Làm thế nào để phân biệt sốt siêu vi và sốt xuất huyết?

Tham vấn Y khoa:
Bs Vũ Văn Lực

Ngày đăng:
5 Tháng tám 2022

Lần cập nhật cuối:
26 Tháng mười hai 2023

Số lần xem:
2374

Sốt siêu vi và sốt xuất huyết là gì? Hai bệnh này có phải là một không? Làm thế nào để phòng ngừa sốt siêu vi và sốt xuất huyết? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn giải đáp tất cả những thắc mắc trên, cũng như cung cấp đầy đủ tất cả thông tin cơ bản về hai căn bệnh này!

1. Sốt siêu vi là gì?

Hiểu rõ về sốt siêu vi là gì sẽ dễ dàng phân biệt được với sốt xuất huyết
Hiểu rõ về sốt siêu vi là gì sẽ dễ dàng phân biệt được với sốt xuất huyết

Sốt siêu vi hay sốt virus là tình trạng cơ thể bị sốt do nhiễm nhiều loại virus, hay siêu vi trùng khác nhau như: virus Rhinovirus, Coronavirus, Adenovirus, Enterovirus, Virus cúm,… Đây là một bệnh cấp tính, có thể gặp ở tất cả các độ tuổi, đặc biệt là trẻ nhỏ và người cao tuổi. 

Bệnh thường xảy ra vào thời điểm giao mùa, kéo dài từ 7 – 10 ngày và có thể tự khỏi. Tuy nhiên, người bệnh cũng không nên chủ quan, bởi có những trường hợp bệnh tiến triển nhanh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. 

Sốt siêu vi là bệnh có thể lây truyền giữa người với người, chủ yếu thông qua đường hô hấp và tiêu hóa. Phần lớn virus sẽ lây lan qua các dịch tiết bắn ra khi nói chuyện, ho, hắt xì,… Một số virus có thể lây qua đường máu thông qua việc quan hệ tình dục, truyền máu, mẹ sinh con.

2. Sốt xuất huyết là gì?

Hiểu rõ về sốt xuất huyết là gì sẽ dễ dàng phân biệt được với sốt siêu vi
Hiểu rõ về sốt xuất huyết là gì sẽ dễ dàng phân biệt được với sốt siêu vi

Sốt xuất huyết là một bệnh truyền nhiễm cấp tính khá phổ biến, có thể gặp ở nhiều lứa tuổi. Bệnh do virus Dengue gây ra và lây lan giữa người với người thông qua vết cắn của muỗi vằn (hay còn gọi là muỗi Aedes). 

Bệnh thường xảy ra nhiều vào thời điểm thời tiết bước vào mùa mưa bão, ẩm thấp. Bởi đây là điều kiện vô cùng thuận lợi cho muỗi vằn sinh sản và phát triển.

Hiện nay, chưa có vaccine phòng chống bệnh sốt xuất huyết. Bên cạnh đó, bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng như: sốc do mất máu, suy tim, suy thận, tụt huyết áp, đau đầu dữ dội, hôn mê,… rất nguy hiểm, thậm chí có thể gây tử vong.

3. Phân biệt sốt siêu vi và sốt xuất huyết

Để phân biệt giữa sốt siêu vi và sốt xuất huyết, chúng ta cần nắm rõ những vấn đề sau:

Phân biệt sốt siêu vi với sốt xuất huyết như thế nào?
Phân biệt sốt siêu vi với sốt xuất huyết như thế nào?

3.1. Nguyên nhân

Đây là sự khác biệt cơ bản giữa hai căn bệnh này:

  • Sốt siêu vi: Nguyên nhân của bệnh sốt siêu vi là do nhiều loại virus hay siêu vi trùng gây ra.
  • Sốt xuất huyết: Nguyên nhân gây sốt xuất huyết là virus Dengue và muỗi vằn Aedes – tác nhân gây truyền nhiễm bệnh.

3.2. Triệu chứng

Rất nhiều người bị nhầm lẫn giữa sốt siêu vi và sốt xuất huyết do hai căn bệnh này có những triệu chứng khá giống nhau. Tuy nhiên, mỗi bệnh vẫn có các triệu chứng riêng, vì thế người bệnh cần theo dõi để xác định được chính xác bệnh tình của mình. 

Triệu chứng của sốt siêu vi:

  • Sốt cao từ 38 – hơn 40 độ C
  • Đau đầu dữ dội, cảm thấy chao đảo, thái dương đập rất mạnh.
  • Có hiện tượng đau mỏi mắt.
  • Viêm hô hấp, viêm họng.
  • Sổ mũi, chảy nước mũi, hắt xì hơi.
  • Cảm thấy toàn thân đau nhức.
  • Có thể bị rối loạn tiêu hóa
Sốt xuất huyết và sốt siêu vi có những dấu hiệu nhận biết khác nhau
Sốt xuất huyết và sốt siêu vi có những dấu hiệu nhận biết khác nhau

Triệu chứng của sốt xuất huyết:

Ở giai đầu, khi mới phát bệnh, người bệnh sẽ có những biểu hiện như:

  • Sốt cao khoảng 39 – 40 độ C trong khoảng thời gian dài, khó hạ sốt.
  • Hốc mắt và vùng trán đau nhức.
  • Đau cơ, đau khớp.
  • Cảm giác chán ăn, buồn nôn, nôn mửa.
  • Có thể phát sinh tình trạng sung huyết

Tình trạng này có thể kéo dài từ 4 – 10 ngày tùy theo cơ địa mỗi người và mức độ của bệnh.

Nếu bị sốt xuất huyết nặng, bệnh nhân có thể xuất hiện một số triệu chứng: thoát huyết tương, xuất huyết niêm mạc, xuất huyết dưới da, suy nội tạng. 

3.3. Xét nghiệm

Để xác định chính xác bị mắc bệnh sốt xuất huyết hay sốt siêu vi, người bệnh nên tới các cơ sở y tế và làm xét nghiệm máu và test nhanh tìm kháng nguyên Dengue NS1 trong máu, cụ thể:

  • Nếu kết quả cho thấy các chỉ số máu bình thường, bạch cầu tăng nhẹ và âm tính với Test Dengue nghĩ là bệnh nhân mắc sốt siêu vi.
  • Nếu kết quả trong công thức máu có lượng tiểu cầu giảm, thể tích khối hồng cầu Hct tăng, đồng thời dương tính với Test Dengue có nghĩa là bệnh nhân mắc sốt xuất huyết.

>> Xem thêm: Cách phân biệt sốt xuất huyết với các dạng sốt khác

4. Cách chăm sóc đối với người bệnh bị sốt virus và sốt xuất huyết

Cách chăm sóc cho người bệnh bị sốt xuất huyết và sốt siêu vi
Cách chăm sóc cho người bệnh bị sốt xuất huyết và sốt siêu vi

4.1. Đối với người bệnh bị sốt xuất huyết

Phần lớn, bệnh nhân mắc sốt xuất huyết đều được điều trị ngoại trú, trừ các trường hợp bệnh rất nặng thì sẽ cần nằm viện để dễ dàng theo dõi. Khi chăm sóc người bị sốt xuất huyết, chúng ta cần lưu ý:

  • Thường xuyên theo dõi những triệu chứng của bệnh, nếu thấy có biểu hiện bất thường hoặc tình trạng bệnh nặng lên nhanh chóng thì cần đưa người bệnh tới cơ sở y tế ngay lập tức. 
  • Hạ sốt bệnh nhân bằng các phương pháp: sử dụng thuốc hạ sốt paracetamol đơn chất, lau người bằng nước ấm, mặc quần áo thoáng mát,…
  • Tuyệt đối không tự ý sử dụng các loại thuốc aspirin (acetyl salicylic acid), analgin, ibuprofen vì sẽ gây xuất huyết, khiến bệnh nghiêm trọng hơn.
  • Bù nước cho người bệnh bằng cách: uống oresol, nước chanh, nước cam,…
  • Người bệnh cần được nghỉ ngơi trong không gian sạch sẽ, thoáng mát, không có muỗi. 

4.2. Đối với người bệnh bị sốt siêu vi

Bệnh sốt siêu vi hiện chưa có thuốc đặc trị, vì thế để thuyên giảm triệu chứng cũng như giúp người bệnh mau chóng phục hồi chúng ta nên:

  • Hạ sốt.
  • Bù bước và điện giải bằng Oresol, nước chanh, nước cam, ăn cháo.
  • Đảm bảo dinh dưỡng cho người bệnh: ưu tiên đồ ăn mềm, nhuyễn dễ nuốt; tăng cường bổ sung đồ uống cùng những loại trái cây giàu dưỡng chất và vitamin.
  • Giữ vệ sinh cơ thể sạch sẽ bằng cách sử dụng nước ấm để lau người.
  • Nhỏ mắt và vệ sinh mũi bằng dung dịch NaCl 0,9% nhằm phòng ngừa bội nhiễm với các loại vi khuẩn đường hô hấp.

4.3. Phương pháp phòng bệnh

Biện pháp phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết và sốt siêu vi
Biện pháp phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết và sốt siêu vi

Để phòng ngừa bệnh sốt siêu vi và sốt xuất huyết, bạn nên thực hiện một số biện pháp sau:

Đối với bệnh sốt siêu vi:

  • Giữ vệ sinh cơ thể và nơi ở, môi trường làm việc sạch sẽ, thoáng mát nhằm ngăn ngừa sự phát triển của các loại virus gây bệnh.
  • Có chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt khoa học.
  • Rửa tay trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, hay sau khi chạm vào những đồ dùng ở nơi công cộng như tay nắm cửa, tay vịn cầu thang,…
  • Khi ho, hắt hơi, xì mũi cần sử dụng giấy để che, tránh làm virus bắn ra môi trường bên ngoài. 
  • Hạn chế tiếp xúc với những người đã mắc sốt siêu vi

Đối với bệnh sốt xuất huyết:

  • Phòng chống muỗi đốt bằng cách: sử dụng vợt muỗi, mắc màn khi đi ngủ, dùng thuốc xịt chống muỗi, mặc quần áo dài tay sáng màu.
  • Phối hợp với chính quyền địa phương triển khai phun hóa chất cho nhà cửa trong những đợt dịch sốt xuất huyết bùng phát.
  • Giữ gìn môi trường sống sạch sẽ, đặc biệt với những đồ vật chứa nước bên trong cần được đậy kín nhằm loại bỏ nơi trú ngụ, sinh sản của muỗi.

Hy vọng những thông tin trên đây đã giúp bạn hiểu rõ cũng như phân biệt được giữa bệnh sốt siêu vi và sốt xuất huyết. Từ đó, mỗi cá nhân, mỗi gia đình hãy chủ động áp dụng các biện pháp phòng ngừa để ngăn chặn những căn bệnh nguy hiểm này.

Bài viết liên quan:

Theo dõi DuocPhamVinhGia.Vn trên   

 

Mọi thắc mắc bạn đọc vui lòng liên hệ để được tư vấn và giải đáp miễn phí : 089650950919001259 hoặc Email : songkhoe@bacsituvan.vn

    Đăng ký nhận tư vấn miễn phí - Toàn bộ thông tin Vinh Gia cam kết giữ kín.