Chữa tay chân miệng bằng Anolyte: cực kỳ nguy hiểm

Đăng bởi:

Ngày đăng:
28 Tháng mười một 2011

Lần cập nhật cuối:
23 Tháng chín 2021

Số lần xem:
26046

Nhiều nhà khoa học cho rằng anolyte chỉ là dung dịch sát khuẩn ngoài da, không chữa được bệnh tay chân miệng.

TS.Nguyễn Văn Khải, nguyên Giám đốc Trung tâm Tư vấn đèn tiết kiệm năng lượng và dung dịch hoạt hóa, điện hóa Hà Nội (Viện Khoa học Việt Nam) khẳng định chữa khỏi bệnh tay chân miệng chỉ sau 7 ngày bằng dung dịch hoạt hóa điện hóa anolyte. Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học đã lên tiếng phủ nhận, cho rằng anolyte chỉ là dung dịch sát khuẩn ngoài da, không chữa được bệnh tay chân miệng. Nếu đem dung dịch này cho trẻ uống sẽ cực kì nguy hiểm.

Uống anolyte rất nguy hiểm

Đăng đàn trên một số tờ báo, TS.Nguyễn Văn Khải cho biết công thức chữa bệnh tay chân miệng (TCM) của mình như sau: 3 nước máy + 1 nước sôi + 1 anolyte (anolyte – tức là nước ozon, pha lần đầu là 50%, lần sau là 30% và lần sau nữa là 20%). Sau khi pha xong thì ngâm chân và tay của trẻ vào chậu nước đó từ 5 – 15 phút; dùng khăn bông sạch thấm loại nước này đắp lên vùng mụn trên lưng cho trẻ, các khu vực khác thì tắm bằng chính loại nước này; lấy bông ngoáy tai chấm vào anolyte nguyên chất rồi chấm vào các nốt trong mồm và ngoáy mũi cho trẻ; trước mỗi bữa ăn thì cho trẻ súc miệng bằng 10cm3 dung dịch này, ngụm thứ hai thì uống. TS Khải còn khẳng định sẽ xin đi tù nếu không chữa được bệnh TCM cho trẻ.

Đánh giá về tính khả thi của phương pháp dùng anolyte, các nhà hóa học đều nhất trí dung dịch này có tính sát khuẩn mạnh, nhưng chưa đủ cơ sở để nói nó chữa được bệnh TCM.

PGS.TS Trịnh Lê Hùng, Khoa Hóa, Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết, anolyte là dung dịch được tạo thành từ quá trình điện phân nhanh dung dịch muối. Loại chất lỏng này có tính chất giống như nước javen loãng, khả năng diệt vi khuẩn, nấm mốc và sát trùng tốt. Nhưng với những khả năng khác của dung dịch thì chưa có nghiên cứu cũng như kết luận. Tuy nhiên, đây là những phân tích ở góc độ hóa học. Còn ở góc độ y tế, đến nay chưa có nghiên cứu nào đánh giá về tác động của dung dịch này đến việc điều trị bệnh TCM.

TS. Nguyễn Duy Thịnh, ĐH Bách Khoa Hà Nội thì cho rằng, về mặt lý luận anolyte có khả năng diệt khuẩn nhưng sử dụng anolyte để chữa bệnh TCM là cách làm liều của TS.Khải. Giải thích về điều này, TS.Thịnh cho rằng TS.Khải đã hiểu sai về cơ chế gây bệnh. “Bệnh TCM không chỉ là vi khuẩn bám từ ngoài gây ra mà đi từ trong đi ra. Ở đây, TS.Khải lại chỉ chú ý đến việc diệt khuẩn vì nghĩ TCM chỉ cần diệt khuẩn là xong. Đây không phải là để chữa bệnh mà chỉ để diệt khuẩn tránh lây nhiễm thôi”, TS.Thịnh nói.

Theo TS.Thịnh, về mặt nguyên tắc, những chất không có trong tự nhiên mà uống vào ruột đều gây nguy hiểm. “Chất anolyte nếu uống vào cơ thể sẽ rất nguy hiểm. Nó không chỉ làm hại đường ruột, thậm chí nó tác động không tốt lên thành bề mặt dạ dày. Ngoài ra, trong ruột không chỉ có vi khuẩn có hại mà còn rất nhiều vi khuẩn có lợi, khi uống chất này vào nó sẽ tiêu diệt cả những vi khuẩn có lợi – những vi khuẩn này tham gia vào quá trình tạo ra các chất có khả năng miễn dịch trong đường ruột để chống lại các bệnh đường ruột”, TS.Thịnh cảnh báo.

Nhiều nhà khoa học cho rằng anolyte chỉ là dung dịch sát khuẩn ngoài da, không chữa được bệnh tay chân miệng. (Ảnh minh họa)

Vì sao TS. Khải bị “mời về”?

Theo ông Lê Minh Định, Giám đốc Sở Y tế Ninh Thuận, từ hôm công bố dịch đến nay tình hình dịch vẫn chưa giảm, giao động lúc giảm lúc tăng tùy theo từng ngày, tuy nhiên gần đây đã không có trường hợp tử vong.

Khi được hỏi về việc TS. Khải rời khỏi Ninh Thuận, ông Lê Minh Định cho biết, khi TS. Khải được UBND tỉnh Ninh Thuận mời vào, Sở Y tế cũng đã bố trí cho TS. Khải làm việc tại BVĐK tỉnh. Tại đây, TS. Khải cũng đã hướng dẫn cho một nhóm điều dưỡng của bệnh viện về sử dụng dung dịch anolyte. Bệnh viện cũng đã mua cho TS. Khải 1kg muối i- ốt để pha dung dịch và chanh tươi. Tuy nhiên, TS. Khải không cho biết công thức pha chế cụ thể là như thế nào.

“Vì dung dịch anolyte mà TS. Khải dùng cho trẻ uống, bôi lên da mới chỉ được sử dụng trong y tế với tác dụng là khử trùng, làm sạch dụng cụ y tế, lau sàn nhà chứ chưa được ứng dụng trong việc điều trị bệnh trên người nên chúng tôi phải xin lỗi TS. Khải dừng công việc ở đây”, ông Định cho hay.

Ông Định lo lắng: “Người dân hiện vẫn còn ngộ nhận lắm! Thông tin dung dịch anolyte chữa được bệnh TCM mà TS. Khải đưa ra và cam kết chữa khỏi chắc chắn sẽ dẫn đến việc nhiều người dân tự đi tìm mua dung dịch này bôi, nhưng cho trẻ uống thì rất nguy hiểm. Nhất là trẻ mắc chủng virus TCM thể nặng mà cho uống hoặc bôi anolyte… thì càng nguy hơn”.

Đồng quan điểm, TS. Viên Quang Mai, Phó Viện trưởng Viện Pasteur Nha Trang cho biết, Viện và Sở Y tế Ninh Thuận đã họp bàn về phương pháp chữa bệnh TCM bằng dung dịch hoạt hóa điện hóa anolyte và catolyte của TS. Khải. “Anolyte là một chất độc tiềm ẩn không nên dùng cho người, huống hồ ông ấy đem cho trẻ uống. Đây là một hành động phản khoa học”, TS. Mai nói.

Để chứng minh điều này, TS. Mai dẫn chứng tài liệu trong Bách khoa toàn thư rằng dung dịch anolyte qua sục ozon là chất gây ung thư cho một số động vật, là tác nhân gây đột biến ở một số vi khuẩn. Việc dùng dung dịch anolyte vào chữa bệnh nhất định phải qua Hội đồng y khoa thử nghiệm và Bộ Y tế cấp phép. TS.Mai cũng cho biết: Nếu tuân thủ phác đồ điều trị bệnh TCM của Bộ Y tế sau một tuần điều trị sẽ khỏi, trừ những ca mắc chủng virus EV71 thì có thể tử vong.

Đánh giá về những “nguyên liệu” như muối i- ốt, chanh tươi… mà TS. Khải dùng để chữa TCM ở Ninh Thuận, TS. Nguyễn Duy Thịnh cho rằng i- ốt vẫn dùng có tác dụng oxi hóa mạnh. Có thể dùng cồn i – ốt để sát trùng vết thương hay sát khuẩn nhưng chỉ dùng sát khuẩn trên bề mặt da lành. Còn với bệnh TCM, biện pháp này sẽ khiến trẻ bị xót, da dễ bị viêm.

Kết luận của Bộ Y tế về việc sử dụng nước ozon chữa bệnh TCM

Ngày 20/11, TS.Nguyễn Văn Khuê, Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh Bộ Y tế cho biết: Hội đồng chuyên môn Bộ Y tế đã họp cùng với các cơ quan chức năng về việc thử nghiệm chữa bệnh dịch TCM bằng nước ozon của TS. Nguyễn Văn Khải. Sau khi xem xét và phân tích đánh giá hiệu quả, tác dụng, Hội đồng chuyên môn hoan nghênh đề xuất và thử nghiệm của TS. Khải nhằm tham gia công tác phòng chống dịch bệnh TCM. Hội đồng chuyên môn khẳng định: Việc sử dụng nước ozon cùng với chanh, muối… chỉ mang tính hỗ trợ cho bệnh nhân mắc bệnh TCM giai đoạn 1 và giai đoạn 2a về ngoài da chứ không có tác dụng chữa bệnh, không được sử dụng cho bệnh nhân uống.

Theo Hội đồng chuyên môn, nước ozon rất thích hợp trong việc khử khuẩn dụng cụ y tế, đồ chơi và các vật dụng sinh hoạt, rửa tay chân,… liên quan đến người bệnh. Theo đó, nước ozon không có tác dụng vào nhân tế bào và hệ thần kinh.

Theo các chuyên gia dịch tễ, nguyên nhân bệnh TCM nặng và tử vong do virus tấn công vào tế bào chứ không phải là bệnh ngoài da. Đây là nguyên nhân chính gây bệnh dẫn đến biến chứng nặng và có nguy cơ tử vong rất cao của bệnh TCM tại Việt Nam thời gian qua. Vì vậy, bài thuốc của TS. Khải chỉ mang tính hỗ trợ bên ngoài. Thực tế cho thấy, bệnh nhân mắc tay chân miệng ở độ 1, 2a sẽ tự hồi phục mà không cần có sự hỗ trợ.

(Theo GiadinhNet)

    Đăng ký nhận tư vấn miễn phí - Toàn bộ thông tin Vinh Gia cam kết giữ kín.