Viêm xoang cấp: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Tham vấn Y khoa:
Bs Vũ Văn Lực

Ngày đăng:
30 Tháng mười hai 2023

Lần cập nhật cuối:
23 Tháng ba 2024

Số lần xem:
448

Viêm xoang cấp tính là tình trạng viêm nhiễm các xoang với các triệu chứng rầm rộ nhưng xảy ra trong thời gian ngắn. Mặc dù đây chỉ là giai đoạn cấp tính song nếu điều trị không tốt, viêm xoang cấp sẽ tiến triển thành mạn tính và gây nhiều ảnh hưởng tới sức khỏe người bệnh.

Tìm hiểu về bệnh viêm xoang cấp
Tìm hiểu về bệnh viêm xoang cấp

1. Viêm xoang cấp là gì?

Bệnh viêm xoang cấp tính là một tình trạng viêm nhiễm trong thời gian ngắn tại các hốc xoang xung quanh mũi, thường xảy ra do tắc nghẽn hoặc nhiễm trùng. Triệu chứng bệnh xảy ra rầm rộ nhưng kéo dài trong khoảng 2 tuần.

Viêm xoang cấp rất phổ biến ở nhóm đối tượng có cơ địa dị ứng, suy giảm miễn dịch, sức khỏe kém,… Bệnh thường bùng phát trong giai đoạn chuyển mùa.

2. Triệu chứng viêm xoang cấp tính

Các triệu chứng viêm xoang cấp có thể biểu hiện nặng nề ngay từ ban đầu, cụ thể:

  • Đau nhức vùng mặt, đau từng cơn, đau nhiều vào buổi sáng. Vị trí đau có thể là vùng giữa lông mày, giữa 2 mắt đau nhức bên trong đầu và đau sau gáy.
  • Chảy mũi nước, đặc, nhầy, có màu vàng hoặc xanh, đôi khi có mùi hôi. Nước mũi chảy qua lỗ mũi hoặc mặt sau cổ họng gọi là chảy dịch mũi sau.
  • Sổ mũi, nghẹt mũi nhiều gây khó thở, nghẹt mũi nặng hơn khi nằm và tăng lên vào buổi tối, có thể dẫn đến giảm khứu giác.
  • Một số triệu chứng khác đi kèm như ù tai, đau tai, nhức đầu, ho, mệt mỏi, sốt, buồn nôn…

3. Nguyên nhân viêm xoang cấp do đâu?

Một số nguyên nhân dẫn đến viêm xoang cấp
Một số nguyên nhân dẫn đến viêm xoang cấp

Có 3 nguyên nhân chính dẫn đến nhiễm trùng đường dẫn lưu của xoang đó là:

  • Virus: Phần lớn các trường hợp viêm xoang cấp do nhiễm virus rhinovirus, cúm, parainfluenz,… Những virus này tấn công khi hệ miễn dịch suy giảm và gây ra triệu chứng viêm xoang.
  • Vi khuẩn: Một tỷ lệ nhỏ bệnh nhân mắc viêm xoang là do nhiễm khuẩn thứ phát. Trong đó, phổ biến là vi khuẩn streptococci, pneumococci, haemophilus influenzae, moraxella,… tấn công và gây nhiễm trùng trong các túi xoang mũi.
  • Viêm mũi dị ứng: Viêm xoang cấp tính có thể khởi phát từ đợt viêm mũi. Bệnh gây tắc nghẽn các đường thoát của túi xoang, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn và virus tấn công và gây nhiễm trùng.

Ngoài ra, một số nguyên nhân khác cũng gây ra viêm xoang cấp tính như:

  • Tổn thương mũi hoặc xoang: Bất kỳ tổn thương nào ở mũi hoặc xoang cũng có thể tạo điều kiện cho vi khuẩn hoặc virus xâm nhập và gây viêm xoang cấp tính. Điển hình như áp xe quanh răng hàm trên.
  • Các chất kích thích: Thói quen hút thuốc lá cũng gây ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch và làm giảm khả năng chống lại nhiễm trùng. Do đó, những người nghiện thuốc lá có khả năng bị viêm xoang cấp tính cao.
  • Cấu trúc xoang không bình thường: Một số người có cấu trúc xoang bất thường như vách ngăn xoang cong hoặc hẹp, làm cản trở việc lưu thông dịch nhầy. Điều này tạo điều kiện cho vi khuẩn và virus tích tụ và gây nhiễm trùng.
  • Các yếu tố môi trường: Việc tiếp xúc với các chất gây dị ứng như phấn hoa, hóa chất hoặc khói bụi trong thời gian dài có thể kích thích niêm mạc mũi, gây tắc nghẽn và gây ra viêm xoang cấp.

4. Các biến chứng viêm xoang cấp thường gặp

Những biến chứng viêm xoang cấp có thể gặp
Những biến chứng viêm xoang cấp có thể gặp

Thông thường các biến chứng viêm xoang cấp tính rất hiếm gặp. Tuy nhiên, nếu xảy ra, các biến chứng có thể bao gồm:

  • Viêm màng não: Nhiễm trùng ở xoang có thể lan tới nhiễm trùng ở não, gây viêm màng não và chất lỏng bao quanh não, tủy sống của người bệnh
  • Viêm mô tế bào: Nhiễm trùng có thể lan đến xương gây viêm tủy xương hoặc da gây viêm mô tế bào
  • Vấn đề về tầm nhìn: Nếu nhiễm trùng lây lan đến hốc mắt có thể gây viêm tấy ổ mắt, áp-xe mí mắt, viêm dây thần kinh thị giác, viêm túi lệ,… gây giảm thị lực hoặc thậm chí mù là vĩnh viễn.

5. Các biện pháp chẩn đoán viêm xoang cấp tính

Phương pháp chẩn đoán viêm xoang cấp tính
Phương pháp chẩn đoán viêm xoang cấp tính

Các biện pháp giúp chẩn đoán viêm xoang bao gồm:

Xét nghiệm chẩn đoán viêm xoang cấp tính

  • Xét nghiệm máu: Kết quả xét nghiệm cho thấy chỉ số ESR và CRP tăng cao trong máu có thể liên quan đến nhiễm trùng do vi khuẩn.
  • Nuôi cấy dịch mủ: Nuôi cấy dịch hút nội soi ≥10 CFU/mL được coi là tiêu chuẩn vàng.

Các chẩn đoán hình ảnh

  • Nội soi mũi: Bác sĩ sẽ sử dụng ống soi nhỏ có gắn camera, luồn qua lỗ mũi vào hốc mũi để xác định tình trạng viêm hoặc các bất thường khác trong xoang của người bệnh.
  • Chụp X-quang: Chụp X-quang có thể hiển thị mức chất lỏng không khí nhưng không phân biệt được virus và vi khuẩn.
  • Chụp CT xoang: Kỹ thuật này để đánh giá xương, mô mềm, răng hoặc các bất thường khác.
  • Chụp MRI: Giúp đánh giá mô mềm hoặc tìm ra khối u. Do đó, MRI có thể hữu ích để xác định mức độ biến chứng trong các trường viêm xoang lan đến nội sọ.

Chẩn đoán phân biệt

Giúp phân biệt giữa viêm mũi xoang cấp tính do virus, vi khuẩn, nấm. Các chẩn đoán khác ít phổ biến hơn bao gồm dị vật mũi, amidan…;

6. Các phương pháp điều trị viêm xoang cấp tính

Viêm xoang cấp tính cần được điều trị dứt điểm để tránh tiến triển thành mãn tính với các triệu trứng kéo dài và nặng nề. Một số biến pháp điều trị bao gồm:

6.1. Điều trị nội khoa bằng kháng sinh

Chữa viêm xoang cấp tính bằng thuốc kháng sinh
Chữa viêm xoang cấp tính bằng thuốc kháng sinh

Bác sĩ sẽ chỉ định thuốc kháng sinh nếu người bệnh bị viêm xoang cấp tính do vi khuẩn. Các thuốc này bao gồm: thuốc chống viêm, thuốc chống dị ứng, thuốc co mạch chống xuất tiết…

Người bệnh cần chú ý sử dụng thuốc đúng liều lượng theo chỉ định. Tuyệt đối không tự ý mua thuốc điều trị sẽ khiến bệnh dai dẳng và chuyển biến nặng hơn.

6.2. Các biện pháp hỗ trợ điều trị tại chỗ

Một số biện pháp hỗ trợ điều trị viêm xoang cấp tại chỗ
Một số biện pháp hỗ trợ điều trị viêm xoang cấp tại chỗ

Xịt rửa mũi

Đây là biện pháp được bác sĩ khuyến nghị phổ biến nhất trong điều trị viêm xoang cấp tính. Xịt rửa mũi bằng dung dịch chuyên dụng sẽ giúp giảm sưng niêm mạc, giảm tắc nghẽn giúp người bệnh dễ chịu hơn.

Thuốc kháng histamin

Việc sử dụng thuốc kháng histamin được sử dụng khi có triệu chứng dị ứng rõ ràng vì chúng có khả năng làm đặc dịch tiết mũi.

Phẫu thuật

Nếu nghi ngờ viêm xoang cấp tính do cấu trúc sai lệch, dị vật, bệnh nhân có thể được can thiệp phẫu thuật để điều trị triệt để.

Điều trị tại nhà

Hầu hết các trường hợp viêm xoang cấp tính nhẹ đều có thể được điều trị tại nhà bằng một số phương pháp đơn giản sau:

  • Chườm khăn ấm giảm bớt các triệu chứng đau nhức do bệnh gây nên.
  • Sử dụng máy tạo độ ẩm.
  • Uống nhiều nước giúp làm loãng chất nhầy trong hốc xoang.
  • Nâng cao đầu khi ngủ.
  • Thuốc xịt mũi không kê đơn như fluticasone propionate có thể làm giảm viêm mũi và xoang.
  • Thuốc giảm đau không kê đơn như acetaminophen (Tylenol) hoặc ibuprofen (Motrin, Advil) có thể giúp giảm đau xoang.

7. Cách phòng ngừa viêm xoang cấp tính

Cách phòng ngừa viêm xoang cấp tính hiệu quả
Cách phòng ngừa viêm xoang cấp tính hiệu quả

Để phòng ngừa bệnh viêm xoang cấp tính, bạn cần chú ý những vấn đề sau:

  • Sử dụng một số vật dụng bảo vệ cơ thể khi đi ra ngoài như khẩu trang, kính, mũ, áo khoác, áo chống nắng.
  • Giữ ấm cơ thể vào những ngày trời lạnh hoặc giao mùa.
  • Hạn chế tiếp xúc và đến gần những nơi có nhiều khói bụi, chất thải, khói thuốc lá, thuốc lào…
  • Không để mũi đối diện trực tiếp với gió từ quạt hay máy lạnh khi nằm ngủ, nghỉ ngơi hoặc khi làm việc.
  • Khi tắm hoặc bơi tiếp xúc với nước cần chú ý không để nước chảy vào lỗ mũi hoặc tai, nếu không may nước chảy vào tai hoặc lỗ mũi cần xử lý và làm sạch ngay.
  • Tăng cường vận động tập luyện thể dục thể thao để tăng sức đề kháng và cải thiện sức bền của cơ thể, giải tỏa căng thẳng, mệt mỏi;
  • Tránh stress, căng thẳng hay mệt mỏi khi làm việc, học tập hoặc lao động quá mức có thể khiến cho hệ miễn dịch của cơ thể bị yếu. Do đó, bạn hãy đi ngủ sớm, đúng giờ, học tập, làm việc và nghỉ ngơi hợp lí.
  • Khi thấy các triệu chứng sổ mũi, hắt hơi, chảy nước mũi, tắc mũi,… bạn cần nhanh chóng đến gặp bác sĩ và tiến hành thăm khám để tìm ra nguyên nhân, đưa ra phác đồ điều trị kịp thời, hợp lí.
  • Tăng cường miễn dịch bằng cách ăn uống đầy đủ dinh dưỡng.

Mặc dù viêm xoang cấp tính có thể tự khỏi nhưng cũng rất dễ tiến triển thành mãn tính nếu không điều trị đúng cách. Do đó, mỗi người nên chủ động phòng bệnh viêm xoang và thăm khám sức khỏe định kỳ mỗi năm để phát hiện và điều trị sớm.

Bài viết liên quan:

Nguồn tham khảo:

[1] Acute sinusitis. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/acute-sinusitis/symptoms-causes/syc-20351671

[2] Acute Sinusitis. https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/15285-acute-sinusitis

[3]. Acute sinusitis. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/acute-sinusitis/diagnosis-treatment/drc-20351677

 

Mọi thắc mắc bạn đọc vui lòng liên hệ để được tư vấn và giải đáp miễn phí : 089650950919001259 hoặc Email : songkhoe@bacsituvan.vn

    Đăng ký nhận tư vấn miễn phí - Toàn bộ thông tin Vinh Gia cam kết giữ kín.

    Để lại một bình luận