Viêm đường tiết niệu ở trẻ em: Dấu hiệu và cách điều trị

Tham vấn Y khoa:
Bs Nguyễn Hồng Hải

Ngày đăng:
11 Tháng Năm 2024

Lần cập nhật cuối:
29 Tháng Năm 2024

Số lần xem:
1163

Bệnh viêm đường tiết niệu ở trẻ em là căn bệnh thường gặp có tỷ lệ mắc phải rất cao hiện nay. Bệnh lý này để lại nhiều hệ quả nghiêm trọng ảnh hưởng đến sức khoẻ của bé về lâu về dài. Vậy dấu hiệu nhận biết căn bệnh này là gì? Làm sao để điều trị dứt điểm bệnh viêm đường tiểu ở bé. Hãy cùng tìm hiểu bài viết sau để giải đáp các câu hỏi liên quan đến căn bệnh này nhé!

1. Nguyên nhân gây ra viêm đường tiết niệu ở trẻ nhỏ

Bệnh viêm đường tiết niệu ở trẻ nhỏ xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Dưới đây là ba nguyên nhân phổ biến gây viêm nhiễm đường tiểu ở trẻ:

Trẻ nhỏ bị viêm đường tiết niệu là do đâu?
Trẻ nhỏ bị viêm đường tiết niệu là do đâu?

1.1. Nguyên nhân cốt lõi (nguyên nhân sâu xa)

Nguyên nhân cốt lõi gây ra tình trạng viêm nhiễm đường tiết niệu là do những loại vi khuẩn, ký sinh trình, virus hoặc nấm bệnh. Trong đó, 80% các ca bệnh viêm nhiễm đường tiểu ở trẻ là do vi khuẩn E.Coli. Các loại vi khuẩn này thường trú ngụ trong môi trường sống xung quanh. Thế nên nếu trẻ không được vệ sinh sạch sẽ, mặc bỉm không đúng cách, không mặc quần… rất dễ mắc phải bệnh này.

1.2. Các yếu tố làm tăng nguy cơ bị bệnh

Bệnh viêm đường tiết niệu ở trẻ em cũng do nhiều yếu tố khách quan khác như sau:

  • Trẻ còn quá nhỏ dưới 2 tuổi nên hệ miễn dịch chưa hoàn thiện dễ bị các loại vi khuẩn xâm nhập.
  • Đường tiết niệu bị dị dạng bẩm sinh, chít hẹp đường tiểu hoặc chít hẹp bao quy đầu cũng là nguyên do dẫn đến bệnh này. Bởi những tình trạng này khiến nước tiểu dễ bị ứ đọng tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi và phát triển.
  • Đề kháng bị suy giảm do mắc phải các bệnh lý như virus cúm, tiêu chảy, nhiễm trùng hô hấp, nhiễm trùng da… khiến sức khỏe của trẻ yếu đi. Lúc này, vi khuẩn sẽ nhân cơ hội tấn công gây viêm nhiễm đường tiết niệu.
  • Bàng quang thần kinh cũng là nguyên do gây ra bệnh viêm đường tiểu. Bởi bàng quang giãn lớn có kích thước quá to. Từ đó dẫn đến tình trạng rối loạn trương lực hay mất trương lực co bóp. Thế nên, nước tiểu bị ứ đọng trong bàng quang không được đẩy hết ra môi trường bên ngoài.
Hiểu về các yếu tố nguy cơ gây nhiễm trùng đường tiết niệu ở trẻ
Hiểu về các yếu tố nguy cơ gây nhiễm trùng đường tiết niệu ở trẻ

1.3. Do đặc điểm giải phẫu

Cấu tạo cơ quan sinh lý cũng là nguyên nhân tăng nguy cơ mắc bệnh viêm đường tiết niệu. Theo nghiên cứu, các bé gái sẽ có tỷ lệ mắc bệnh này cao hơn so với các bé trai. Bởi cấu trúc cơ thể bé gái thường có đường niệu đạo ngắn và nằm gần hậu môn. Thế nên, vi khuẩn dễ dàng hơn khi xâm nhập và sinh sôi.

Trong khi đó, đường niệu đạo của các bé trai dài hơn và nằm ở vị trí xa hậu môn. Tuy nhiên, do ở bé trai thường bị tình trạng chít hẹp niệu đạo. Thế nên, nguyên nhân chủ yếu mắc bệnh ở các bé trai là do nhiễm khuẩn bên trong.

2. Dấu hiệu trẻ bị viêm đường tiết niệu

Dưới đây là một số dấu hiệu thường gặp khi bé bị viêm nhiễm đường tiểu:

  • Trẻ em cảm thấy đau rát, ê buốt khi đi tiểu. Bé thường tiểu đêm và tiểu nhiều lần. Nước tiểu có màu trắng đục, nhiều cặn và có nặng mùi khai. Vì vậy, khi đi tiểu, bé thường khóc quấy, la hét do đau đớn.
  • Một dấu hiệu khác là trẻ bị sốt nhẹ. Nhưng nếu tình trạng bệnh trở nặng, trẻ có khả năng sốt cao liên miên, nhiệt độ chạm mốc 39 độ.
  • Trẻ nhỏ bị rối loạn tiêu hoá. Bé có thể bị tiêu chảy hoặc nôn mửa. Đồng thời, trẻ cảm thấy biếng ăn, mệt mỏi không muốn vui chơi.

3. Nhiễm trùng đường tiết niệu ở trẻ có nguy hiểm không?

Các biến chứng nguy hiểm khi trẻ mắc viêm đường tiết niệu
Các biến chứng nguy hiểm khi trẻ mắc viêm đường tiết niệu

Bệnh viêm đường tiết niệu ở trẻ em có thể dễ dàng điều trị. Nhưng nếu bố mẹ không phát hiện và đưa bé đi chữa trị kịp thời sẽ dẫn đến những tình trạng nghiêm trọng. Khi nhiễm trùng đường tiểu, bé có khả năng mắc bệnh nhiễm trùng máu, áp xe thận, suy thận, hoại tử ống thận… Thậm chí căn bệnh này có thể cướp đi sinh mạng của trẻ.

4. Điều trị nhiễm khuẩn tiết niệu ở trẻ em

Hiện tại, bệnh viêm đường tiết niệu ở trẻ em thường sử dụng thuốc kháng sinh để điều trị. Tuy nhiên, bạn nên đưa con trẻ đến cơ sở y tế để thăm khám và sử dụng thuốc theo kê đơn của bác sĩ.

Song song với thuốc điều trị cũng nên kết hợp chăm sóc tại nhà. Bố mẹ thường xuyên vệ sinh cá nhân sạch sẽ cho bé, vệ sinh môi trường sống. Đồng thời, bổ sung thêm nhiều nước và rau củ vào chế độ ăn uống hàng ngày. Trẻ cũng cần cung cấp thêm các loại khoáng chất và vitamin để nâng cao sức đề kháng.

5. Phòng nhiễm trùng đường tiết niệu cho trẻ bằng cách nào?

Phòng ngừa nhiễm trùng đường tiết niệu cho trẻ em như thế nào?
Phòng ngừa nhiễm trùng đường tiết niệu cho trẻ em như thế nào?

Để phòng ngừa nguy cơ nhiễm khuẩn tiết niệu ở trẻ, phụ huynh cần lưu ý những điều sau:

  • Vệ sinh vùng kín của trẻ sạch sẽ, đồng thời ba mẹ cần hướng dẫn cho trẻ vệ sinh đúng cách như rửa từ trước ra sau để hạn chế tối đa vi khuẩn xâm nhập vào đường tiết niệu từ hậu môn thông qua việc vệ sinh.
  • Với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ cần thay bỉm thường xuyên, lau khô vùng kín của trẻ mỗi khi đi vệ sinh xong.
  • Bố mẹ cũng nên theo dõi sức khoẻ của bé thông qua màu nước tiểu. Nếu có bất thường gì, cần đưa trẻ đi khám để kịp thời điều trị.
  • Cho trẻ uống đủ nước mỗi ngày.
  • Khuyến khích trẻ đi tiểu ngay khi cơ thể có nhu cầu.
  • Xây dựng chế độ ăn uống khoa học, tích cực bổ sung sản phẩm giàu vitamin C, bổ sung lợi khuẩn thông qua các sản phẩm như sữa chua, men vi sinh,…

Bài viết đã chia sẻ về bệnh viêm đường tiết niệu ở trẻ em và những thông tin xoay quanh căn bệnh này. Hy vọng qua đó có thể mang đến cho bạn cái nhìn khái quát về bệnh lý này. Nếu phát hiện trẻ nhỏ có bất cứ dấu hiệu khác thường nào hãy nhanh chóng đưa bé đến cơ sở y tế để điều trị kịp thời, tránh để lại di chứng lâu dài sau này nhé!

Bài viết liên quan:

Nguồn tham khảo

  • [1] Urinary Tract Infections (UTIs). https://kidshealth.org/en/parents/urinary.html
  • [2] Urinary Tract Infection in Children. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC6751349/

    Đăng ký nhận tư vấn miễn phí - Toàn bộ thông tin Vinh Gia cam kết giữ kín.