Viêm phế quản thường gặp vào thời điểm thời tiết giao mùa với những dấu hiệu như ho có đờm dai dẳng, sốt cao, cơ thể mệt mỏi… Người bệnh băn khoăn liệu viêm phế quản có lây không? Câu trả lời có trong nội dung dưới đây hy vọng sẽ hữu ích với bạn.
1. Viêm phế quản là gì?
Viêm phế quản là tình trạng viêm niêm mạc ống phế quản, bệnh lý này sẽ khiến người bệnh bị ho , khạc đờm. Bệnh được chia thành viêm phế quản cấp tính và mãn tính, trong đó:
- Viêm phế quản cấp tính: Tình trạng viêm nhiễm cấp tính của niêm mạc phế quản xảy ra ở người bệnh không có tổn thương trước đó và nguyên nhân dây bệnh là do vi khuẩn, virus hoặc cả hai.
- Viêm phế quản mãn tính: Khi bệnh chuyển sang giai đoạn mãn tính sẽ kích thích liên tục các ống phế quản và đây là một trong những nguyên nhân chính gây nên bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD). Tình trạng này có thể kéo dài hàng tháng, thậm chí là nhiều năm. Viêm phế quản mãn tính có cấp độ nghiêm trọng hơn nhiều so với viêm phế quản cấp tính.
2. Bệnh viêm phế quản có lây không?
Một trong những triệu chứng của bệnh viêm phế quản là ho có đờm. Trong các chất dịch nhầy và đờm thường mang theo rất nhiều virus xâm nhập vào đường hô hấp có thể lây lan một cách dễ dàng từ người qua người. Những đối tượng có hệ miễn dịch yếu như trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và người cao tuổi, già yếu hoặc người bị hen suyễn dễ mắc bệnh. Do đó nếu không có biện pháp phòng tránh thì rất dễ lây viêm phế quản.
3. Viêm phế quản lây lan như thế nào?
Loại virus gây viêm phế quản chính là virus hợp bào (RSV), virus này rất dễ phát tán, lây lan, thậm chí nếu không được kiểm soát chặt chẽ và chữa trị kịp thời có thể phát triển thành bệnh dịch. Bệnh có thể lây lan qua hai con đường:
- Lây truyền trực tiếp từ người sang người thông qua tiếp xúc: Nếu bạn tiếp xúc với người bị viêm phế quản hoặc sống trong môi trường có dịch bệnh thì nguy cơ lây nhiễm bệnh sẽ rất cao. Virus hợp bào thường lây truyền từ người sang người thông qua dịch tiết đường hô hấp như ho, hắt hơi, lây qua bắt tay hoặc bị hít vào khi đang nói chuyện với người bị bệnh.
- Lây gián tiếp thông qua các vật dụng cá nhân: Nếu bạn có sử dụng chung đồ dùng cá nhân với người mắc viêm phế quản thì khả năng lây nhiễm cũng rất cao. Virus có khả năng sống sót vài giờ trên đồ vật như bát, chén, khăn mặt hoặc các vật dụng như mặt bàn, đồ chơi hay quần áo… Do đó nếu vô tình chạm tay vào đồ vật bị nhiễm virus thì rất có thể bạn sẽ bị lây nhiễm bệnh.
4. Các giai đoạn bệnh của người bị lây nhiễm viêm phế quản
Người bệnh lây nhiễm viêm phế quản thường trải qua 4 giai đoạn của bệnh, đó là:
4.1. Giai đoạn ủ bệnh
Trong giai đoạn ủ bệnh thì không thấy có triệu chứng gì rõ ràng và giai đoạn này thường kéo dài từ 1 – 3 ngày sau khi tiếp xúc với giọt nước có chứa siêu vi hô hấp gây viêm phế quản.
4.2. Giai đoạn viêm đường hô hấp trên
Ở giai đoạn này thường thấy các triệu chứng như đau họng, hắt hơi, sổ mũi kèm theo sốt nhẹ, đau nhức toàn thân và cơ thể mệt mỏi. Đây cũng là giai đoạn mà người bệnh rất dễ gây lây nhiễm cho người khác vì phát tán ra ngoài môi trường rất nhiều virus gây bệnh.
4.3. Giai đoạn viêm phế quản cấp
Ho, ho khan, ho có đờm là những triệu chứng ở giai đoạn này. Đờm của người bệnh viêm phế quản có màu sắc khác nhau như màu trắng đục, màu vàng hoặc màu xanh, có trường hợp nặng người bệnh có thể bị ho ra máu cùng với các cơn đau rát sau xương ức khi ho.
4.4. Giai đoạn hồi phục
Các triệu chứng sẽ giảm dần và phục hồi trong khoảng thời gian từ 7-10 ngày kể từ khi lây nhiễm bệnh. Với người bệnh đề kháng kém do suy giảm hệ miễn dịch thì bệnh có thể tiếp tục kéo dài cùng với các triệu chứng nghiêm trọng hơn như ho khan, ho có đờm,…
5. Cách phòng ngừa bệnh viêm phế quản
Để có thể phòng ngừa bệnh viêm phế quản xảy ra nhất là vào thời điểm giao mùa hàng năm thì có thể áp dụng các cách sau:
5.1. Tạo môi trường sạch sẽ
Cách phòng ngừa hiệu quả là nên giữ không gian sống thông thoáng, không quá bí và nóng, phải đảm bảo độ ẩm trong sạch, thoáng mát nhằm ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn và nấm mốc. Dọn dẹp, lau chùi, hút bụi và giữ cho tay, chân, răng, miệng luôn được sạch sẽ là việc bạn nên thực hiện hàng ngày.
5.2. Hạn chế tiếp xúc với người bệnh
Nên hạn chế tiếp xúc với người có triệu chứng như ho, chảy nước mũi. Khi đi ra ngoài hay khi ở nơi công cộng, đặc biệt trong thời điểm giao mùa bạn nên đeo khẩu trang. Nếu trong gia đình có người bị cảm lạnh thì nên để người bệnh sử dụng riêng đồ dùng sinh hoạt như bát, cốc, chén, đũa,… Thường xuyên làm sạch phòng tắm và bàn ăn vì đây cũng là nơi vi khuẩn có thể sinh sôi.
5.3. Áp dụng một chế độ ăn uống hợp lý
Chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng nhiều rau xanh, hoa quả tươi sẽ giúp tăng cường sức đề kháng. Đồng thời hạn chế các đồ cay nóng, nhiều dầu mỡ và không sử dụng các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá để đảm bảo phế quản và phổi luôn được khỏe mạnh.
5.4. Luyện tập thể dục thường xuyên
Việc luyện tập thể dục thể thao thường xuyên kết hợp với chế độ ăn uống hợp lý sẽ giúp tăng cường thể lực, phòng bệnh hiệu quả.
Tóm lại, viêm phế quản có lây không phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Nếu bạn nghi ngờ mình hoặc người thân bị viêm phế quản do nhiễm khuẩn hoặc virus, hãy thực hiện các biện pháp phòng ngừa như đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên, và tránh tiếp xúc gần với người khác để ngăn chặn sự lây lan của bệnh.
Bài viết liên quan:
- Người bệnh viêm phế quản có nên ăn thịt gà không?
- Viêm phế quản có gây sốt không? Làm thế nào để hạ sốt?
- Viêm phế quản có được uống nước cam không? Uống như thế nào?
Theo dõi DuocPhamVinhGia.Vn trên |
Mọi thắc mắc bạn đọc vui lòng liên hệ để được tư vấn và giải đáp miễn phí : 0896509509 – 19001259 hoặc Email : songkhoe@bacsituvan.vn