Hướng dẫn chăm sóc trẻ bị viêm phế quản tại nhà

Tham vấn Y khoa:
Bs Vũ Văn Lực

Ngày đăng:
16 Tháng tám 2024

Lần cập nhật cuối:
13 Tháng chín 2024

Số lần xem:
124

Trẻ em là đối tượng dễ mắc viêm phế quản do hệ miễn dịch chưa hoàn thiện. Bệnh viêm phế quản ở trẻ thường không quá nguy hiểm nhưng nếu không được xử lý kịp thời có thể gây biến chứng viêm phổi, suy hô hấp, thậm chí tử vong. Chính vì thế, việc chăm sóc trẻ bị viêm phế quản đúng cách sẽ giúp bé phục hồi nhanh chóng và ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm.

Nhiều phụ huynh quan tâm đến cách chăm sóc trẻ bị viêm phế quản hiệu quả
Nhiều phụ huynh quan tâm đến cách chăm sóc trẻ bị viêm phế quản hiệu quả

1. Thông tin chung bệnh viêm phế quản ở trẻ em

Bệnh viêm phế quản là bệnh lý đường hô hấp rất hay gặp ở trẻ nhỏ. Đây là tình trạng viêm cấp tính lớp niêm mạc trong lòng phế quản do các tác nhân như virus, vi khuẩn… xâm nhập và gây viêm. Điều này khiến ống phế quản bị thu hẹp và tiết nhiều dịch nhầy làm tắc nghẽn đường thở và gây ra triệu chứng như ho, sốt, thở khò khè, đờm nhầy,…

Triệu chứng khởi phát khi trẻ bị viêm phế quản giống với tình trạng viêm đường hô hấp trên như sổ mũi, sốt nhẹ, ngạt mũi, ho… Trẻ bắt đầu sốt cao, ho nhiều hơn kèm theo đờm xanh hoặc vàng, nôn ói, thở khò khè, nặng hơn có thể gây khó thở.

Thông thường, các triệu chứng bệnh kéo dài từ 7-10 ngày rồi dứt. Tuy nhiên nếu trẻ không được chăm sóc tốt và điều trị đúng cách, bệnh sẽ diễn tiến nặng hơn như viêm phổi, suy hô hấp…

2. Chăm sóc trẻ bị viêm phế quản tại nhà đúng cách

Trẻ nhỏ bị viêm phế quản có thể được chữa khỏi nếu như cha mẹ sớm phát hiện bệnh và điều trị đúng cách. Trong giai đoạn này, cha mẹ nên tiến hành chăm sóc trẻ bị viêm phế quản bằng cách:

2.1. Giữ ấm cho trẻ bị viêm phế quản

Mẹ chăm sóc bằng cách giữ ấm cho bé bị viêm phế quản
Mẹ chăm sóc bằng cách giữ ấm cho bé bị viêm phế quản

Thời tiết lạnh, ẩm là điều kiện thuận lợi cho các loại virus, vi khuẩn gây bệnh phát triển. Đây cũng là thời điểm các bệnh đường hô hấp như hen phế quản, viêm họng, cảm cúm, viêm phế quản,… dễ tái phát đợt bệnh cấp tính, diễn tiến nặng. Do đó, các bậc phụ huynh cần đặc biệt lưu ý vấn đề giữ ấm cho trẻ để phòng ngừa bệnh viêm quản trở nặng và biến chứng nhanh chóng sang viêm phổi.

Một số cách giữ ấm cho trẻ bị viêm phế quản trong mùa lạnh:

  • Giữ ấm vùng mũi, cổ, ngực bằng cách mặc áo cao cổ hoặc choàng khăn. Giữ ấm bàn chân bằng cách đeo tất. Không nên mặc phong phanh khi trời lạnh, ngay cả khi ở trong nhà. Ba mẹ cần chú ý lau mồ hôi cho trẻ để hạn chế thấm ngược lại cơ thể.
  • Trang bị dụng cụ sưởi hoặc lò sưởi giúp làm ấm không khí trong nhà. Tuyệt đối không đốt củi hoặc sưởi than trong không gian kín để đề phòng ngạt khí.
  • Ngâm chân bằng nước ấm pha kèm thảo dược như gừng, tinh dầu tràm, bạc hà… khoảng 10-15 phút trước khi ngủ nhằm làm giãn mạch máu vùng chân, thúc đẩy lưu thông máu, ấm cơ thể, ngủ ngon hơn.
  • Cho trẻ ăn đồ ăn nóng ấm, uống nước ấm, tuyệt đối không cho trẻ ăn các loại thức ăn lạnh như kem, nước đá,…

2.2. Hạ sốt khi chăm sóc trẻ bị viêm phế quản

Hạ sốt khi chăm sóc trẻ đang bị viêm phế quản
Hạ sốt khi chăm sóc trẻ đang bị viêm phế quản

Khi trẻ bị viêm phế quản có biểu hiện sốt nhẹ hoặc sốt cao lên tới 39 – 40 độ C. Lúc này, cha mẹ cần áp dụng các biện pháp hạ sốt cho trẻ nhằm tránh nguy cơ bị biến chứng do sốt cao như mất nước, co giật…

  • Nếu trẻ sốt dưới 38,5 độ C thì chưa cần thiết phải dùng thuốc hạ sốt. Lúc này ba mẹ chỉ cần cởi bớt đồ cho trẻ, cho trẻ nằm phòng thoáng và yên tĩnh và dùng khăn ấm lau các vị trí như cổ, nách, bẹn… để hạ nhiệt cho trẻ.
  • Trẻ bị sốt trên 38,5 độ C: Cho trẻ sử dụng thuốc hạ sốt như paracetamol theo đúng liều lượng. Đặt trẻ nằm ở tư thế phù hợp, đồng thời cần cởi bớt quần áo, lau khăn ấm ở cổ, nách, bẹn cho trẻ. Trường hợp trẻ vẫn sốt cao và không có dấu hiệu hạ sốt thì cần đưa trẻ đến bệnh viện.

2.3. Giữ gìn vệ sinh cho trẻ

Giữ gìn vệ sinh cho trẻ là điều cần thiết khi chăm sóc trẻ mắc bệnh viêm phế quản
Giữ gìn vệ sinh cho trẻ là điều cần thiết khi chăm sóc trẻ mắc bệnh viêm phế quản

Ba mẹ cần lưu ý đảm bảo vệ sinh cá nhân cho trẻ trong quá trình điều trị bệnh. Đặc biệt là vệ sinh tai mũi họng của trẻ để ngăn chặn sự lây lan và phát triển của vi khuẩn gây bệnh.

  • Tắm rửa sạch sẽ hoặc lau người bằng nước ấm cho trẻ hằng ngày.
  • Rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn sau khi trở về từ nơi công cộng, trước và sau khi ăn uống, sau khi đi vệ sinh, ho,…
  • Thường xuyên vệ sinh mũi cho trẻ bằng nước muối sinh lý 0,9% dạng nhỏ mũi.
  • Súc họng, miệng bằng nước muối sinh lý hoặc dung dịch nước súc miệng chuyên dụng hàng ngày.
  • Hướng dẫn trẻ xì mũi đúng cách và rửa tay sạch sẽ sau khi xì mũi xong.

2.4. Đảm bảo chế độ ăn uống thích hợp

Chăm sóc dinh dưỡng cho bé đang bị viêm phế quản
Chăm sóc dinh dưỡng cho bé đang bị viêm phế quản

Cha mẹ cần đảm bảo trẻ nhận được đầy đủ chất dinh dưỡng để nâng cao sức khỏe tổng thể, giúp cơ thể nhanh hồi phục. Trẻ bị viêm phế quản nên ăn:

  • Thực phẩm giàu dinh dưỡng, dễ tiêu hóa như ngũ cốc, sữa bò, trứng gà, thịt nạc, sữa chua,…
  • Tích cực bổ sung rau xanh, trái cây tươi chứa nhiều vitamin A, C, E và khoáng chất, có thể kể đến như cam, chuối, dâu tây, cà rốt, rau cải xanh, bí ngô,…
  • Thức ăn nên được chế biến ở dạng lỏng, mềm và dễ nuốt như canh, cháo, súp. Nên chia thành nhiều bữa ăn nhỏ trong một ngày để hạn chế nôn trớ.
  • Cho uống nhiều nước hơn để bù nước và giúp loại bỏ độc tố ra khỏi cơ thể. Ngoài nước lọc, ba mẹ có thể cho bé uống nước canh, nước ép trái cây. Tuy nhiên không cho bé uống nước có ga, đồ uống lạnh, nước đá,…

Bên cạnh đó, cần hạn chế cho trẻ ăn các loại đồ ăn nhanh, thức ăn chiên rán, gia vị cay nóng, thực phẩm có thể gây dị ứng…

2.5. Theo dõi và đưa trẻ tới viện kịp thời

Trẻ bị viêm phế quản cần được chăm sóc và theo dõi sát sao để điều trị kịp thời
Trẻ bị viêm phế quản cần được chăm sóc và theo dõi sát sao để điều trị kịp thời

Trong quá trình chăm sóc tại nhà cho trẻ, nếu trẻ có các biểu hiện dưới đây, bố mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện để được các bác sĩ hỗ trợ điều trị khẩn cấp:

  • Các cơn ho của trẻ xuất hiện thường xuyên hơn, ho kéo dài, dai dẳng và ngày càng nghiêm trọng hơn.
  • Sốt cao trên 39 độ C và không có dấu hiệu giảm khi đã dùng thuốc hạ sốt và các biện pháp hạ sốt thông thường.
  • Nhịp thở nhanh trên 60 lần/phút với trẻ sơ sinh, trên 50 lần/phút với trẻ từ 2-12 tháng tuổi và trên 40 lần/phút với trẻ dưới 5 tuổi.
  • Trẻ bị khó thở, xuất hiện các cơn thở rít, co rút các cơ ở vùng bụng và ngực khi thở.
  • Trẻ có các biểu hiện bất thường: lo lắng, dễ kích động, mệt mỏi quá mức, lừ đừ, giảm linh hoạt so với bình thường, khóc không ra nước mắt…
  • Da dẻ tím tái, không còn hồng hào, tay chân lạnh.

Viêm phế quản ở trẻ có thể chữa khỏi nếu được phát hiện và điều trị kịp thời. Do đó, khi nhận thấy các dấu hiệu bệnh, cha mẹ nên đưa trẻ đi thăm khám và lập kế hoạch chăm sóc để giúp trẻ có sức khỏe tốt và giảm thiểu nguy cơ biến chứng.

Bài viết liên quan:

Theo dõi DuocPhamVinhGia.Vn trên   

 

Mọi thắc mắc bạn đọc vui lòng liên hệ để được tư vấn và giải đáp miễn phí : 089650950919001259 hoặc Email : songkhoe@bacsituvan.vn

    Đăng ký nhận tư vấn miễn phí - Toàn bộ thông tin Vinh Gia cam kết giữ kín.

    Để lại một bình luận