Hen phế quản nghề nghiệp là gì? Nguyên nhân và cách trị

Tham vấn Y khoa:
Bs Vũ Văn Lực

Ngày đăng:
28 Tháng Năm 2024

Lần cập nhật cuối:
28 Tháng Năm 2024

Số lần xem:
61

Hen phế quản nghề nghiệp là một bệnh khá thường gặp, xảy ra khi tiếp xúc với dị nguyên tại nơi làm việc. Rất nhiều nghề có thể khiến người làm mắc bệnh hen như: công nghiệp nhựa, công nghiệp gỗ, sơn, nhuộm, chế biến thực phẩm, hóa chất… Trong bài viết dưới đây, Dược phẩm Vinh Gia sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về nguyên nhân, triệu chứng cũng như cách điều trị và phòng ngừa căn bệnh này.

1. Hen phế quản nghề nghiệp là gì?

Thông tin về bệnh hen phế quản nghề nghiệp
Thông tin về bệnh hen phế quản nghề nghiệp

Hen phế quản nghề nghiệp là bệnh hen suyễn do hít phải khói hóa chất, khí, bụi hoặc các chất khác trong công việc. Hen phế quản nghề nghiệp có thể là kết quả của việc tiếp xúc với một chất mà dễ nhạy cảm – gây ra phản ứng dị ứng hoặc miễn dịch – hoặc với một chất độc hại gây khó chịu.

Hen phế quản nghề nghiệp có thể gây ra tức ngực, thở khò khè và khó thở. Những người bị dị ứng hoặc có tiền sử gia đình bị dị ứng có nhiều khả năng mắc bệnh hen phế quản nghề nghiệp. [1]

2. Triệu chứng hen phế quản nghề nghiệp

Triệu chứng nhận biết bệnh hen phế quản nghề nghiệp
Triệu chứng nhận biết bệnh hen phế quản nghề nghiệp

Nhìn chung, các triệu chứng bệnh hen phế quản nghề nghiệp cũng tương tự như các triệu chứng gây ra bởi các loại hen phế quản khác, bao gồm:

  • Người bệnh thở khò khè, thở nặng đôi khi chỉ vào ban đêm
  • Ho
  • Khó thở
  • Tức ngực

Các dấu hiệu và triệu chứng kèm theo khác có thể bao gồm: sổ mũi, nghẹt mũi, kích ứng mắt và chảy nước mắt…

Ngoài ra, các triệu chứng này có thể thay đổi phụ thuộc vào chất tiếp xúc, thời gian và tần suất tiếp xúc và các yếu tố khác:

  • Triệu chứng tồi tệ hơn trong thời gian làm việc và tạm mất đi trong những ngày cuối tuần và kỳ nghỉ, rồi lại tái khi đi làm.
  • Có thể xảy ra ở cả nơi làm việc và xa nơi làm việc.
  • Triệu chứng khởi phát ngay khi tiếp xúc với chất gây hen phế quản tại nơi làm việc hoặc sau một thời gian tiếp xúc thường xuyên với chất này.
  • Càng tiếp xúc lâu với chất gây hen phế quản, thì sẽ càng có nhiều khả năng mắc các triệu chứng phế quản mãn tính.

3. Nguyên nhân hen phế quản nghề nghiệp

Nguyên nhân gây bệnh hen phế quản nghề nghiệp
Nguyên nhân gây bệnh hen phế quản nghề nghiệp

Hơn 250 chất tại nơi làm việc đã được xác định là nguyên nhân có thể gây ra hen phế quản nghề nghiệp, bao gồm:

  • Các chất thuộc nhóm động vật như protein được tìm thấy trong vảy, tóc, lông, nước bọt và chất thải cơ thể.
  • Hóa chất được sử dụng để làm sơn, vecni, chất kết dính, cán mỏng và nhựa hàn, vật liệu cách nhiệt, vật liệu đóng gói, nệm xốp và bọc đệm.
  • Enzyme được sử dụng trong chất tẩy rửa và điều hòa bột.
  • Kim loại, đặc biệt là bạch kim, crom và niken sunfat.
  • Các chất thuộc nhóm thực vật bao gồm protein có trong mủ cao su tự nhiên, bột mì, ngũ cốc, bông, hạt lanh, cây gai dầu, lúa mạch đen, lúa mì và papain – một loại enzyme tiêu hóa có nguồn gốc từ đu đủ.
  • Các chất kích thích hô hấp như khí clo, sulfur dioxide và khói.

Các triệu chứng hen phế quản bắt đầu khi phổi bị kích thích (bị viêm). Viêm gây ra một số phản ứng hạn chế đường thở, làm cho khó thở. Với hen phế quản nghề nghiệp, viêm phổi có thể được kích hoạt bởi phản ứng dị ứng với một chất, thường phát triển theo thời gian. Ngoài ra, hít khói từ chất kích thích phổi, chẳng hạn như clo, có thể kích hoạt các triệu chứng hen phế quản ngay lập tức trong trường hợp không bị dị ứng. [2]

4. Các yếu tố nguy cơ

Môi trường nhiều khói bụi là một yếu tố gây hen phế quản
Môi trường nhiều khói bụi là một yếu tố gây hen phế quản

Ngoài các hóa chất mà người bệnh thường xuyên tiếp xúc trong quá trình làm việc thì các yếu tố sau đây cũng làm tăng nguy cơ mắc hen phế quản nghề nghiệp:

  • Bị dị ứng hoặc hen phế quản.
  • Gia đình có tiền sử hen phế quản.
  • Môi trường sinh hoạt nhiều khói bụi, bụi bẩn hoặc chất kích thích phổi và tác nhân gây hen phế quản.
  • Hút thuốc cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh hen phế quản nếu đồng thời tiếp xúc với một số loại chất kích thích khác.

Bên cạnh đó, bệnh hen phế quản nghề nghiệp có thể phát triển ở hầu hết mọi nơi làm việc. Tuy nhiên rủi ro cao hơn nếu làm việc trong một số ngành nghề nhất định như: xử lý chất kết dính, bác sĩ thú y, thợ làm bánh, công nhân nhà máy xay, công nhân cơ khí, thợ mộc, thợ xây, thợ sơn,….

5. Biến chứng hen phế quản nghề nghiệp

Khi người bệnh càng tiếp xúc lâu với một chất gây hen phế quản nghề nghiệp, thì các triệu chứng có thể trở nên tồi tệ hơn và mất nhiều thời gian để cải thiện sau khi kết thúc tiếp xúc với chất kích thích. Trong một số trường hợp, tiếp xúc với các tác nhân gây hen phế quản trong không khí có thể gây thay đổi phổi vĩnh viễn, dẫn đến tàn tật hoặc tử vong.

6. Điều trị hen phế quản nghề nghiệp

Thuốc ngắn hạn giúp điều trị bệnh hen phế quản nghề nghiệp
Thuốc ngắn hạn giúp điều trị bệnh hen phế quản nghề nghiệp

Chúng ta đều biết phòng bệnh hơn chữa bệnh. Do đó việc tránh tiếp xúc với những chất gây ra các triệu chứng hen phế quản nghề nghiệp là rất quan trọng. Tuy nhiên, khi người bệnh đã trở nên nhạy cảm với một chất thì một lượng nhỏ cũng có thể gây ra triệu chứng hen phế quản ngay lập tức kể cả khi người đó đã sử dụng khẩu trang hay mặt nạ chống độc. Mục tiêu của điều trị là ngăn ngừa các triệu chứng và ngăn chặn cơn hen phế quản nghề nghiệp đang tiến triển.

Trong trường hợp sử dụng thuốc điều trị người bệnh và bác sĩ cần quan tâm đến tuổi tác, triệu chứng, tác nhân gây hen phế quản nghề nghiệp để sử dụng thuốc giúp kiểm soát cơn hen suyễn tốt nhất. Có 2 loại thuốc bao gồm:

Thuốc kiểm soát lâu dài:

  • Corticosteroid dạng hít giúp làm giảm viêm và có nguy cơ tác dụng phụ tương đối thấp.
  • Điều tiết Leukotriene có thể thay thế cho Corticosteroid.
  • Thuốc chủ vận beta tác dụng dài (LABA) giúp thông đường thở và giảm viêm. Đối với bệnh hen suyễn, LABA thường chỉ nên được thực hiện kết hợp với một loại thuốc Corticosteroid dạng hít.
  • Thuốc hít kết hợp với thành phần có chứa LABA và corticosteroid. [3]

Thuốc tác dụng nhanh, thuốc ngắn hạn:

  • Thuốc chủ vận beta tác dụng ngắn giúp làm giảm các triệu chứng trong cơn hen.
  • Corticosteroid đường uống và tiêm tĩnh mạch giúp làm giảm viêm đường thở cho bệnh hen suyễn nghiêm trọng. Tuy nhiên thuốc sẽ gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng nếu sử dụng lâu dài.
  • Thuốc hít giãn phế quản, nếu người bệnh cần sử dụng thường xuyên hơn so với khuyến cáo của bác sĩ, nên tái khám bác sĩ chuyên khoa hô hấp để điều chỉnh thuốc kiểm soát dài hạn.

Ngoài ra, nếu bệnh hen phế quản nghề nghiệp được kích hoạt hoặc trở nên tồi tệ hơn do dị ứng, người bệnh cần kết hợp điều trị dị ứng. Phương pháp điều trị dị ứng bao gồm giảm mẫn cảm, thuốc chống dị ứng, thuốc xịt mũi và thuốc thông mũi.

7. Phòng bệnh hen phế quản nghề nghiệp

Hướng dẫn phòng bệnh hen phế quản nghề nghiệp
Hướng dẫn phòng bệnh hen phế quản nghề nghiệp

Cách tốt nhất để ngăn ngừa bệnh hen phế quản nghề nghiệp là kiểm soát mức độ tiếp xúc với hóa chất của người lao động và các chất khác. Bao gồm thực hiện các phương pháp kiểm soát tốt hơn để ngăn ngừa phơi nhiễm, cung cấp thiết bị bảo vệ cá nhân cho người lao động, lắp đặt các thiết bị lọc không khí…

Bên cạnh đó, bạn cần thực hiện một số việc để duy trì sức khỏe tổng thể và giảm khả năng bị hen phế quản:

  • Bỏ hút thuốc lá.
  • Tiêm phòng cúm, phế cầu,…
  • Tránh lạm dụng các thuốc chống viêm không steroid (NSAIDS) và các loại thuốc khác có thể làm cho các triệu chứng tồi tệ hơn.
  • Tập thể dục thường xuyên để tăng miễn dịch, nâng cao sức khỏe tổng thể.
  • Điều trị triệt để các bệnh như ho, cảm cúm, viêm phổi cấp,…

Khi phát hiện bệnh hen phế quản nghề nghiệp, người lao động cần có biện pháp dự phòng hiệu quả như giảm thời gian và mức độ tiếp xúc với các tác nhân gây bệnh. Nếu bệnh tình tiến triển nặng cần gặp bác sĩ để có phác đồ điều trị phù hợp và ngăn ngừa bệnh tái phát.

Qua bài viết trên hy vọng bạn đã có những thông tin hữu ích về bệnh hen phế quản nghề nghiệp. Biết bảo vệ sức khỏe của mình khi làm việc là cách tốt nhất để phòng tránh mọi loại bệnh. Tuy nhiên nếu nhận thấy cơ thể có những triệu chứng bất thường thì bạn hãy tới gặp bác sĩ ngay để có phương pháp điều trị kịp thời.

Nguồn tham khảo:

  • [1] Occupational asthma https://www.asthmaandlung.org.uk/conditions/asthma/occupational-asthma
  • [2] Occupational Asthma https://www.hopkinsmedicine.org/health/conditions-and-diseases/asthma/occupational-asthma
  • [3] Occupational and Work-Related Asthma https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/9572-asthma-occupational–work-related-asthma
Theo dõi DuocPhamVinhGia.Vn trên   

 

Mọi thắc mắc bạn đọc vui lòng liên hệ để được tư vấn và giải đáp miễn phí : 089650950919001259 hoặc Email : songkhoe@bacsituvan.vn

    Đăng ký nhận tư vấn miễn phí - Toàn bộ thông tin Vinh Gia cam kết giữ kín.

    Trả lời