Cách xử lý khi bị sốc sốt xuất huyết Dengue

Đăng bởi:

Ngày đăng:
5 Tháng Tám 2022

Lần cập nhật cuối:
26 Tháng Mười Hai 2023

Số lần xem:
559

Sốt xuất huyết Dengue là một bệnh truyền nhiễm cấp tính. Bệnh gây ra các biểu hiện như sốt cao, đau đầu, đau người,… Ở mức độ nặng, người bệnh có nguy cơ gặp phải những triệu chứng nguy hiểm, một trong số đó là sốc sốt xuất huyết Dengue có thể đi kèm xuất huyết. Vậy xử lý tình trạng trên như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu chi tiết trong bài viết sau.

1. Sốt xuất huyết Dengue là gì?

Tìm hiểu nhanh về bệnh để tránh tình trạng sốc sốt xuất huyết xảy ra
Tìm hiểu nhanh về bệnh để tránh tình trạng sốc sốt xuất huyết xảy ra

Sốt xuất huyết Dengue hay sốt xuất huyết là một căn bệnh truyền nhiễm cấp tính, do virus Dengue gây ra. Bệnh lây truyền giữa người với người qua vật trung gian là muỗi Aedes aegypti. Bệnh thường bùng phát vào mùa mưa, khi thời tiết ẩm ướt và có thể xảy ra ở mọi độ tuổi. Tuy nhiên, những người có sức đề kháng kém, người cao tuổi, trẻ nhỏ sẽ dễ bị mắc sốt xuất huyết Dengue hơn. 

Một số biểu hiện thường gặp ở bệnh nhân mắc sốt xuất huyết đó là: sốt cao liên tục, cảm thấy đau người đặc biệt là các cơ và khớp, đau hốc mắt, chán ăn, buồn nôn, nôn mửa, chảy máu cam. Bên cạnh đó, một triệu chứng đặc trưng của bệnh sốt xuất huyết Dengue chính là người bệnh sẽ bị xuất huyết dưới da hoặc niêm mạc. Đây cũng là biểu hiện nặng nhất của bệnh và có thể dẫn tới hội chứng sốc Dengue rất nguy hiểm.

2. Những triệu chứng sốc sốt xuất huyết Dengue

Vậy làm thế nào để biết bệnh nhân bị sốc sốt xuất huyết Dengue? Ngoài những triệu chứng thường thấy của bệnh như đã đề cập phía trên, khi bị sốc Dengue, bệnh nhân sẽ có một số biểu hiện sau:

2.1. Thoát huyết tương

Có thể nhận thấy rõ hiện tượng thoát huyết tương ở bệnh nhân bị sốc sốt xuất huyết
Có thể nhận thấy rõ hiện tượng thoát huyết tương ở bệnh nhân bị sốc sốt xuất huyết

Huyết tương là một chất dịch trong, có màu vàng nhạt và là một trong những thành phần quan trọng nhất của máu. Cụ thể, huyết tương chiếm 55 – 65% tổng lượng máu của cơ thể con người. Huyết tương có chức năng vận chuyển các chất quan trọng như oxy, sắt, glucose, protein,… để phục vụ các hoạt động sống trong cơ thể.

Khi bị sốc Dengue, người bệnh có thể gặp triệu chứng thoát huyết tương, dẫn tới tràn dịch và gây cảm giác khó thở, đau bụng. Nếu tình trạng này kéo dài, cơ thể sẽ bị mệt mỏi, các đầu chi lạnh, da lạnh ẩm, tụt huyết áp thậm chí nếu bị nặng còn không đo được huyết áp.

2.2. Xuất huyết

Đây là một biểu hiện rất dễ nhận biết khi bị sốc sốt xuất huyết Dengue. Tùy vào mức độ nặng nhẹ khi bị sốc Dengue, người bệnh có thể bị xuất huyết theo các cấp độ sau:

  • Xuất huyết dưới da: Khu vực dưới da mặt, cánh tay, bụng, đùi sẽ có những vết xuất huyết lốm đốm, màu đỏ.
  • Xuất huyết niêm mạc: Ở mức độ này, các biểu hiện thường thấy là chảy máu chân răng, chảy máu cam, đi tiểu ra máu,…
  • Xuất huyết nội tạng: Đây là mức độ xuất huyết nguy hiểm nhất. Lúc này các cơ quan nội tạng của bệnh nhân bị chảy máu, gây tình trạng nôn ra máu. Ở nữ giới, một biểu hiện khác đó là chu kỳ kinh nguyệt tới sớm hơn và kéo dài hơn.

2.3. Biểu hiện suy đa tạng

Bệnh nhân bị sốc sốt xuất huyết sẽ có biểu hiện suy đa tạng
Bệnh nhân bị sốc sốt xuất huyết sẽ có biểu hiện suy đa tạng

Suy đa tạng là hiện tượng rối loạn chức năng đa cơ quan, gây suy giảm chức năng của tối thiểu hai trong các cơ quan quan trọng như: tim, gan, phổi, thận,… Hiện tượng này thường gặp ở những người bị nhiễm khuẩn huyết, hay mắc các bệnh lý cấp tính.

Do đó, người bệnh sốc sốt xuất huyết Dengue nặng có nguy cơ cao bị suy đa tạng với các biểu hiện như: suy hô hấp, suy tuần hoàn, rối loạn chức năng gan mật, suy thận, rối loạn thần kinh trung ương,…

>> Xem thêm: Những dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm của sốt xuất huyết

3. Xử trí sốc sốt xuất huyết Dengue có xuất huyết đi kèm

3.1. Điều trị sốc sốt xuất huyết Dengue

Khi thấy bệnh nhân sốt xuất huyết có các hiện tượng sốc Dengue, hãy đưa họ tới ngay cơ sở y tế gần nhất để được bác sĩ thăm khám và có phác đồ điều trị phù hợp. Thông thường, để điều trị sốc sốt xuất huyết Dengue, bệnh nhân cần được nhanh chóng truyền các loại dịch phù hợp, bao gồm: NaCl 0,9% hoặc Ringer lactat nhằm bù đắp lượng huyết thanh đã bị mất. 

  • Sau khi truyền dịch từ 1 – 2 giờ, người bệnh sẽ được kiểm tra và đánh giá lại tình trạng sức khỏe, kiểm tra chỉ số Hematocrit. 
  • Nếu tình trạng được cải thiện, mạch rõ, huyết áp không kẹt, chân tay ấm,… thì tốc độ truyền dịch sẽ được giảm xuống.
  • Nếu các biểu hiện sốc Dengue không có dấu hiệu thuyên giảm thì cần thay thế sang truyền dung dịch cao phân tử. Một số trường hợp nặng, bệnh nhân sẽ cần thở oxy.
  • Sau đó, nếu bệnh nhân dần ổn định thì có thể chuyển sang truyền dung dịch điện giải.
Cách xử lý khi gặp phải tình trạng sốc sốt xuất huyết
Cách xử lý khi gặp phải tình trạng sốc sốt xuất huyết

3.2. Điều trị sốc sốt xuất huyết Dengue có xuất huyết đi kèm

Với trường hợp bệnh nhân bị sốt xuất huyết Dengue có xuất huyết đi kèm thì sẽ được điều trị theo các bước sau:

  • Sử dụng dung dịch điện giải để chống sốc trong khi chờ hồng cầu lắng.
  • Truyền hồng cầu lắng (5 – 10ml/kg).
  • Kiểm soát và điều chỉnh tình trạng rối loạn đông máu.
  • Xử lý xuất huyết ở nội tạng như dạ dày, tá tràng bằng cách nội soi cầm máu.
  • Nếu bệnh nhân có tiền sử viêm loét dạ dày, tá tràng, xuất huyết nặng có thể sử dụng thuốc ức chế bơm Proton. 

Sau quá trình điều trị trên, bệnh nhân sẽ được theo dõi tình trạng sức khỏe. Nếu người bệnh không bị sốt sau 2 ngày điều trị, tỉnh táo, mạch đập ổn định, huyết áp và nhịp thở bình thường thì có thể xuất viện. 

Trên đây là những thông tin cơ bản về sốt xuất huyết Dengue. Hy vọng bài viết đã giúp bạn hiểu rõ mức độ nguy hiểm, những triệu chứng và cách điều trị bệnh. Trong trường hợp bị sốt xuất huyết Dengue hãy thường xuyên theo dõi các biểu hiện để có phương án điều trị kịp thời, tránh bị sốc Dengue.

 

Mọi thắc mắc bạn đọc vui lòng liên hệ để được tư vấn và giải đáp miễn phí : 089650950919001259 hoặc Email : songkhoe@bacsituvan.vn

    Đăng ký nhận tư vấn miễn phí - Toàn bộ thông tin Vinh Gia cam kết giữ kín.