Viêm mũi dị ứng là gì? Nguyên nhân, dấu hiệu và điều trị

Tham vấn Y khoa:
Bs Vũ Văn Lực

Ngày đăng:
9 Tháng ba 2023

Lần cập nhật cuối:
5 Tháng tư 2024

Số lần xem:
1142

Bệnh viêm mũi dị ứng là bệnh rất phổ biến. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể chuyển sang mạn tính khiến người bệnh gặp nhiều phiền toái, thậm chí có thể gây ra một số biến chứng nghiêm trọng như viêm xoang mạn tính. Vậy phải làm sao để điều trị viêm mũi dị ứng hiệu quả?

Những điều cần biết về bệnh viêm mũi dị ứng
Những điều cần biết về bệnh viêm mũi dị ứng

1. Viêm mũi dị ứng là gì?

Viêm mũi dị ứng là tình trạng mũi bị kích thích và viêm không phải do virus, vi khuẩn mà do các tác nhân từ môi trường như phấn hoa, lông động vật, lông sâu, bướm, khói bụi, mạt nhà. Theo nghiên cứu, có khoảng 10-30% dân số thế giới mắc chứng viêm mũi dị ứng.

Viêm mũi dị ứng thường được chia thành các dạng bao gồm:

  • Viêm mũi dị ứng theo mùa (thể có chu kỳ): Hay còn gọi là viêm mũi dị ứng thời tiết, thường xảy ra ở một vài thời gian nhất định trong năm.
  • Viêm mũi dị ứng quanh năm (thể không có chu kỳ): Là tình trạng bất cứ khi nào gặp phải các yếu tố dị ứng thì mũi đều bị kích ứng và viêm.

Xem thêm: Viêm mũi là gì? Nguyên nhân, dấu hiệu, điều trị và phòng ngừa

2. Nguyên nhân bệnh viêm mũi dị ứng

Những tác nhân chính gây ra tình trạng viêm mũi dị ứng
Những tác nhân chính gây ra tình trạng viêm mũi dị ứng

2.1. Các chất gây dị ứng trong nhà

Bụi bẩn, lông động vật, khói thuốc lá,… là một trong những nguyên nhân gây bệnh thường gặp. Bởi chúng có kích thước nhỏ, dễ dàng xâm nhập vào niêm mạc mũi gây kích ứng dẫn tới chứng bệnh.

2.2. Các chất gây dị ứng trong không khí

Mạt bụi, phấn hoa, lông thú, cỏ khô, bọ ve… Những dị nguyên này thường xuất hiện theo thời điểm trong năm. Đặc biệt là hoa thường tạo phấn vào mùa xuân, cây cỏ thường tạo phấn vào mùa hè và mùa thu. Những người bị bệnh mãn tính hoặc dị ứng với mạt bụi, bọ ve có thể phải chịu đựng các triệu chứng khó chịu quanh năm.

2.3. Các chất gây dị ứng nghề nghiệp

Thường gặp ở những người thường xuyên phải tiếp xúc với các chất có khả năng gây dị ứng như cao su, bột, hóa chất làm tóc, phấn hoa… Hoặc các hóa chất độc hại có khả năng gây viêm mũi dị ứng như khí gas, chất SO2, FeO,…

Thời tiết thay đổi đột ngột kéo theo sự bất thường về độ ẩm không khí, nhiệt độ và áp suất. Những biến đổi này khiến niêm mạc mũi bị kích thích do không kịp thích nghi. Đây là nguyên nhân khiến nhiều bệnh nhân phải chịu đựng những đợt viêm cấp mũi dị ứng và mãn tính rất khó chịu.

3. Triệu chứng bệnh viêm mũi dị ứng

Dấu hiệu nhận biết hiện tượng viêm mũi dị ứng
Dấu hiệu nhận biết hiện tượng viêm mũi dị ứng

Triệu chứng của bệnh viêm mũi dị ứng được chia thành 2 nhóm:

  • Triệu chứng bệnh theo chu kỳ: thường xuất hiện vào đầu mùa lạnh hoặc mùa nóng, khiến người bệnh cảm thấy ngứa mũi, hắt hơi liên tục, đỏ mắt, ngứa mắt, chảy nước mắt, chảy nước mũi nhiều, dịch nhầy trong. Người bệnh cũng có thể có các biểu hiện như rát bỏng ở kết mạc, vòm họng, uể oải, mệt mỏi, nặng đầu. Các triệu chứng này có thể kéo dài từ vài ngày đến một tuần rồi khỏi và cứ đúng vào giai đoạn đó thì bệnh lại tái phát, có khi kéo dài trong nhiều năm gây thoái hóa, phù nề niêm mạc mũi, nghẹt mũi, phì đại cuốn mũi…
  • Triệu chứng bệnh không theo chu kỳ: là tình trạng thường gặp nhất với các biểu hiện như sổ mũi, hắt hơi, chảy mũi khi vừa thức dậy vào buổi sáng, giảm dần trong ngày nhưng lại tái phát khi tiếp xúc với bụi hay môi trường lạnh. Ban đầu nước mũi trong suốt nhưng càng về sau thì càng đặc lại, chảy thành từng đợt, nặng hơn thì có thể hắt hơi liên tục trong nhiều giờ liền, gây ra tình trạng tiết dịch ứ đọng trong vòm họng nên người bệnh thường phải khạc nhổ làm tổn thương niêm mạc mũi họng. Ngoài ra, người bệnh thường xuyên phải thở bằng miệng do nghẹt mũi nên rất dễ bị viêm họng, viêm thanh quản.

4. Đường lây truyền bệnh viêm mũi dị ứng

Bệnh viêm mũi dị ứng không phải là bệnh truyền nhiễm, do đó bệnh không có khả năng lây truyền từ người mắc bệnh sang người khỏe mạnh.

Xem thêm: Viêm mũi dị ứng có lây không? Có di truyền không?

5. Đối tượng nguy cơ mắc bệnh viêm mũi dị ứng

Đối tượng nguy cơ mắc bệnh viêm mũi dị ứng
Đối tượng nguy cơ mắc bệnh viêm mũi dị ứng

Bất cứ ai cũng có thể bị viêm mũi dị ứng nhưng bạn sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nếu người trong gia đình có tiền sử dị ứng. Ngoài ra, nếu bạn bị bệnh chàm da hoặc hen suyễn thì bạn cũng thuộc nhóm nguy cơ này.

Các yếu tố có thể làm kích hoạt hoặc làm trầm trọng thêm bệnh viêm mũi dị ứng bao gồm: hóa chất, thời tiết lạnh, độ ẩm cao, ô nhiễm không khí, khói thuốc lá, nước hoa, phấn hoa, bụi bẩn….

6. Biến chứng của viêm mũi dị ứng

Người bệnh không hắt hơi quá nhiều và liên tục. Tuy nhiên, họ thường phải đối mặt với những cơn nghẹt mũi rất khó chịu và ngày càng nghiêm trọng giữa các cơn viêm.

Nếu để bệnh diễn tiến trong một thời gian dài có thể chuyển sang mạn tính. Lúc này, một số biểu hiện bệnh sẽ thường xuyên xảy ra, nhất là biểu hiện nghẹt mũi. Kèm theo đó là một số biểu hiện như ù tai, nhức đầu, đau nặng đầu. Đây là những biểu hiện dễ gây nhầm lẫn với bệnh viêm xoang. Bên cạnh đó, bệnh nhân bị viêm mũi dị ứng còn có thể bị ngủ ngáy hoặc mất khứu giác nếu không được điều trị kịp thời.

7. Các biện pháp chẩn đoán bệnh Viêm mũi dị ứng

Chẩn đoán bệnh viêm mũi dị ứng như thế nào?
Chẩn đoán bệnh viêm mũi dị ứng như thế nào?

Bác sĩ có thể dựa trên các triệu chứng lâm sàng người bệnh thường gặp phải, cộng với yếu tố nghề nghiệp, thời tiết, tiền sử bệnh của gia đình để chẩn đoán.

Đối với các trường hợp cần xem xét kỹ hơn, bác sĩ có thể cho người bệnh làm xét nghiệm để kiểm tra độ châm chích da bằng cách bôi một số chất lên da để xem cơ thể người bệnh phản ứng với từng chất như thế nào. Nếu dị ứng với một chất nào đó, da của người bệnh sẽ xuất hiện dị ứng với một vết đỏ, có thể kèm sưng tấy.

Xét nghiệm máu hoặc xét nghiệm hấp thụ chất phóng xạ (RAST) phát hiện kháng thể IgE có thể được áp dụng để chẩn đoán viêm mũi dị ứng. RAST đo lượng kháng thể immunoglobulin E đối với các chất gây dị ứng cụ thể trong máu của người bệnh.

8. Các biện pháp điều trị bệnh viêm mũi dị ứng

Cách điều trị bệnh viêm mũi dị ứng tốt nhất ai cũng cần biết
Cách điều trị bệnh viêm mũi dị ứng tốt nhất ai cũng cần biết

8.1. Điều trị đặc hiệu

Nếu tìm được nguyên nhân gây dị ứng, các bác sĩ có thể áp dụng phương pháp điều trị đặc hiệu để mang lại hiệu quả tốt nhất. Đây là cách giúp bệnh nhân thay đổi đáp ứng miễn dịch thông qua phương pháp giải mẫn cảm. Cụ thể, khi tìm được nguyên nhân gây dị ứng, các bác sĩ sẽ đưa tác nhân này vào cơ thể người bệnh để tạo kháng thể, cơ chế giống với việc tiêm vắc xin.

8.2. Điều trị bằng thuốc

Bác sĩ sẽ căn cứ vào tình trạng bệnh của bệnh nhân để kê đơn thuốc làm giảm các triệu chứng của bệnh viêm mũi dị ứng. Điều trị bằng thuốc chủ yếu là điều trị triệu chứng hoặc phòng ngừa nên chỉ có thể khống chế bệnh hoặc giảm các triệu chứng trong một khoảng thời gian trong và sau khi dùng thuốc một thời gian ngắn. Các loại thuốc thường dùng trong điều trị viêm mũi dị ứng bao gồm:

  • Kháng sinh, steroids dạng uống, dạng xịt, co mạch đường uống, co mạch đường tại chỗ.
  • Kháng histamin dạng uống, dạng xịt.
  • Kháng cholinergic, thuốc ức chế phóng thích hạt của dưỡng bào.
  • Thuốc kháng leukotriene.

Nếu đang sử dụng các loại thuốc khác, cần tham khảo ý kiến bác sĩ.

Xem thêm: TOP 10+ thuốc trị viêm mũi dị ứng được chuyên gia khuyên dùng

Nhiều người đã lựa chọn chữa trị viêm mũi dị ứng bằng thuốc
Nhiều người đã lựa chọn chữa trị viêm mũi dị ứng bằng thuốc

8.3. Điều trị phẫu thuật

Viêm mũi dị ứng điều trị bằng biện pháp phẫu thuật chỉ định cho những trường hợp bị viêm mũi dị ứng có polyp, thoái hóa cuốn mũi, một số yếu tố thuận lợi về cấu trúc giải phẫu như lệch vách ngăn, gai vách ngăn.

Xem thêm: Khi nào cần phẫu thuật viêm mũi dị ứng?

8.4. Có chế độ sinh hoạt phù hợp

Việc kết hợp khéo léo giữa sử dụng thuốc và chế độ dinh dưỡng trong quá trình điều trị viêm mũi dị ứng sẽ mang lại hiệu quả cao. Dưới đây là một số lưu ý về về chế độ sinh hoạt cho bệnh nhân bị viêm mũi dị ứng:

  • Cần tránh tiếp xúc với những tác nhân có nguy cơ gây dị ứng. Khi đang bị dị ứng, có thể dùng máy điều hòa. Không nên mở cửa sổ vì nếu mở cửa bạn có nguy cơ hít phải khói bụi, phấn hoa,…
  • Người bệnh cần phải lưu ý nhiều hơn trong giai đoạn chuyển mùa hoặc khi thời tiết có sự thay đổi đột ngột. Bệnh nhân cần vệ sinh mũi sạch sẽ để bệnh sớm được cải thiện.
  • Không nên ngoáy mũi bằng tay để tránh làm tổn thương niêm mạc mũi.
  • Bổ sung nhiều dưỡng chất trong thực đơn hàng ngày, nhất là vitamin C giúp tăng cường và giúp người bệnh nhanh chóng hồi phục. Ngoài ra, việc bổ sung các loại thực phẩm làm ấm cơ thể như hành, tỏi, gừng… sẽ giúp người bệnh ngăn ngừa hoặc giảm đáng kể các triệu chứng. Bên cạnh đó, người bệnh cần tránh ăn một số những thực phẩm có tính lạnh, tránh ăn đồ sống, không nên uống rượu bia và hút thuốc lá.
  • Trong quá trình điều trị cần giữ tinh thần tích cực, vui vẻ. Tránh áp lực, căng thẳng khiến bệnh có tiến triển xấu hơn.

Xem thêm: Tổng hợp các cách trị viêm mũi dị ứng dân gian đơn giản

9. Phòng ngừa bệnh viêm mũi dị ứng

Phòng ngừa viêm mũi dị ứng như thế nào hiệu quả?
Phòng ngừa viêm mũi dị ứng như thế nào hiệu quả?

Để phòng ngừa viêm mũi dị ứng, bác sĩ khuyến cáo người dân nên:

  • Tăng cường miễn dịch bằng cách ăn uống khoa học và tập thể dục thể thao thường xuyên.
  • Tránh xa các tác nhân gây dị ứng. Đeo khẩu trang khi phải tiếp xúc với các tác nhân hoặc tới những địa điểm có nguy cơ xuất hiện dị nguyên gây dị ứng như công viên, vườn thú, nơi ô nhiễm,…
  • Thường xuyên dọn vệ sinh nhà cửa, xung quanh môi trường sống để không khí trong sạch, loại bỏ các tác nhân gây dị ứng, kích ứng,…
  • Không nên nuôi các vật nuôi nhiều lông, dễ rụng lông như chó, mèo, chim cảnh nếu bạn dị ứng với lông động vật.
  • Giữ ấm cơ thể, nhất là vùng mũi họng khi thời tiết thay đổi, chuyển lạnh, vào mùa mưa,… Tránh để gió, không khí lạnh phả trực tiếp vào người, sử dụng quạt và điều hoà hợp lý, tránh chênh lệch quá nhiều với môi trường xung quanh.
  • Mang khẩu trang khi đi ra đường, đặc biệt là tại các thành phố lớn, có mức độ ô nhiễm không khí cao.
  • Bổ sung chế độ dinh dưỡng nhiều vitamin thông qua các loại rau củ quả để giúp tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.
  • Uống đủ nước để cơ thể khỏe mạnh và giúp làm loãng, giảm bớt lượng chất nhầy, dịch tiết trong mũi, tránh tình trạng tắc nghẹt mũi dễ gây bệnh.

Trên đây là một số thông tin hữu ích về bệnh viêm mũi dị ứng và cách điều trị bệnh. Hi vọng những thông tin trên có thể giúp bạn chủ động trong việc điều trị bệnh dứt điểm từ sớm, tránh bệnh chuyển sang mãn tính.

 

Mọi thắc mắc bạn đọc vui lòng liên hệ để được tư vấn và giải đáp miễn phí : 089650950919001259 hoặc Email : songkhoe@bacsituvan.vn

    Đăng ký nhận tư vấn miễn phí - Toàn bộ thông tin Vinh Gia cam kết giữ kín.