Viêm mũi dị ứng thời tiết: Nguyên nhân và cách điều trị

Tham vấn Y khoa:
Bs Vũ Văn Lực

Ngày đăng:
7 Tháng Ba 2023

Lần cập nhật cuối:
6 Tháng Tư 2024

Số lần xem:
327

Viêm mũi dị ứng thời tiết khá phổ biến nhưng không phải ai cũng biết điều trị đúng cách để khỏi hẳn và giảm các biến chứng. Cùng tìm hiểu nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị trong nội dung dưới đây nhé.

Tìm hiểu về các thông tin liên quan đến bệnh viêm mũi dị ứng thời tiết
Tìm hiểu về các thông tin liên quan đến bệnh viêm mũi dị ứng thời tiết

1. Viêm mũi dị ứng thời tiết là gì?

Viêm mũi dị ứng thời tiết là dạng viêm nhiễm khiến niêm mạc mũi tổn thương và gây ra các triệu chứng như hắt hơi, sổ mũi, ngứa mũi, nghẹt mũi, chảy nước mắt… xảy ra do các tác nhân gây dị ứng có liên quan đến những biến động, thay đổi của thời tiết và các mùa trong năm như phấn hoa theo gió mùa bay vào không khí, nhiệt độ thay đổi, nóng hoặc lạnh đột ngột lúc giao mùa… Khi thời tiết ấm dần, các triệu chứng của bệnh có thể tự thuyên giảm hoặc biến mất hoàn toàn.

Ai cũng có thể bị viêm mũi dị ứng thời tiết nhưng trẻ nhỏ khoảng trên dưới 10 tuổi là đối tượng dễ mắc phải nhất. Hệ miễn dịch của bạn khi tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng (dị nguyên) sẽ giải phóng một hoạt chất có tên histamine vào trong máu để chống lại chúng, từ đó gây ra những biểu hiện bệnh thường gặp ở người bị dị ứng.

2. Nguyên nhân gây viêm mũi dị ứng thời tiết

Bị viêm mũi dị ứng thời tiết là do đâu?
Bị viêm mũi dị ứng thời tiết là do đâu?

Viêm mũi dị ứng thời tiết thường xảy ra khi có những yếu tố sau:

  • Cơ địa dị ứng: Cơ địa dị ứng là yếu tố chính trong cơ chế bệnh sinh của viêm mũi dị ứng, hen phế quản, viêm da cơ địa, mề đay mẩn ngứa,… Người có cơ địa dị ứng có nguy cơ mắc các bệnh lý dị ứng cao hơn so với bình thường. Đây là nguyên nhân gây ra phản ứng đặc biệt của cơ thể khi tiếp xúc với dị nguyên.
  • Di truyền: Nếu người thân cận huyết như cha mẹ, chị em ruột, ông bà,… mắc viêm mũi dị ứng thời tiết thì bạn dễ mắc bệnh lý này hoặc các bệnh có cơ chế dị ứng khác như viêm kết mạc dị ứng, viêm da cơ địa, mề đay mãn tính.
  • Hệ miễn dịch suy giảm: Hệ miễn dịch là cơ quan trực tiếp gây ra phản ứng thái quá đối với các yếu tố thời tiết như không khí, phấn hoa, độ ẩm, gió,… Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng hệ miễn dịch suy giảm sẽ làm tăng nguy cơ bùng phát các phản ứng dị ứng. Do đó mà nguy cơ bị viêm mũi dị ứng thời tiết cũng có thể tăng lên đáng kể ở người có chức năng đề kháng kém như trẻ nhỏ, người cao tuổi, người nhiễm HIV, tiểu đường.
  • Yếu tố thời tiết: Viêm mũi dị ứng thời tiết thường chỉ xảy ra vào thời điểm giao mùa như mùa lạnh hoặc giai đoạn chuyển mùa… Các chất dị ứng trong không khí có xu hướng tăng lên đáng kể khi ở giai đoạn chuyển mùa và mùa lạnh. Cơ thể sẽ kích thích phản ứng dị ứng và gây ra phù nề, sưng viêm niêm mạc mũi.

3. Dấu hiệu nhận biết viêm mũi dị ứng thời tiết

Người bị viêm mũi dị ứng thời tiết có những biểu hiện thường thấy nào?
Người bị viêm mũi dị ứng thời tiết có những biểu hiện thường thấy nào?

Bạn có thể nhận biết bệnh viêm mũi dị ứng thời tiết qua một số dấu hiệu, triệu chứng như:

  • Chảy nước mũi, nghẹt mũi, ngứa mũi.
  • Hắt hơi liên tục, đặc biệt là khi tiếp xúc với không khí lạnh, nấm mốc, phấn hóa,…
  • Ngứa cổ họng, ngứa mắt, có thể bị đỏ mắt và chảy nước mắt.
  • Viêm mũi dị ứng thường gây tiết chảy nước mũi trong suốt. Tuy nhiên, trong trường hợp bội nhiễm (nhiễm khuẩn thứ phát) có thể khiến nước mũi chuyển thành màu vàng đục.
  • Niêm mạc mũi phù nề khiến dịch tiết hô hấp chảy xuống thành sau họng, kích thích phản ứng ho, có khi gây khàn tiếng và ngứa cổ họng.
  • Viêm mũi dị ứng thời tiết cũng có thể đi kèm với một số tổn thương da do phát ban, nổi mề đay, viêm da cơ địa,…

4. Viêm mũi dị ứng thời tiết có nguy hiểm không?

Những biến chứng nguy hiểm của viêm mũi dị ứng thời tiết
Những biến chứng nguy hiểm của viêm mũi dị ứng thời tiết

Viêm mũi dị ứng thời tiết khá phổ biến, ai cũng có thể mắc bệnh lý này, tuy không quá nghiêm trọng vì tình trạng viêm mũi không phải do virus và vi khuẩn gây ra nhưng sẽ gây ra nhiều triệu chứng khó chịu, ảnh hưởng đến giấc ngủ và chất lượng cuộc sống của người bệnh. Nếu không được điều trị đúng cách, kịp thời thì viêm mũi dị ứng thời tiết có thể gây ra nhiều biến chứng nếu người bệnh không thực hiện các biện pháp điều trị và chăm sóc đúng cách. Các biến chứng thường gặp của bệnh viêm mũi dị ứng thời tiết:

  • Ù tai, nhức đầu: Các cơ quan hô hấp là tai, mũi, họng có mối liên hệ mật thiết với nhau. Khi niêm mạc mũi bị sưng viêm và phù nề kéo dài, các cơ quan còn lại có thể bị ảnh hưởng ít nhiều. Thực tế cho thấy, tình trạng hắt hơi, sổ mũi, nghẹt mũi,… xảy ra thường xuyên khiến bạn dễ bị đau đầu và ù tai.
  • Tăng nguy cơ mắc các bệnh viêm đường hô hấp khác: Viêm mũi dị ứng kéo dài khiến bạn phải thở bằng miệng thường xuyên. Đây là điều kiện thuận lợi cho virus, vi khuẩn xâm nhập vào niêm mạc họng và gây ra các bệnh viêm đường hô hấp như viêm họng, viêm amidan, viêm xoang, viêm VA, viêm thanh quản,…
  • Hình thành polyp xoang, polyp mũi: Polyp là tổ chức tăng sản lành tính xuất hiện ở nhiều cơ quan trong cơ thể. Một số trường hợp viêm mũi dị ứng thời tiết kéo dài có thể hình thành polyp ở mũi và xoang. Mặc dù polyp là khối u lành tính nhưng tình trạng tăng sản niêm mạc có thể làm gián đoạn quá trình dẫn lưu dịch tiết hô hấp và dẫn đến hàng loạt các vấn đề hô hấp khác.
  • Bội nhiễm vi khuẩn: Trong một số trường hợp viêm mũi dị ứng thời tiết, dịch tiết có thể bị ứ đọng trong các hốc xoang và khoang mũi, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển gây ra bội nhiễm. Bội nhiễm khiến dịch mũi vàng đục, cơ thể nóng sốt, đau đầu, mệt mỏi, ớn lạnh,… Nếu bạn không điều trị sớm, nhiễm trùng có thể lây lan sang các cơ quan kế cận hoặc thậm chí là những cơ quan xa như tim, khớp, thận,…
  • Bạn còn có thể mất ngủ, mệt mỏi, lo lắng nhiều và suy giảm trí nhớ khi hay bị viêm mũi dị ứng.

5. Chẩn đoán viêm mũi dị ứng thời tiết giao mùa

Viêm mũi dị ứng thời tiết được chẩn đoán như thế nào?
Viêm mũi dị ứng thời tiết được chẩn đoán như thế nào?

5.1. Chẩn đoán lâm sàng

Chẩn đoán lâm sàng viêm mũi dị ứng thời tiết sẽ dựa trên các triệu chứng đặc trưng và đáp ứng tốt với điều trị bằng thuốc kháng histamin hoặc corticoid xịt mũi. Việc chẩn đoán sẽ dễ dàng hơn nếu bạn có các triệu chứng theo mùa, hoặc xác định rõ một nguyên nhân khởi phát hay có nhiều hơn một tác nhân gây kích thích, bao gồm cả chất gây dị ứng và chất kích thích. Nê bạn cần nhớ rõ mình đã làm gì và đã từng ở đâu, thời gian nào trong năm hay bị viêm mũi dị ứng…

5.2. Các xét nghiệm

Bác sĩ có thể chỉ định thêm các xét nghiệm để kết hợp chẩn đoán chính xác hơn, bao gồm:

  • Xét nghiệm da: Để xác định phản ứng với chất gây dị ứng như phấn hoa, lông hoặc phân động vật.
  • Xét nghiệm máu: Để đánh giá IgE huyết thanh đặc hiệu dị ứng, được chỉ định khi khi xét nghiệm da không đạt hiệu quả.

5.3. Chẩn đoán phân biệt

Chẩn đoán phân biệt là phân biệt viêm mũi dị ứng thời tiết với các dạng viêm mũi có nguồn gốc không dị ứng (còn gọi là viêm mũi vận mạch), viêm mũi mạn tính không do dị ứng, viêm mũi hỗn hợp và viêm mũi do virus.

6. Cách điều trị viêm mũi dị ứng thời tiết

6.1. Sử dụng thuốc Tây y hỗ trợ điều trị

Sử dụng thuốc Tây để điều trị viêm mũi dị ứng thời tiết
Sử dụng thuốc Tây để điều trị viêm mũi dị ứng thời tiết

Sử dụng thuốc là phương pháp chính trong điều trị viêm mũi dị ứng nói chung và viêm mũi dị ứng thời tiết nói riêng. Thuốc tây sẽ có tác dụng cải thiện triệu chứng, ngăn ngừa – điều trị bội nhiễm. Các loại thuốc trị bệnh viêm mũi dị ứng thời tiết thường được sử dụng:

  • Thuốc kháng histamin H1: Thuốc kháng histamin H1 là loại thuốc thông dụng được sử dụng điều trị các bệnh có cơ chế dị ứng như viêm mũi dị ứng, viêm kết mạc dị ứng, mề đay mẩn ngứa,… Nhóm thuốc này có khả năng đối kháng chọn lọc với histamin ở thụ thể H1. Nhờ vậy, thuốc có thể cải thiện các triệu chứng do histamin gây ra như phù nề, nghẹt mũi, sổ mũi, hắt hơi, ngứa mũi… Cinarizin, Chlorpheniramin, Promethazin, Loratadin,… là những loại thuốc thường được dùng.
  • Thuốc xịt mũi co mạch: Thuốc xịt mũi chứa các hoạt chất co mạch (Naphazolin, Xylometazolin,…) được sử dụng khi thuốc kháng histamin H1 không mang lại hiệu quả tối ưu. Thuốc có tác dụng co mạch, giảm phù nề ở niêm mạc mũi, nhờ đó cải thiện tình trạng nghẹt mũi, chảy nước mũi do viêm mũi dị ứng thời tiết. Tuy nhiên, nhóm thuốc này thường chỉ được sử dụng trong thời gian ngắn vì nguy cơ và rủi ro cao.
  • Thuốc xịt mũi chứa corticoid: Tương tự như thuốc xịt mũi co mạch, thuốc xịt mũi chứa corticoid cũng có khả năng giảm phù nề niêm mạc mũi hiệu quả. Corticoid hoạt động bằng cách ức chế miễn dịch tại chỗ, từ đó phát huy tác dụng kháng dị ứng và chống viêm. Thuốc dễ gây kích ứng niêm mạc hô hấp, chảy máu cam và tăng nguy cơ nhiễm trùng cơ hội nên chỉ được sử dụng trong thời gian ngắn.
  • Kháng sinh: Kháng sinh sẽ được sử dụng trong trường hợp viêm mũi dị ứng bội nhiễm với tác dụng tiêu diệt hoặc kìm hãm sự phát triển của tác nhân gây nhiễm trùng (chủ yếu là vi khuẩn). Khi dùng thuốc, cần sử dụng đều đặn trong thời gian được chỉ định để tránh tình trạng kháng kháng sinh.

6.2. Áp dụng các biện pháp hỗ trợ

Áp dụng biện pháp cải thiện viêm mũi dị ứng thời tiết ngay tại nhà
Áp dụng biện pháp cải thiện viêm mũi dị ứng thời tiết ngay tại nhà

Các biện pháp cải thiện viêm mũi dị ứng thời tiết tại nhà mà bạn có thể áp dụng:

  • Rửa mũi bằng nước muối sinh lý: Bạn có thể rửa mũi bằng nước muối sinh lý 2 – 3 lần/ ngày giúp làm dịu niêm mạc hô hấp và hỗ trợ tăng cường dẫn lưu dịch. Rửa mũi thường xuyên không chỉ giúp cải thiện triệu chứng nghẹt mũi, sổ mũi, ngứa mũi một cách rõ rệt mà còn giúp loại bỏ dịch tiết hô hấp, tránh tình trạng dịch tiết ứ đọng trong các hốc xoang, mũi và dẫn đến bội nhiễm.
  • Sử dụng máy tạo độ ẩm: Viêm mũi dị ứng thời tiết sẽ chuyển biến nặng hơn khi thời tiết chuyển lạnh, khô hanh. Do độ ẩm thấp khiến niêm mạc mũi bị kích ứng, khô và dễ ngứa ngáy nên bạn có thể dùng máy tạo độ ẩm để cải thiện triệu chứng.
  • Xông mũi với thảo dược: Xông mũi với các thảo dược tự nhiên như tinh dầu tràm trà, gừng tươi, vỏ chanh, sả,… cũng là cách giúp làm sạch dịch tiết hô hấp và giảm ngứa ngáy, cải thiện tình nghẹt mũi rõ rệt. Các thảo dược tự nhiên này còn có đặc tính kháng khuẩn tự nhiên góp phần tiêu diệt tác nhân nhiễm trùng và giảm nguy cơ bội nhiễm khá hiệu quả.

6.3. Điều trị viêm mũi dị ứng bằng vật lý trị liệu

Điều trị viêm mũi dị ứng bằng vật lý trị liệu cũng được sử dụng nhiều. Đặc biệt thích hợp với trường hợp mẫn cảm với thành phần thuốc, gặp tác dụng phụ khi sử dụng thuốc tây. Bấm huyệt, châm cứu, cấy chỉ, thủy châm, ngải cứu… là các phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc có tác động điều trị bệnh theo cơ chế tác động sâu bên trong, điều hòa và lưu thông khí huyết, cân bằng âm dương. Từ đó sẽ giảm triệu chứng cúm, ho, sổ mũi,… do viêm mũi gây ra và còn giúp điều trị bệnh từ sâu bên trong, hệ hô hấp cân bằng tốt hơn và giúp ngăn ngừa bệnh tái phát.

Xem thêm: Mách bạn cách chữa viêm mũi dị ứng thời tiết tại nhà

7. Cách phòng ngừa viêm mũi dị ứng thời tiết

Các cách phòng ngừa viêm mũi dị ứng thời tiết hiệu quả
Các cách phòng ngừa viêm mũi dị ứng thời tiết hiệu quả

Cách phòng ngừa viêm mũi dị ứng theo mùa cần nhất là tránh xa các tác nhân gây dị ứng và tăng cường miễn dịch cho cơ thể. Bạn nên chú ý:

  • Vệ sinh nhà cửa sạch sẽ hàng ngày, thường xuyên thay giặt ga gối, chăn chiếu.
  • Không nên nuôi thú cưng có lông như chó mèo trong nhà.
  • Nếu nghi ngờ một loài thực vật nào đó có thể gây dị ứng trong vườn, hãy loại bỏ nó.
  • Hạn chế tiếp xúc với hóa chất như nước giặt, thuốc xịt côn trùng, nước tẩy rửa.
  • Giữ cho phòng ở luôn thoáng mát, mở cửa sổ đón nắng gió vào nhà để có thể khử nấm mốc.
  • Giữ ấm cơ thể, ăn uống đồ ấm, nhất là vào mùa lạnh. Nên đeo khẩu trang khi đi ra ngoài đường.

Ai cũng có thể bị viêm mũi dị ứng thời tiết nhưng bạn chớ nên chủ quan không điều trị để bệnh có thể chuyển sang mãn tính gây ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống sinh hoạt hàng ngày.

 

Mọi thắc mắc bạn đọc vui lòng liên hệ để được tư vấn và giải đáp miễn phí : 089650950919001259 hoặc Email : songkhoe@bacsituvan.vn

    Đăng ký nhận tư vấn miễn phí - Toàn bộ thông tin Vinh Gia cam kết giữ kín.