Loãng xương ở trẻ em do đâu? Khắc phục như thế nào?

Tham vấn Y khoa:
Bs Vũ Văn Lực

Ngày đăng:
13 Tháng sáu 2023

Lần cập nhật cuối:
28 Tháng mười hai 2023

Số lần xem:
862

Thông thường mọi người hay nghĩ loãng xương chỉ gặp ở người lớn tuổi. Nhưng trên thực tế loãng xương còn gặp ở cả trẻ em. Vậy nhận biết nguyên nhân loãng xương ở trẻ như thế nào?

Thông tin về bệnh loãng xương ở trẻ em
Thông tin về bệnh loãng xương ở trẻ em

1. Bệnh loãng xương ở trẻ em là gì?

Loãng xương ở trẻ em là hiện tượng tăng phần xốp của xương do giảm số lượng, trọng lượng xương trong một đơn vị thể tích. Điều này khiến cho khả năng chống đỡ, chịu lực của xương bị giảm đi. Xương sẽ trở nên mỏng hơn, giòn và dễ gãy ở các vị trí chịu lực như: sống cổ, cột sống lưng, cổ xương đùi…

Đây là một chứng bệnh khá khó nhận biết nhưng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình trạng thể chất, khả năng vận động và tương lai sức khỏe của trẻ.

2. Nguyên nhân nào dẫn đến loãng xương ở trẻ em?

Loãng xương ở trẻ em chủ yếu do những nguyên nhân sau:

2.1. Do di truyền

Trẻ em bị loãng xương do di truyền
Trẻ em bị loãng xương do di truyền

Đây là nguyên nhân chiếm đến 70% trường hợp loãng xương ở trẻ em, liên quan đến bất thường ở 1 vài đặc điểm di truyền ảnh hưởng đến sự tổng hợp và phát triển xương. Do vậy nếu trong gia đình có người bị loãng xương sớm, cần lưu ý theo dõi và kiểm tra ở trẻ.

2.2. Do dinh dưỡng

Nguyên nhân phổ biến thứ hai khiến trẻ bị loãng xương là do yếu tố dinh dưỡng, khi chế độ ăn của trẻ không đầy đủ dưỡng chất. Đặc biệt là sự thiếu hụt nhóm chất canxi và Vitamin D, mật độ xương của trẻ thấp và nguy cơ loãng xương cao. Ngoài ra, thói quen ăn nhiều muối, ít chất đạm, ít phospho, protid,… cũng góp phần dẫn đến loãng xương ở trẻ nhỏ.

2.3. Do bệnh về đường tiêu hóa

Nếu trẻ mắc sớm các rối loạn tiêu hóa hay bệnh lý về dạ dày, ruột non,… làm cản trở việc hấp thu Vitamin D, canxi và protein thì nguy cơ  xương cũng cao hơn. Lúc này, dù cha mẹ cho trẻ ăn chế độ dinh dưỡng đầy đủ thì trẻ vẫn có nguy cơ mắc bệnh về xương, cần đưa trẻ đi khám và điều trị bệnh về đường tiêu hóa mắc phải.

Trẻ nhỏ bị loãng xương do bệnh về đường tiêu hóa
Trẻ nhỏ bị loãng xương do bệnh về đường tiêu hóa

2.4. Do lười vận động

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, những trẻ hiếu động ít có nguy cơ mắc các bệnh về xương khớp. Trong khi đó, những trẻ ít vận động hoặc không tham gia các hoạt động ngoài trời có nguy cơ mắc loãng xương cao hơn. Nguyên nhân là do việc vận động, tập thể dục thường xuyên sẽ giúp kích thích sự tạo xương. Mặt khác, vận động ngoài trời còn giúp cơ thể trẻ tổng hợp vitamin D từ ánh nắng mặt trời, từ đó, tăng hấp thụ canxi.

2.5. Các nguyên nhân khác

Nguyên nhân khác dẫn tới loãng xương ở trẻ là do cơ địa yếu, thể chất kém phát triển, khiến xương không thể hấp thu các dưỡng chất cần thiết. Vì vậy, xương không đạt được khối lượng khoáng chất đỉnh ở tuổi trưởng thành. Đa số các trường hợp là do khi mang thai, người mẹ không được chăm sóc kỹ lưỡng, ăn uống không đủ chất, khiến trẻ thiếu chất, còi xương… ngay từ trong bụng mẹ.

Ngoài ra, một số trẻ mắc bệnh về xương khớp, tiêu hóa hoặc dùng thuốc kháng sinh trong thời gian dài gây cản trở việc hấp thu vitamin D, canxi… cũng dễ bị loãng xương.

3. Dấu hiệu nhận biết loãng xương ở trẻ em

Nhận biết các dấu hiệu loãng xương ở trẻ như thế nào?
Nhận biết các dấu hiệu loãng xương ở trẻ như thế nào?

Khác với người lớn, đối với trẻ nhỏ khi mắc bệnh loãng xương rất khó nhận biết triệu chứng, trẻ không được đưa đến cơ sở y tế khám và điều trị kịp thời do cha mẹ chủ quan. Nhiều trẻ bị loãng xương chỉ được phát hiện một cách ngẫu nhiên khi trẻ bị một bệnh lý khác.

Do vậy, nếu trẻ bị đau nhức ở xương cho dù bất cứ nguyên nhân nào hoặc xuất hiện dấu hiệu của tất cả các bệnh lý liên quan đến loãng xương, các bậc cha mẹ nên chủ động đưa trẻ đến bệnh viện chuyên khoa để khám và điều trị kịp thời.

Nhiều trẻ xuất hiện cơn đau cột sống do xẹp các đốt sống, có thể đau liên quan tới gắng sức hoặc chấn thương nhỏ, đau giảm rõ khi nằm và giảm dần rồi biến mất trong vài tuần. Đau xuất hiện khi có một đốt sống mới bị xẹp hoặc đốt sống ban đầu bị xẹp nặng thêm. Tuy nhiên, một tỷ lệ rất lớn các lún xẹp đốt sống không có triệu chứng đau cột sống. Trước khi xuất hiện lún xẹp đốt sống, không bao giờ có đau cột sống do loãng xương.

4. Chẩn đoán loãng xương trẻ em

Các bác sĩ chẩn đoán loãng xương cho trẻ nhỏ như thế nào?
Các bác sĩ chẩn đoán loãng xương cho trẻ nhỏ như thế nào?

Sau khi khai thác bệnh sử, các bác sĩ sẽ căn cứ vào tiền sử của trẻ có mắc bệnh mạn tính, dùng thuốc điều trị dài ngày không. Các chấn thương, gia đình có cha, mẹ anh chị em có vấn đề về bệnh lý xương không. Sau đó kiểm tra nhận biết vùng cột sống thắt lưng, vùng xương dài của tay, chân…

Sau đó các bác sĩ sẽ chỉ định đo chiều cao, cân nặng, tỉ số khối cơ thể (BMI), khám tổng quát tìm bệnh lý toàn thân, vùng cơ, xương, khớp, cột sống, biến dạng đường cong bình thường cột sống, gõ hoặc ấn vào các gai của đốt sống gây tình trạng đau tăng hoặc khó thực hiện các động tác cúi, ngửa, nghiêng, quay thân mình.

Qua đó các bác sĩ sẽ chỉ định thêm các xét nghiệm chẩn đoán xác định vị trí xương đùi, xương sống thắt lưng và toàn bộ cơ thể để chẩn đoán chính xác nguyên nhân loãng xương.

5. Điều trị loãng xương ở trẻ như thế nào?

Tuỳ từng trường hợp mà các bác sĩ chỉ định cụ thể, nguyên tắc điều trị là đảm bảo chế độ tập luyện và dinh dưỡng phù hợp, sử dụng thuốc ngăn tình trạng hủy xương, kết hợp bổ sung canxi và vitamin D để tăng tái tạo xương.

Hướng dẫn cách điều trị loãng xương ở trẻ
Hướng dẫn cách điều trị loãng xương ở trẻ

5.1. Dùng thuốc

Tùy vào nguyên nhân gây loãng xương, các bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc cho phù hợp như:

  • Bổ sung canxi cho trẻ với liều lượng khuyến cáo như sau:
    • Trẻ từ 0 đến 6 tháng tuổi: 210 mg mỗi ngày
    • Trẻ từ 6 đến 12 tháng tuổi: 270 mg mỗi ngày
    • Trẻ từ 1 đến 3 tuổi: 500 mg mỗi ngày
    • Trẻ từ 4- 8 tuổi: 800mg mỗi ngày
    • Trẻ từ 9 đến 15 tuổi: 1300 mg mỗi ngày
  • Vitamin D 400UI mỗi ngày liều cơ bản
  • Bisphosphonate: Như Pamidronate, Zoledronic acid.

5.2. Điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt phù hợp

Để trẻ hạn chế tình trạng loãng xương, trẻ cần có một chế độ sinh hoạt và ăn uống hợp lý như sau:

  • Thực phẩm tốt cho xương:
    • Sữa và chế phẩm từ sữa là nguồn bổ sung canxi, vitamin D và protein, giúp phòng tránh loãng xương ở trẻ em hiệu quả. Uống sữa hàng ngày không chỉ giúp xương khớp chắc khỏe mà còn cung cấp cho trẻ nguồn năng lượng dồi dào.
    • Xương ống động vật chứa nhiều canxi và các khoáng chất khác như: photpho, sắt, kiềm, đồng, niken… Những dưỡng chất này có tác dụng bảo vệ và phòng chống loãng xương và một số bệnh xương khớp khác.
    • Tôm, cua, cá nhỏ: Đây là nguồn thực phẩm cung cấp canxi tự nhiên để tăng cường và nuôi dưỡng hệ xương khớp khỏe mạnh.
    • Các loại rau quả chứa vitamin K như: bắp cải, khoai tây, rau cải, ngũ cốc giúp tăng mật độ xương và ngăn ngừa sự phá hủy xương.
  • Thường xuyên cho trẻ đi tắm nắng khoảng 30 mỗi ngày. Nên cho trẻ tắm nắng dưới ánh nắng buổi sáng hoặc cuối chiều.

6. Phòng ngừa bệnh loãng xương ở trẻ

Phụ huynh nên biết cách phòng ngừa bệnh loãng xương cho trẻ
Phụ huynh nên biết cách phòng ngừa bệnh loãng xương cho trẻ

Việc mất một khối lượng xương từ những năm tháng đầu đời có thể khiến trẻ rất dễ bị gãy xương dù chỉ gặp chấn thương nhẹ. Việc không phát hiện và điều trị bệnh kịp thời còn có thể khiến trẻ bị cong vẹo cột sống, gù lưng hay giảm chiều cao… ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng cuộc sống. Để phòng ngừa loãng xương ở trẻ nhỏ, cần có chế độ sinh hoạt, ăn uống lành mạnh kể từ khi mẹ mang bầu cho đến khi trẻ sinh ra và lớn lên như sau:

  • Mẹ khi mang thai cần được bổ sung đầy đủ canxi và vitamin D. Ngay khi sinh và cho con bú mẹ cũng cần được bổ sung 2 thành phần này.
  • Cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong ít nhất 6 tháng đầu tiên bởi đây là nguồn dinh dưỡng đầy đủ nhất, giàu canxi và vitamin D cho trẻ sơ sinh.
  • Tăng cường ăn thức ăn giàu Vitamin D và canxi như: gan, cua, cá, trứng, sữa, bơ,… kể từ khi mẹ bầu mang thai, cho con bú hay trẻ lớn hơn đã có thể tự ăn uống.
  • Cho trẻ tắm nắng mặt trời thường xuyên 10 – 15 phút mỗi ngày vào buổi sáng sớm hoặc chiều khi ánh nắng không quá gắt. Đây là cách để cơ thể trẻ hấp thu Vitamin D tự nhiên bổ sung cho xương chắc khỏe, mật độ xương tốt.
  • Trẻ bị thừa cân, béo phì có nguy cơ loãng xương và mắc các bệnh về xương khớp cao hơn trẻ bình thường, do vậy cha mẹ cũng cần chú ý kiểm soát cân nặng hợp ý cho trẻ. Nếu trẻ bị thừa cân béo phì, nên cho trẻ tập luyện và giảm cân phù hợp.
  • Vận động vừa sức và thường xuyên là cách phòng tránh loãng xương ở trẻ em rất hiệu quả. Trẻ nên tham gia các hoạt động vui chơi ngoài trời, tập luyện hợp lý để giúp xương chắc khỏe và linh hoạt hơn. Ngoài ra, việc tắm nắng hàng ngày cũng có tác dụng thúc đẩy quá trình tổng hợp vitamin D, giúp trẻ hấp thu canxi tốt hơn.

Hy vọng qua bài viết trên, bạn đã có thêm những kiến thức về loãng xương cũng như cách phòng tránh bệnh ở trẻ em. Ngay khi thấy trẻ có những biểu hiện của loãng xương như mệt mỏi, chán ăn, lười vận động, đau nhức khớp…, các bậc cha mẹ nên đưa tới cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Bài viết liên quan:

 

Mọi thắc mắc bạn đọc vui lòng liên hệ để được tư vấn và giải đáp miễn phí : 089650950919001259 hoặc Email : songkhoe@bacsituvan.vn

    Đăng ký nhận tư vấn miễn phí - Toàn bộ thông tin Vinh Gia cam kết giữ kín.

    Để lại một bình luận