3 giai đoạn phát triển của bệnh sốt xuất huyết

Tham vấn Y khoa:
Bs Vũ Văn Lực

Ngày đăng:
10 Tháng tám 2022

Lần cập nhật cuối:
26 Tháng mười hai 2023

Số lần xem:
1392

Hiểu rõ về các giai đoạn sốt xuất huyết cũng là cách giúp bạn có thể điều trị, chăm sóc để có thể hồi phục nhanh nếu không may mắc phải bệnh lý này.

1. Các giai đoạn bệnh sốt xuất huyết

Sau khi bị muỗi mang virus dengue đốt, virus này sẽ ủ bệnh trong cơ thể người từ 3 đến 14 ngày trước khi các triệu chứng bệnh xuất hiện. Sau thời kỳ ủ bệnh, các triệu chứng khởi phát đột ngột và diễn biến qua 3 giai đoạn dưới đây:

Nắm rõ hơn các giai đoạn của sốt xuất huyết để biết cách điều trị hiệu quả
Nắm rõ hơn các giai đoạn của sốt xuất huyết để biết cách điều trị hiệu quả

1.1. Giai đoạn sốt

Giai đoạn sốt sẽ xuất hiện sau thời gian ủ bệnh với các triệu chứng không đặc hiệu dễ nhầm với cảm cúm, sốt virus thông thường và chưa phải là giai đoạn nguy hiểm nhất. Biểu hiện của giai đoạn này là bạn có thể sốt cao liên tục 39-40 độ C trong 2 – 7 ngày, người thấy mệt mỏi, lừ đừ, nhức đầu, đau sau hốc mắt, tiêu chảy, phát ban, da xung huyết. Để kiểm tra chính xác nhất thì nên làm xét nghiệm Dengue NS1 Ag và bạn đã mắc sốt xuất huyết nếu xét nghiệm cho kết quả dương tính.

>> Xem thêm: Nên làm gì để sốt xuất huyết phát ban mau khỏi?

1.2. Giai đoạn nguy hiểm

Giai đoạn này diễn ra từ ngày thứ 3 – 7 sau khi bắt đầu sốt. Người bệnh có thể còn sốt hoặc đã giảm. Thế nhưng đây lại là giai đoạn nguy hiểm nhất của bệnh với các triệu chứng nặng do tiểu cầu suy giảm như xuất huyết dưới da có thể là các nốt mẩn đỏ hoặc mảng bầm tím chân, mặt trong của cánh tay, bụng, đùi…

Những biến chứng nặng hơn có thể gặp như chảy máu nội tạng, tràn dịch màng phổi, xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết não. Do đó, bệnh nhân cần được theo dõi sát sao các dấu hiệu bệnh. Nếu các triệu chứng trở nặng như trên cần đưa đến bệnh viện cấp cứu kịp thời.

1.3. Giai đoạn phục hồi

Giai đoạn này kéo dài 2-3 ngày. Người bệnh đã hết sốt và có thể ăn uống, tiểu tiện bình thường. Kết quả xét nghiệm cho thấy các chỉ số dần trở về bình thường.

2. Bệnh sốt xuất huyết có nguy hiểm không?

Sốt xuất huyết nguy hiểm như thế nào ở giai đoạn bệnh nặng nhất?
Sốt xuất huyết nguy hiểm như thế nào ở giai đoạn bệnh nặng nhất?

Các chuyên đánh giá, sự nguy hiểm của sốt xuất huyết ở chỗ bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cũng như vaccine phòng ngừa. Chính vì thế, mỗi khi bùng dịch sẽ gây quá tải, việc kiểm soát dịch gặp nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, bệnh sốt xuất huyết do virus Dengue gây ra với 4 típ chính là D1, D2, D3, D4. Do đó, người bị mắc bệnh sốt xuất huyết lần 1 thì vẫn có thể mắc sốt xuất huyết lần 2 và lần 3 do nhiễm típ virus khác.

Sốt xuất huyết là bệnh gây biến chứng nặng nếu không được điều trị kịp thời. Những biến chứng này bao gồm:

  • Thoát huyết tương ồ ạt gây xuất huyết trong và ngoài cơ thể với biểu hiện như chảy máu cam, chảy máu chân răng, nôn ra máu, đi ngoài ra máu,… Trường hợp nghiêm trọng hơn có thể gây ra tình trạng xuất huyết não dẫn tới tử vong.
  • Suy tạng, suy gan cấp, suy thận cấp,…
  • Viêm cơ tim, suy tim.
  • Rối loạn tri giác…

3. Cách chăm sóc và điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết

Hiện nay chưa có thuốc đặc trị nên người bị sốt xuất huyết chủ yếu được điều trị triệu chứng kết hợp với chế độ chăm sóc.

Cách chăm sóc và điều trị giúp bệnh nhân nhanh chóng tiến tới giai đoạn hồi phục
Cách chăm sóc và điều trị giúp bệnh nhân nhanh chóng tiến tới giai đoạn hồi phục

3.1. Điều trị triệu chứng

  • Khi thân nhiệt của người bệnh cao trên 38,5 độ C thì cần phải uống thuốc hạ sốt paracetamol liều 10 – 15mg/kg/lần, cách nhau 4 – 6 tiếng. Không nên dùng thuốc hạ sốt aspirin hoặc ibuprofen vì có thể gây tác dụng phụ nguy hiểm đến sức khỏe.
  • Kết hợp với chườm, lau người bằng nước ấm để nhanh hạ nhiệt; mặc quần áo rộng rãi, thoải mái.
  • Bù nước và điện giải bằng cách uống nhiều nước hơn hoặc pha dung dịch oresol theo đúng liều lượng.
  • Trường hợp mất nước nặng, việc bù nước bằng đường uống không đáp ứng nhu cầu thì bệnh nhân cần đến cơ sở y tế để được truyền dịch.

3.2. Chế độ chăm sóc

  • Người bệnh cần được nghỉ ngơi tại giường, hạn chế đi lại nhiều hoặc vận động quá sức.
  • Phần lớn bệnh nhân sốt xuất huyết đều cảm thấy mệt mỏi, ăn không ngon. Vì vậy, đồ ăn cần chế biến thanh đạm nhưng vẫn đầy đủ chất dinh dưỡng. Nên ưu tiên thức ăn dạng lỏng, mềm, dễ nuốt và dễ tiêu hóa.
  • Có thể bổ sung thêm nước ép trái cây tươi vừa giúp bù nước và vitamin cho cơ thể.
  • Hạn chế dùng những đồ ăn có màu đỏ, nâu hay đen để tránh nhầm lẫn với xuất huyết đường tiêu hóa.
  • Tránh xa các thực phẩm nhiều dầu mỡ, thức ăn nhanh, chất kích thích,…
  • Theo dõi người bệnh, khi có các dấu hiệu nặng lên hay tình trạng không cải thiện cần đưa người bệnh đến cơ sở y tế ngay.

4. Phòng bệnh sốt xuất huyết

Cần có ý thức phòng ngừa sốt xuất huyết trước khi bị ủ bệnh trong người
Cần có ý thức phòng ngừa sốt xuất huyết trước khi bị ủ bệnh trong người

Sốt xuất huyết là bệnh nguy hiểm có tính truyền nhiễm cao và dễ bùng phát thành dịch. Chính vì thế, mỗi cá nhân cần nâng cao ý thức phòng bệnh. Phương pháp phòng ngừa sốt xuất huyết hiệu quả nhất hiện nay là tiêu diệt muỗi, bọ gậy và phòng chống muỗi đốt.

  • Vệ sinh sạch sẽ không gian sống và sinh hoạt để muỗi không có chỗ trú ngụ.
  • Đậy kín các dụng cụ chứa nước, dọn sạch các vật dụng có thể đọng nước mưa như lốp xe cũ, chai lọ, bát, thau chậu vỡ, chum vại không dùng đến.
  • Đối với bể chứa nước cần được vệ sinh định kỳ, thả cá hoặc sử dụng dung dịch sinh học để diệt bọ gậy.
  • Phát quang bụi rậm, dọn dẹp các vũng nước đọng, kênh rạch, ao tù,…
  • Ngủ trong màn kể cả ban ngày để tránh muỗi đốt.
  • Sử dụng tinh dầu, đốt hương muỗi, hay lắp đặt các thiết bị đuổi muỗi trong nhà.
  • Sử dụng thuốc xịt, thoa kem chống muỗi ở các vùng da không được quần áo che chắn.
  • Người bệnh sốt xuất huyết cần được cách ly riêng. Khi tiếp xúc với người bệnh cũng cần mặc áo dài tay, quần dài…
  • Tổ chức phun thuốc muỗi tại các khu vực dân cư để giảm sự sinh sản và phát triển của muỗi.
  • Khi có các triệu chứng nghi ngờ sốt xuất huyết, cần đến khám tại cơ sở y tế để được theo dõi và điều trị kịp thời.

Bên cạnh các biện pháp phòng ngừa sốt xuất huyết từ bên ngoài như trên, bệnh nhân sốt xuất huyết có thể sử dụng các sản phẩm tăng sức đề kháng từ thảo dược, gồm Thanh hao hoa vàng, Xuyên tâm liên, Đinh hương, Hoàng cầm, Sài hồ… Đây là sản phẩm được các nhà khoa học của Viện Công nghệ sinh học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã nghiên cứu tác dụng tối ưu trong việc phòng ngừa và làm giảm nguy cơ mắc bệnh do nhiễm virus, trong đó có sốt xuất huyết.

Bài viết trên đã cung cấp thông tin chi tiết về các giai đoạn sốt xuất huyết cũng như cách chăm sóc và phòng ngừa bệnh. Hi vọng sẽ giúp ích cho bạn để bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình.

Bài viết liên quan:

Theo dõi DuocPhamVinhGia.Vn trên   

 

Mọi thắc mắc bạn đọc vui lòng liên hệ để được tư vấn và giải đáp miễn phí : 089650950919001259 hoặc Email : songkhoe@bacsituvan.vn

    Đăng ký nhận tư vấn miễn phí - Toàn bộ thông tin Vinh Gia cam kết giữ kín.