đoán viêm mũi

Các biện pháp chẩn đoán căn bệnh viêm mũi
Các biện pháp chẩn đoán căn bệnh viêm mũi

Dưới đây là một số phương pháp giúp bạn chẩn đoán chính xác bệnh viêm mũi:

Khai thác tiền sử dị ứng: Bác sĩ sẽ khai thác tiền sử bệnh và tiền sử cá nhân lẫn gia đình của bệnh nhân; lối sống sinh hoạt, quá trình tiếp xúc với các dị nguyên,… để loại trừ các yếu tố gây bệnh.

Khám lâm sàng: Sau khi khai thác tiền sử dị ứng, bác sĩ sẽ khám lâm sàng gồm:

  • Các triệu chứng cơ năng: hắt hơi, ngạt mũi, chảy nước mũi xuất hiện từ khi nào? Tần suất nhiều hay ít?
  • Các triệu chứng thực thể: niêm mạc phù nề, nhợt nhạt, dịch mũi trong sau thành đục, có thể xuất polyp mũi…

Xét nghiệm:

  • Làm xét nghiệm tế bào dịch mũi.
  • Làm xét nghiệm phát hiện kháng thể dị ứng IgE xem người bệnh có dị ứng với bụi hay không.
  • Test da: Đây là phương pháp đo độ mẫn cảm của da bằng số đo kích thước và đặc điểm sần sùi trên da để xác định dị nguyên.

Chụp CT: Để xác định chẩn đoán và kiểm tra những thay đổi trong khoang mũi.

6. Cách điều trị viêm mũi hiệu quả

Các biện pháp điều trị bệnh viêm mũi tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh
Các biện pháp điều trị bệnh viêm mũi tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh

Để điều trị viêm mũi, người bệnh sẽ cần xác định được nguyên nhân gây bệnh cụ thể để có những cách điều trị phù hợp. Cụ thể:

  • Đối với viêm mũi dị ứng: Các tốt nhất để trị bệnh viêm mũi dị ứng đó chính là người bệnh cần tránh xa các dị nguyên gây ra tính trạng dị ứng. Tuy nhiên việc tránh toàn toàn các dị nguyên này đôi lúc sẽ gặp các khó khăn. Do đó, bác sĩ có thể kê cho người bệnh các loại thuốc xịt mũi corticosteroid, thuốc kháng histamin, thuốc thông mũi và một số loại thuốc khác. Ngoài ra, liệu pháp miễn dịch cũng được coi là một phương pháp hiệu quả trong trường hợp này để người bệnh giảm được độ nhạy cảm với các chất gây dị ứng.
  • Đối với viêm mũi do virus: Ở trường hợp này, người bệnh sẽ được chỉ định sử dụng một số loại thuốc như: thuốc xịt mũi corticosteroid, nước muối sinh lý, xịt mũi kháng histamin hoặc thuốc thông mũi để điều trị.

Bên cạnh các sản phẩm xịt mũi kể trên, người bệnh cũng có thể tham khảo các sản phẩm xịt mũi lành tính có thành phần tự nhiên như: Dịch chiết ngũ sắc, ké đầu ngựa, tân di hoa, natri clorid, polysortbat, natri benzoat, tinh dầu bạc hà, tinh dầu long não,… Đây đều là những thành phần có công dụng tốt trong việc phòng tránh viêm đường hô hấp do virus, vi khuẩn hay giảm các triệu chứng khó chịu của viêm mũi.

7. Cách phòng ngừa bệnh viêm mũi

Các biện pháp phòng ngừa bệnh viêm mũi
Các biện pháp phòng ngừa bệnh viêm mũi

Để hạn chế nguy cơ mắc viêm mũi, bạn cần thực hiện một số điều sau:

  • Hạn chế tiếp xúc với dị nguyên như động vật, phấn hoa, bụi bẩn,… Cần đeo khẩu trang hoạt tính khi tiếp xúc với môi trường khói bụi, độc hại.
  • Thường xuyên giặt giũ các loại vật dụng cá nhân như chăn, ga, gối, đệm, bọc ghế…; đảm bảo môi trường sống, không gian nghỉ ngơi thật sạch sẽ, thoáng mát.
  • Giữ ấm cơ thể vào mùa lạnh, nhất là vùng mũi, cổ,… Tuyệt đối không tắm nước lạnh hoặc tắm quá khuya.
  • Hạn chế để mũi, họng tiếp xúc với luồng gió của máy lạnh thường xuyên vì có thể làm khô, tổn thương niêm mạc mũi xoang.
  • Thường xuyên vệ sinh cơ thể và răng miệng, súc họng, xịt rửa mũi bằng nước muối đều đặn mỗi ngày.
  • Không lạm dụng các dung dịch nhỏ mũi, xịt mũi, đồng thời tránh cọ mũi quá sâu khiến các mao mạch tại mũi bị tổn thương và gây viêm nhiễm.
  • Uống đủ lượng nước mỗi ngày để làm loãng chất dịch nhầy, giúp dịch mũi lỏng hơn và chất nhầy thoát ra dễ hơn, tránh ứ đọng gây viêm nhiễm.
  • Không hút thuốc lá, thuốc lào hay sử dụng chất kích thích.
  • Tăng cường đề kháng của cơ thể bằng việc bổ sung đầy đủ dinh dưỡng từ các loại trái cây giàu vitamin C, thực phẩm có tính chất ấm như gừng, tỏi…

Như vậy để điều trị dứt điểm các bệnh viêm mũi kể trên, người bệnh cần phải xác định rõ ràng nguyên nhân gây bệnh, dạng bệnh viêm mũi mà mình đang mắc phải cũng như sử dụng đúng các sản phẩm thuốc điều trị để có kết quả tốt nhất. Tránh trường hợp lạm dụng thuốc, hay sử dụng thuốc sai dẫn đến bệnh tình không thuyên giảm mà còn gây ra tác dụng ngược.

Bài viết liên quan:

 

Mọi thắc mắc bạn đọc vui lòng liên hệ để được tư vấn và giải đáp miễn phí : 089650950919001259 hoặc Email : songkhoe@bacsituvan.vn

    Đăng ký nhận tư vấn miễn phí - Toàn bộ thông tin Vinh Gia cam kết giữ kín.