Thông tin phác đồ điều trị viêm xoang theo Bộ Y Tế

Tham vấn Y khoa:
Bs Vũ Văn Lực

Ngày đăng:
14 Tháng mười hai 2023

Lần cập nhật cuối:
9 Tháng ba 2024

Số lần xem:
319

Xây dựng phác đồ điều trị viêm xoang được coi là một trong những bước quan trọng được thực hiện sau khi có kết quả chẩn đoán của bệnh nhân. Tùy theo mức độ xoang của người bệnh mà người bệnh sẽ được áp dụng các pháp đồ khác nhau để điều trị cho phù hợp.

1. Tổng quan về bệnh viêm xoang

Viêm xoang là tình trạng nhiễm trùng, sưng viêm và phù nề ở các hệ thống xoang bên cạnh mũi. Bệnh có thể ảnh hưởng đến một xoang hoặc nặng hơn là nhiều xoang cùng một lúc. Các trường hợp bị viêm nhiều xoang một lúc có thể được gọi là viêm đa xoang.

Tìm hiểu về bệnh viêm xoang
Tìm hiểu về bệnh viêm xoang

Viêm xoang có thể gặp ở mọi lứa tuổi và giới tính. Bệnh được chia thành 3 loại như sau:

  • Viêm xoang cấp: các triệu chứng của bệnh sẽ xảy ra trong phạm vi dưới 4 tuần.
  • Viêm xoang bán cấp: triệu chứng xuất hiện và khỏi từ 4 – 8 tuần.
  • Viêm xoang mãn tính: bệnh có thể kéo dài trên 8 tuần dù đã được điều trị.

2. Các nguyên tắc cần tuân thủ trong điều trị viêm xoang

Trong quá trình thực hiện điều trị xoang cần tuân thủ một số nguyên tắc cơ bản sau:

  • Cải thiện các triệu chứng lâm sàng cho người bệnh.
  • Bảo tồn cấu trúc mũi một cách tối đa.
  • Kiểm soát và loại bỏ các nguyên nhân có thể gây ra nhiễm trùng xoang (nấm, vi khuẩn, virus)
  • Giảm nguy cơ xuất hiện biến chứng ở người bệnh.
  • Tiến hành điều trị xoang song song với các bệnh lý nền.

3. Phác đồ điều trị viêm xoang

3.1. Phác đồ điều trị viêm xoang cấp tính

Với các trường hợp bị viêm xoang cấp tính, người bệnh cần được điều trị chủ yếu bằng các phương pháp nội khoa. Cụ thể:

Điều trị viêm xoang cấp toàn thân

Sử dụng thuốc uống để điều trị viêm mũi xoang cấp toàn thân
Sử dụng thuốc uống để điều trị viêm mũi xoang cấp toàn thân
  • Thuốc kháng sinh: Thuốc kháng sinh sẽ được sử dụng với các trường hợp viêm xoang do nhiễm khuẩn. Các loại thuốc kháng sinh sẽ được kê phù hợp với tuổi tác, tình trạng bệnh lý nền cũng như mức độ xoang của bệnh nhân.
  • Thuốc corticoid đường uống: Đây là dòng thuốc thường được sử dụng với các trường hợp viêm xoang nặng và sẽ được chỉ định sử dụng trong một khoảng thời gian ngắn dưới sự kiểm soát của bác sĩ. Một số loại thuốc thường được sử dụng là: Methylprednisolon, Dexamethason.
  • Thuốc làm tan đờm nhầy: Loại thuốc này có cơ chế làm tan đờm nhầy trong mũi giúp bệnh nhân dễ thở và giảm các triệu chứng ngạt mũi, sổ mũi.
  • Thuống kháng histamin: Nếu bạn bị xoang do dị ứng thì các bác sĩ sẽ chỉ định bạn dùng các loại thuốc kháng histamin. Các loại thuốc thường được sử dụng trong phác đồ điều trị viêm xoang đó là: Desloratadine hoặc Fexofenadine
  • Thuốc giảm đau, hạ sốt: Trường hợp bệnh nhân gặp các triệu chứng liên quan đến đau đầu, ngạt/ nhức mũi hay bị sốt trên 38 độ thì sẽ cần sử dụng một số loại thuốc như: Aspirin, Ibuprofen, Naproxen…. Tuy nhiên bệnh nhân không nên lạm dụng quá các loại thuốc này bởi sẽ ảnh hưởng đến dạ dày và có những tác dụng không mong muốn.

Điều trị viêm xoang cấp tại chỗ

Dùng thuốc nhỏ hoặc dạng xịt để điều trị viêm xoang cấp tại chỗ
Dùng thuốc nhỏ hoặc dạng xịt để điều trị viêm xoang cấp tại chỗ
  • Rửa mũi: người bệnh có thể sử dụng nước muối sinh lý hàng ngày để rửa mũi cũng như kết hợp với đánh răng và súc họng đều đặn trước khi ngủ. Đây là một cách đơn giản để bạn có thể cải thiện xoang và ngăn ngừa nguy cơ bệnh tiến triển nặng.
  • Thuốc corticoid dạng xịt: công dụng chính của thuốc là giảm viêm và giảm các triệu chứng như viêm mũi, sổ mũi, nghẹt mũi.
  • Thuốc co mạch, chống sung huyết mũi: giảm sung huyết với các trường hợp bị sung huyết khi viêm mũi cấp hoặc mãn tính. Thuốc có hiệu quả nhanh chóng trong vòng 10 phút và có thể kéo dài từ 2 – 6 tiếng.

Chăm sóc và điều trị viêm xoang cấp tại nhà

Khi chăm sóc và điều trị viêm xoang tại nhà, người bệnh cần thực hiện đúng một số điều dưới đây:

  • Xông mũi: hỗ trợ thông thoáng đường thở, cải thiện sổ mũi, nghẹt mũi, giảm đau nhức xoang. Người bệnh có thể kết hợp dùng thêm chanh, sả để xông mũi cho tăng hiệu quả.
  • Uống nhiều nước: đây là biện pháp giúp bạn có thể làm loãng các chất nhầy, giữ độ ẩm cần thiết cho cơ thể, hạn chế kích ứng.
  • Tránh xa các tác nhân có thể gây dị ứng: khói thuốc, bụi bẩn, lông của động vật, phấn hoa…
  • Dinh dưỡng khoa học và hợp lý: bổ sung đầy đủ các loại vitamin, trái cây và rau xanh để tăng cường miễn dịch.
  • Giữ ấm cơ thể: giữ ấm vùng đầu, cổ ngực, mũi.

3.2. Phác đồ điều trị viêm xoang mãn tính

Phác đồ điều trị viêm xoang mạn tính chủ yếu là phẫu thuật
Phác đồ điều trị viêm xoang mạn tính chủ yếu là phẫu thuật

Với các trường hợp bị xoang mãn tính mà đã được điều trị nội khoa một tháng mà không khỏi thì các bác sĩ sẽ cân nhắc chuyển sang phẫu thuật.

Phẫu thuật nội soi

Phương pháp này giúp bình phục nhanh cũng như loại bỏ sạch các ổ viêm xoang. Các bước tiến hành như sau:

  • Gây mê nội khí quản.
  • Thực hiện nội soi bên trong mũi, không rạch da bên ngoài.
  • Tiến hành loại bỏ các bệnh tích bên trong mũi giúp thông thoáng các lỗ xoang, phục hồi sự thông dẫn khí và dẫn lưu.
  • Tuy nhiên phương pháp này vẫn có thể gây ra một số tác dụng phụ như nghẹt mũi, đau mắt, chảy nước mũi….

Phẫu thuật xoang mở

Khi phẫu thuật xoang mở, các bác sĩ sẽ tiến hành mở xoang, chỉnh lại vách ngăn mũi bị lệch, làm sinh thiết mở lỗ dẫn lưu từ các xoang vào bên trong hốc mũi. Sau đó, các bác sĩ tiến hành làm sạch các ổ viêm bên trong xoang hàm qua lỗ thông xoang.

Theo dõi, điều trị sau phẫu thuật

Sau khi phẫu thuật xong, người bệnh sẽ được tiến hành theo dõi và sử dụng các thuốc chống nhiễm trùng, thuốc co mạch, rửa xoang bằng dòng nước muối sinh lý.

4. Tiên lượng và các biến chứng có thể gặp

Tiên lượng và các biến chứng có thể gặp khi bị viêm xoang
Tiên lượng và các biến chứng có thể gặp khi bị viêm xoang

Theo các bác sĩ, có khoảng trên 70% người bệnh viêm xoang cấp tính có thể thuyên giảm triệu chứng bệnh nhanh chóng khi được điều trị bằng thuốc kháng sinh.

Tuy nhiên, một số ít trường hợp, bệnh nhân không điều trị sớm hoặc điều trị không đúng cách khiến bệnh trở nặng dẫn đến các biến chứng như:

  • Viêm đường hô hấp: viêm họng, viêm amidan, viêm phế quản…
  • Bệnh ở tai: dịch mủ trong xoang lan rộng ra gây viêm tai giữa, đặc biệt ở trẻ em.
  • Biến chứng não: viêm não, viêm màng não, đau đầu,…
  • Bệnh ở mắt: viêm giác mạc, viêm túi lệ, viêm dây thần kinh thị giác, viêm nhiễm ở mi mắt…
  • Ở xương: viêm cốt xương, tủy xương…

Trên đây là các thông tin cơ bản về phác đồ điều trị viêm xoang của Bộ Y Tế. Trong suốt quá trình điều trị, người bệnh cần tuân thủ và thực hiện tốt các nguyên tắc và lời khuyên của bác sĩ để quá trình điều trị đạt kết quả tốt nhất. 

> Xem thêm: Tìm hiểu phương pháp chữa viêm xoang bằng plasma

Nguồn tham khảo:

[1]. Rhinosinusitis treatment protoco. https://www.moh.gov.sa/en/Ministry/MediaCenter/Publications/Documents/Rhinosinusitis-treatment-protocol.pdf

 

Mọi thắc mắc bạn đọc vui lòng liên hệ để được tư vấn và giải đáp miễn phí : 089650950919001259 hoặc Email : songkhoe@bacsituvan.vn

    Đăng ký nhận tư vấn miễn phí - Toàn bộ thông tin Vinh Gia cam kết giữ kín.

    Trả lời