Viêm loét họng: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Tham vấn Y khoa:
Bs Vũ Văn Lực

Ngày đăng:
12 Tháng Mười Hai 2022

Lần cập nhật cuối:
20 Tháng Tư 2024

Số lần xem:
1047

Viêm loét họng là tình trạng họng bị viêm loét và có thể kéo dài đến vùng thực quản và dây thanh quản do nhiều nguyên nhân gây ra. Cùng tìm hiểu nguyên nhân và triệu chứng của bệnh để có cách điều trị hiệu quả nhất.

1. Viêm loét họng là gì và có nguy hiểm không?

Viêm loét họng là tình trạng cổ họng bị viêm loét, khu vực viêm có thể kéo dài đến dây thanh quản hoặc thực quản. Khi họng bị viêm loét, người bệnh sẽ cảm thấy rất khó chịu, đau đớn và gặp nhiều khó khăn trong các hoạt động ăn uống cũng như giao tiếp. Tình trạng này xảy ra do cổ họng nằm ở vị trí nút giao giữa đường ăn uống và đường hô hấp của cơ thể nên dễ bị vi khuẩn tấn công gây viêm loét.

Viêm loét họng là gì và có nguy hiểm không?
Viêm loét họng là gì và có nguy hiểm không?

Viêm loét họng khá phổ biến và người bệnh có thể bị viêm loét cổ họng, viêm loét vòng họng hoặc viêm họng, loét miệng… Nếu không kịp thời điều trị bệnh lý này có thể có nhiều nguy cơ gây biến chứng như:

  • Gây áp xe vùng hạ họng: Người bệnh có thể thấy xuất hiện tình trạng sùi loét thành sau họng khi bị viêm loét ở cổ họng. Tình trạng này khiến vùng hạ họng có dấu hiệu bị áp xe và sẽ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của người bệnh.
  • Biến chứng vỡ niêm mạc họng: Khi tình trạng viêm loét kéo dài, lớp niêm mạc trong cổ họng bị bong tróc và vỡ sẽ gây tổn thương nghiêm trọng tới chức năng của họng. Dấu hiệu nhận biết các biến chứng này là thấy cổ họng bị đau rát, sưng đỏ và có mùi hôi rất khó chịu.
  • Nấm họng: Nấm họng sẽ xuất hiện và phát triển khi niêm mạc họng bị tổn thương kéo dài. Người bệnh sẽ thấy bị ngứa cổ, có đờm xanh và bị chảy nước mũi thường xuyên hoặc có thể bị chảy máu ở lưỡi hay họng.
  • Suy nhược cơ thể: Do đau họng nên người bệnh chán ăn hay gặp khó khăn khi ăn uống, tình trạng này kéo dài sẽ khiến người bệnh thiếu chất, mất cân bằng dinh dưỡng gây ra suy nhược cơ thể.
  • Ung thư vòm họng: Đây là biến chứng nguy hiểm nhất của bệnh viêm họng loét và có thể đe dọa trực tiếp đến tính mạng của người bệnh. Ung thư có nguy cơ xuất hiện khi tình trạng viêm loét trở nặng và kéo dài.

Ngoài các biến chứng này thì người bệnh còn có nguy cơ bị viêm cầu thận,  viêm phổi, viêm khớp hoặc viêm màng ngoài tim. Qua đây hẳn người bệnh đã biết bệnh viêm loét họng sẽ có những biến chứng nguy hiểm như thế nào với sức khỏe, tính mạng. 

2. Nguyên nhân gây bệnh viêm loét họng

Viêm loét họng có thể xảy ra ở cổ họng, thực quản và dây âm thanh vì thế có nhiều nguyên nhân gây viêm loét họng như:

Bệnh viêm loét họng xảy ra do đâu?
Bệnh viêm loét họng xảy ra do đâu?

2.1. Viêm gây loét cổ họng

Viêm loét họng có thể xảy ra do:

  • Hóa trị hoặc xạ trị định kỳ để điều trị các loại bệnh ung thư.
  • Nhiễm trùng nấm men (đặc biệt là nhiễm nấm Candida gây tưa miệng).
  • Nhiễm virus bao gồm virus Herpangina gây mụn nước ở miệng, virus tay chân miệng.
  • Hội chứng Behçet gây viêm da, viêm loét niêm mạc miệng, họng và bộ phận sinh dục.
  • Ung thư vòm họng, là một loại ung thư phát triển ở cổ họng ngay phía sau miệng.

2.2. Viêm loét thực quản

Viêm loét thực quản có thể xảy ra do:

  • Bệnh trào ngược dạ dày thực quản khiến axit từ dạ dày trào ngược lên thực quản thường xuyên.
  • Nhiễm trùng thực quản do virus gây ra bao gồm Herpes Simplex, virus gây suy giảm hệ thống miễn dịch ở người (HIV), virus gây mụn cóc sinh dục (HPV).
  • Do người bệnh sử dụng thường xuyên một số loại thuốc như thuốc chống viêm không chứa Steroid (NSAID) hoặc một số loại kháng sinh.
  • Do ăn nhiều loại thực phẩm giàu axit như cam, quýt, chanh, giấm và đồ uống chứa cồn như rượu bia, caffeine.
  • Do vô tình nuốt phải các chất ăn mòn niêm mạc họng như Amoniac hoặc Natri Hydroxit.
  • Do hóa trị hoặc xạ trị ung thư.
  • Do bị nôn mãn tính.
  • Do dị ứng.

2.3. Viêm loét dây âm thanh

Viêm loét họng ở dây âm thanh còn gọi là viêm họng hạt. Đây là tình trạng viêm loét kèm theo việc xuất hiện nhiều u hạt ở dây âm thanh và bệnh thường có liên quan đến các nguyên nhân như:

  • Chấn thương do đặt nội khí quản trong cổ họng. Đây là thủ thuật chèn một ống từ cổ họng xuống khí quản để hỗ trợ hô hấp và thường được áp dụng khi phẫu thuật.
  • Trào ngược axit dạ dày khiến axit tràn sang thanh quản và gây viêm loét.
  • Ho mãn tính hoặc quá lạm dụng giọng nói.
  • Nhiễm trùng đường hô hấp trên.
  • Ung thư vòm họng hoặc chấn thương họng.

3. Triệu chứng viêm loét họng

Bị viêm loét họng sẽ có những dấu hiệu đặc trưng nào dễ nhận thấy?
Bị viêm loét họng sẽ có những dấu hiệu đặc trưng nào dễ nhận thấy?

Viêm loét họng có thể xảy ra ở cả trẻ em và người lớn với các triệu chứng bệnh điển hình như sau:

  • Cổ họng bị đau rát, sưng đỏ và gặp nhiều khó khăn khi nói chuyện cũng như ăn uống.
  • Người bệnh bị lở loét miệng, hơi thở có mùi hôi.
  • Thấy xuất hiện các triệu chứng ho nhiều, bị khàn tiếng, mất tiếng.
  • Người bệnh có cảm giác chua miệng, vị giác bị thay đổi và thường xuyên bị nôn hoặc buồn nôn.
  • Người bệnh cảm giác mắc họng như có dị vật hoặc khối u trong họng.
  • Thấy ngực bị đau tức và nóng rát, có thể xuất hiện tình trạng sốt cao, cơ thể ớn lạnh.

Hầu hết các triệu chứng của viêm loét cổ họng dễ nhầm lẫn với viêm họng thông thường nên không ít người bệnh có tâm lý chủ quan, không điều trị dứt điểm vô tình khiến bệnh phát triển nặng. Do đó nên khám và điều trị cẩn thận để tránh biến chứng nguy hiểm, khó lường có thể xảy ra.

4. Biện pháp chẩn đoán viêm loét họng

Bác sĩ chẩn đoán viêm loét họng cho bệnh nhân theo những cách nào?
Bác sĩ chẩn đoán viêm loét họng cho bệnh nhân theo những cách nào?

Bác sĩ sẽ khám và tiến hành các kiểm tra, xét nghiệm cần thiết để biết được tình trạng bệnh như xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu, cụ thể là: 

  • Chụp Xquang cổ họng để đánh giá độ hẹp thực quản, tổn thương ở niêm mạc họng.
  • Nội soi thực quản để đánh giá các bất thường ở thực quản bằng cách sử dụng camera chiếu sáng vào trong thực quản. Bác sĩ cũng có thể tiến hành sinh thiết mẫu da ở thời điểm này.
  • Nội soi thanh quản: Để đánh giá tình trạng thanh quản và vòm họng bằng máy ảnh quang
  • Các xét nghiệm hình ảnh khác: Có thể sẽ tiến hành chụp cắt lớp (CT) hoặc máy quét cộng hưởng từ (MRI) hoặc có thể dùng máy chụp cắt lớp phát xạ (PET).

5. Cách điều trị viêm loét họng hiệu quả cao

Để điều trị loét họng, loét thực quản hoặc dây thanh âm thì bác sĩ sẽ căn cứ vào nguyên nhân gây bệnh cũng như mức độ bệnh.

Cách điều trị viêm loét họng hiệu quả tốt nhất
Cách điều trị viêm loét họng hiệu quả tốt nhất

5.1. Điều trị loét họng

Các loại thuốc có thể được dùng:

  • Thuốc kháng sinh hoặc thuốc chống nấm theo toa:  Có tác dụng điều trị nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc nấm.
  • Thuốc giảm đau: Thuốc acetaminophen (Tylenol) sẽ giúp làm giảm sự khó chịu của vết loét.
  • Thuốc súc miệng: Có tác dụng giảm đau và chữa lành vết loét.

5.2. Điều trị loét thực quản

Các loại thuốc sau đây thường được dùng để điều trị loét thực quản:

  • Thuốc kháng axit, thuốc ức chế thụ thể H2 hoặc thuốc ức chế bơm proton (không kê đơn hoặc kê đơn). Các loại thuốc này có tác dụng trung hòa axit dạ dày hoặc làm giảm lượng axit mà dạ dày tạo ra.
  • Thuốc kháng sinh hoặc thuốc kháng virus để điều trị tình trạng nhiễm trùng.
Điều trị viêm loét họng hiệu quả căn cứ vào các nguyên nhân gây bệnh
Điều trị viêm loét họng hiệu quả căn cứ vào các nguyên nhân gây bệnh

5.3. Điều trị dây thanh âm

Để điều trị dây thanh âm có thể áp dụng các phương pháp sau:

  • Hạn chế nói
  • Áp dụng âm ngữ trị liệu
  • Điều trị GERD
  • Phẫu thuật: Phương pháp này sẽ được chỉ định trong trường hợp các phương pháp điều trị khác không có hiệu quả.

5.4. Điều trị viêm loét họng tại nhà

Các phương pháp điều trị loét họng tại nhà người bệnh có thể áp dụng có tác dụng hỗ trợ điều trị thêm hiệu quả: 

  • Hạn chế các món ăn cay, nóng và có tính axit vì những thực phẩm này có thể gây kích ứng cho các vết loét ở họng. Tránh uống rượu, hút thuốc lá vì những chất này có thể khiến vết loét trở nên tồi tệ hơn.
  • Tránh sử dụng các loại thuốc có thể gây kích ứng cho cổ họng, như aspirin (Bufferin), ibuprofen (Advil, Motrin IB) và axit alendronic (Fosamax)
  • Có thể ăn uống đồ lạnh như đá bào, kem… để làm dịu các vết loét
  • Chú ý uống nhiều nước. 
  • Súc miệng bằng nước muối ấm hoặc hỗn hợp gồm muối, nước và baking soda.

6. Phòng tránh viêm loét họng

Phòng ngừa viêm loét họng như thế nào cho tốt?
Phòng ngừa viêm loét họng như thế nào cho tốt?

Để phòng tránh viêm loét họng, bạn cần lưu ý: 

  • Chú ý ngăn ngừa sự lây lan của các bệnh truyền nhiễm, một trong những nguyên nhân gây bệnh viêm loét họng bằng cách vệ sinh tay thường xuyên và tránh tiếp xúc với người bị bệnh. 
  • Hạn chế dùng thuốc lá, rượu bia: Đây chính là tác nhân có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh và làm cho tình trạng bệnh càng nặng hơn. Ngoài ra còn làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư.
  • Ngăn ngừa và kiểm soát tình trạng trào ngược axit dạ dày thực quản bằng cách duy trì cân nặng hợp lý, tránh tiếp xúc với thực phẩm có tính axit, chia bữa ăn thành nhiều bữa ăn nhỏ và hạn chế dùng nhiều chất béo. Ngoài ra việc nằm ngủ đúng tư thế cũng có tác dụng khá tích cực trong điều trị trào ngược dạ dày.
  • Đi khám bác sĩ nếu thấy các dấu hiệu như nuốt đau, phát ban, sốt, ớn lạnh, ợ nóng, đi tiểu giảm hoặc đặc biệt thấy khó thở hoặc nuốt khó, ho hoặc nôn ra máu, đau ngực, sốt cao… thì phải tới gặp bác sĩ càng sớm càng tốt.

Trên đây là những thông tin hữu ích về tình trạng viêm loét họng. Hi vọng qua bài viết này người bệnh sẽ có thêm sự hiểu biết về tình trạng mình đang mắc phải cũng như lựa chọn được các biện pháp điều trị phù hợp.

Bài viết liên quan: Viêm họng ù tai kéo dài cần làm gì để khắc phục?

 

Mọi thắc mắc bạn đọc vui lòng liên hệ để được tư vấn và giải đáp miễn phí : 089650950919001259 hoặc Email : songkhoe@bacsituvan.vn

    Đăng ký nhận tư vấn miễn phí - Toàn bộ thông tin Vinh Gia cam kết giữ kín.