Viêm phế quản dị ứng: Nguyên nhân, dấu hiệu và điều trị

Tham vấn Y khoa:
Bs Vũ Văn Lực

Ngày đăng:
14 Tháng tám 2024

Lần cập nhật cuối:
12 Tháng chín 2024

Số lần xem:
171

Viêm phế quản dị ứng xảy ra khi các yếu tố dị ứng (bụi, phấn hoa, lông động vật,…) xâm nhập vào cơ thể và gây viêm nhiễm đường thở. Bệnh rất dễ tái phát nếu không kiểm soát được các yếu tố dị nguyên. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp thông tin chi tiết về nguyên nhân, phương pháp điều trị cũng như cách phòng bệnh hiệu quả.

Những điều cần biết về bệnh viêm phế quản dị ứng
Những điều cần biết về bệnh viêm phế quản dị ứng

1. Viêm phế quản dị ứng là gì?

Viêm phế quản dị ứng là tình trạng ống phế quản bị sưng viêm, phù nề và tăng tiết chất nhầy do tiếp xúc với các dị nguyên (phấn hoa, bụi, nấm mốc, hóa chất,…). Khi chất nhầy tiết ra quá nhiều sẽ làm tắc nghẽn đường thở.

Các triệu chứng bệnh thường không quá nguy hiểm nhưng tính chất dai dẳng, dễ tái phát khi gặp dị nguyên. Viêm phế quản dị ứng thường đi kèm với những bệnh lý như viêm mũi dị ứng, viêm xoang, hen suyễn… do chúng có liên hệ mật thiết với yếu tố cơ địa.

2. Nguyên nhân gây bệnh viêm phế quản dị ứng

Bị viêm phế quản dị ứng là do đâu?
Bị viêm phế quản dị ứng là do đâu?

Như đã phân tích ở trên, nguyên nhân gây viêm phế quản dị ứng là do hít phải các dị nguyên gây dị ứng. Những dị nguyên này xâm nhập vào ống phế quản thông qua đường mũi họng. Khi đường thở tiếp xúc với các chất gây dị ứng này, hệ miễn dịch sẽ phản ứng lại bằng cách giải phóng histamin cùng với các chất trung gian gây viêm, phù nề, tăng tiết dịch và thu nhỏ không gian bên trong ống dẫn khí.

Bên cạnh đó, một số yếu tố sau có thể làm tăng nguy cơ mắc viêm phế quản dị ứng:

  • Thời điểm giao mùa tạo điều kiện cho nấm mốc, phấn hoa,… xuất hiện nhiều trong không khí.
  • Cơ địa nhạy cảm.
  • Mắc các bệnh liên quan đến dị ứng như hen suyễn, viêm mũi dị ứng, viêm xoang dị ứng…
  • Sinh sống trong môi trường ô nhiễm, chỉ số bụi mịn cao.
  • Môi trường làm việc chứa nhiều dị nguyên như các nông trại chăn nuôi gia súc, xưởng mộc, công nhân trong các nhà máy hóa chất…

3. Bệnh viêm phế quản dị ứng biểu hiện như thế nào?

Triệu chứng thường gặp ở người bệnh viêm phế quản dị ứng
Triệu chứng thường gặp ở người bệnh viêm phế quản dị ứng

Viêm phế quản dị ứng thường không gây sốt như viêm phế quản do virus hay vi khuẩn. Tùy theo cơ địa của mỗi người mà phản ứng dị ứng có thể nhẹ hoặc nghiêm trọng. Biểu hiện thường gặp của bệnh viêm phế quản dị ứng:

  • Ho dai dẳng, có thể ho có đờm hoặc ho khan
  • Hắt hơi thường xuyên, ngứa mũi
  • Chảy nước mũi
  • Ngứa cổ họng
  • Thở khò khè
  • Một số trường hợp có thể bị nổi mề đay, phát ban

4. Phương pháp chẩn đoán bệnh

Chẩn đoán viêm phế quản dị ứng được thực hiện như thế nào?
Chẩn đoán viêm phế quản dị ứng được thực hiện như thế nào?

Để chẩn đoán viêm phế quản, trước tiên bác sĩ dựa trên những triệu chứng mà người bệnh đang mắc phải, đồng thời xem xét tiền sử bệnh lý của người bệnh, môi trường làm việc, tần suất tiếp xúc với các yếu tố gây dị ứng,…

Sau đó, bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh thực hiện các xét nghiệm để đưa ra kết luận chính xác nhất về mức độ bệnh mà bạn đang gặp phải, bao gồm:

  • Xét nghiệm đờm: Các bác sĩ sẽ kiểm tra dịch nhầy họng để xác định xem có bị nhiễm trùng hoặc dị ứng hay không.
  • Chụp X – quang phổi: Thông qua các hình ảnh thu được từ việc chụp X – quang, bác sĩ có thể phát hiện được những điểm bất thường và mức độ nhiễm trùng của phổi.
  • Đo phế dung: Bác sĩ sẽ dùng một thiết bị có tên là phế dung kế để đo lượng không khí tối đa mà phổi chứa được, từ đó nhận biết được những điểm bất thường.

5. Cách điều trị viêm phế quản dị ứng

Cách điều trị viêm phế quản hiện này là sử dụng thuốc và thực hiện một số biện pháp hỗ trợ để cải thiện triệu chứng.

5.1. Sử dụng thuốc

Sử dụng thuốc để điều trị viêm phế quản dị ứng
Sử dụng thuốc để điều trị viêm phế quản dị ứng

Các loại thuốc điều trị viêm phế quản được sử dụng phổ biến như:

  • Thuốc kháng histamin: Tăng giải phóng histamin là nguyên nhân gây ra phản ứng dị ứng. Do đó, bác sĩ thường chỉ định bệnh nhân dùng thuốc kháng histamin H1. Nhóm thuốc này có tác dụng ức chế giải phóng histamin ở thụ thể H1. Nhờ đó cải thiện các triệu chứng liên quan đến dị ứng như hắt hơi, sổ mũi, chảy nước mũi,…
  • Thuốc giãn phế quản: Thuốc giãn phế quản có tác dụng hạn chế co thắt, phù nề ống dẫn khí, từ đó làm thuyên giảm triệu chứng bệnh. Thuốc giãn phế quản dạng hít sẽ cho kết quả nhanh chóng và trực tiếp. Các loại thuốc thường được sử dụng là ipratropium, albuterol, levalbuterol,…
  • Thuốc chống viêm steroid: Thuốc có tác dụng chống viêm mạnh, được chỉ định trong những trường hợp nặng. Hiệu quả mang lại khá nhanh nhưng cũng gây nhiều tác dụng phụ không mong muốn. Do vậy người bệnh tuyệt đối không được tự ý sử dụng nếu không được bác sĩ kê đơn.

5.2. Các biện pháp khắc phục tại nhà

Viêm phế quản dị ứng có thể được khắc phục ngay tại nhà
Viêm phế quản dị ứng có thể được khắc phục ngay tại nhà

Song song với việc dùng thuốc điều trị, người bệnh nên thực hiện các biện pháp khắc phục tại nhà dưới đây để làm giảm nhanh triệu chứng khó chịu:

  • Sử dụng máy tạo độ ẩm trong phòng ngủ, hoặc không gian sống để làm ẩm không khí, làm loãng dịch nhầy mũi.
  • Tích cực uống nước hàng ngày sẽ giúp làm loãng đờm, thông thoáng đường thở và đào thải độc tố rất tốt.
  • Sử dụng viên ngậm ho để cổ họng bớt đau rát, giảm đờm cổ họng.
  • Súc miệng bằng nước muối để làm sạch cổ họng, phòng ngừa viêm nhiễm.
  • Áp dụng kỹ thuật thở mím môi để khắc phục tình trạng thở nhanh, thở gấp khi bị viêm phế quản.

6. Phòng ngừa viêm phế quản dị ứng như thế nào?

Biện pháp phòng ngừa viêm phế quản dị ứng hiệu quả nhất
Biện pháp phòng ngừa viêm phế quản dị ứng hiệu quả nhất

Cách phòng ngừa viêm phế quản dị ứng hiệu quả nhất chính là tránh tiếp xúc với các dị nguyên. Để làm được điều này, mỗi người cần lưu ý những điều sau đây:

  • Luôn sử dụng khẩu trang khi ra ngoài để tránh hít phải khói bụi, phấn hoa,… trong không khí.
  • Những người làm việc trong môi trường có nhiều dị nguyên thì cần trang bị đồ bảo hộ như khẩu trang, kính mắt,…
  • Giữ ấm cơ thể, đặc biệt là họng và mũi khi thời tiết trở lạnh, hanh khô.
  • Súc miệng bằng nước muối hàng ngày để làm sạch cổ họng, mũi và phòng ngừa viêm nhiễm.
  • Tuyệt đối không hút thuốc lá và tránh xa khu vực có khói thuốc lá.
  • Vệ sinh nhà cửa thường xuyên, đặc biệt điều hòa, máy lọc không khí, chăn ga, gối đệm,… để tránh nấm mốc, bụi bẩn bám vào.
  • Khi có các triệu chứng bệnh, người bệnh cần đến ngay bệnh viện để được thăm khám và có biện pháp điều trị phù hợp.

Trên đây là những thông tin về bệnh lý viêm phế quản dị ứng. Hi vọng những kiến thức này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về bệnh và chủ động trong việc kiểm soát, điều trị và phòng ngừa bệnh hiệu quả.

Bài viết liên quan:

Nguồn tham khảo

  • [1] What’s to know about allergic and asthmatic bronchitis? https://www.medicalnewstoday.com/articles/317881
  • [2] Can Allergies Cause Bronchitis? https://www.healthline.com/health/allergic-bronchitis
  • [3] What Is Allergic Bronchitis? https://www.verywellhealth.com/allergic-bronchitis-5186845
Theo dõi DuocPhamVinhGia.Vn trên   

 

Mọi thắc mắc bạn đọc vui lòng liên hệ để được tư vấn và giải đáp miễn phí : 089650950919001259 hoặc Email : songkhoe@bacsituvan.vn

    Đăng ký nhận tư vấn miễn phí - Toàn bộ thông tin Vinh Gia cam kết giữ kín.

    Để lại một bình luận