Viêm loét đại trực tràng chảy máu: Nhận biết và cách điều trị

Tham vấn Y khoa:
Ths.Bs Lê Thị Hải

Ngày đăng:
8 Tháng sáu 2023

Lần cập nhật cuối:
27 Tháng mười hai 2023

Số lần xem:
316

Bệnh viêm loét đại trực tràng chảy máu là bệnh viêm mạn tính đường tiêu hoá, gây ra tổn thương lan toả lớp niêm mạc, dưới niêm mạc, vị trí tổn thương chủ yếu ở trực tràng và có thể lan lên hết khung đại tràng. Cùng đi tìm nguyên nhân gây bệnh và các biến chứng có thể xảy ra để điều trị hiệu quả nhé.

Tổng quan về bệnh viêm loét đại trực tràng chảy máu
Tổng quan về bệnh viêm loét đại trực tràng chảy máu

1. Viêm loét đại trực tràng chảy máu là gì?

Bệnh viêm loét đại trực tràng chảy máu là bệnh viêm mạn tính đường tiêu hoá, bệnh gây tổn thương lan toả lớp niêm mạc, dưới niêm mạc, vị trí tổn thương chủ yếu ở trực tràng và có thể lan lên hết khung đại tràng. Bệnh thường gặp ở người trẻ độ tuổi 20-35 tuổi với tỷ lệ như nhau ở cả 2 giới và tỷ lệ tăng hàng năm 5/100.000 dân.

Xem thêm: Bệnh viêm loét đại tràng: Nguyên nhân và cách điều trị hiệu quả

2. Nguyên nhân chính gây viêm loét đại trực tràng chảy máu

Nguyên nhân viêm loét đại trực tràng chảy máu đến nay chưa được làm rõ nhưng theo các chuyên gia thì bệnh có thể liên quan tới thay đổi miễn dịch của cơ thể, môi trường sống và do gen di truyền.

Yếu tố gen

Theo nhiều nghiên cứu, có khoảng 20% người bị viêm loét đại trực tràng chảy máu có người thân trong gia đình bị bệnh này. Nghiên cứu ở Nhật cho thấy những người có gen HLA-DRB1*1502 (DR2) có nguy cơ mắc bệnh cao hơn những người có genDR4.

Yếu tố nhiễm khuẩn

Nhiễm trùng đường ruột là yếu tố nguy cơ dẫn đến viêm loét đại trực tràng chảy máu. Nhiễm khuẩn có thể gây khởi phát bệnh hoặc trong những đợt tái phát bệnh. Các vi khuẩn gây nhiễm trùng đường ruột như E.Coli, Shigella, Campylobacter… có thể là nguyên nhân gây tái phát.

Nhiễm trùng đường ruột là yếu tố dẫn đến viêm đại trực tràng chảy máu
Nhiễm trùng đường ruột là yếu tố dẫn đến viêm đại trực tràng chảy máu

Yếu tố miễn dịch

Theo nghiên cứu, tự kháng thể pANCA (perinuclear antineutrophil cytoplasmic antibodies) và ASCA (anti – Sacharomyces cerevisiae antibodies) dương tính ở 80% người bệnh bị viêm loét đại trực tràng chảy máu. Tỷ lệ dương tính này còn đặc biệt cao hơn đối với những người bệnh có kết hợp viêm xơ chít hẹp đường mật tiên phát.

Yếu tố môi trường

Yếu tố môi trường như chế độ ăn, thói quen dùng thuốc tránh thai có thể là nguyên nhân dẫn đến viêm loét đại trực tràng chảy máu. Chế độ ăn uống thiếu khoa học, ăn nhiều đồ chiên rán, cay nóng và thói quen sử dụng chất kích thích, đồ uống có cồn là nguyên nhân gây bệnh và khiến bệnh ngày càng trở nên trầm trọng. Hay nếu chị em có dùng thuốc tránh thai thường xuyên thì nguy cơ mắc bệnh cao gấp 2,5 lần so với người khác.

Yếu tố tâm sinh lý

Căng thẳng, stress kéo dài là một trong những nguyên nhân gây nên các bệnh về đường tiêu hóa, trong đó có bệnh viêm đại trực tràng chảy máu. Nếu người bệnh gặp căng thẳng, stress khi đang bị bệnh lý này thì có thể sẽ là nguyên nhân khiến bệnh nặng thêm. 

3. Biểu hiện của viêm loét đại trực tràng chảy máu

Dấu hiệu nhận biết viêm đại trực tràng chảy máu
Dấu hiệu nhận biết viêm đại trực tràng chảy máu

Người bệnh có thể nhận biết bệnh viêm loét đại trực tràng chảy máu ở giai đoạn nhẹ qua một số biểu hiện không quá rõ ràng và rất dễ nhầm lẫn với một vài bệnh về đường tiêu hóa khác. Nếu thấy có các triệu chứng được nếu ra dưới đây thì người bệnh nên đi khám ngay tránh biến chứng nguy hiểm.

  • Người bệnh thường xuyên bị táo bón hoặc tiêu chảy kéo dài
  • Đau bụng
  • Rối loạn phân, đại tiện phân lỏng hoặc có nhầy máu nhiều lần trong ngày, phân có máu đỏ
  • Sốt hiếm khi xảy ra, trừ khi bệnh tiến triển nặng hoặc thể có biến chứng mới xuất hiện sốt
  • Có một số triệu chứng ngoài tiêu hóa là đau khớp, viêm màng bồ đào, viêm xơ đường mật
  • Biểu hiện toàn thân có gầy sút cân, thiếu máu, đôi khi phù do suy dinh dưỡng

4. Biến chứng của viêm loét đại trực tràng chảy máu

Những biến chứng nguy hiểm của bệnh viêm loét đại trực tràng chảy máu
Những biến chứng nguy hiểm của bệnh viêm loét đại trực tràng chảy máu

Người bệnh viêm loét đại trực tràng chảy máu nếu không điều trị có thể gặp các biến chứng nguy hiểm như:

  • Phình giãn đại tràng: Tình trạng này thường gặp ở thể viêm loét đại tràng nặng, viêm toàn bộ đại tràng. Đại tràng giãn to chủ yếu giãn đại tràng ngang, với đường kính > 6cm và nguy cơ thủng đại tràng là rất cao.
  • Thủng đại tràng: Bệnh cảnh viêm phúc mạc. Là cấp cứu ngoại khoa.
  • Xuất huyết tiêu hóa:  Đây là triệu chứng của bệnh nhưng trong các đợt tiến triển thấy dấu hiệu xuất huyết tiêu hóa nặng lên. Khi dấu hiệu phân có máu đỏ tươi số lượng nhiều kèm tình trạng mất máu thì người bệnh cần đến bệnh viện ngay.
  • Ung thư hóa: Bệnh viêm loét đại trực tràng chảy máu có tỉ lệ ung thư hóa cao và tỉ lệ ung thư chiếm 10 -15% sau 10 năm. Nguy cơ ung thư tăng cao trong trường hợp viêm loét toàn bộ đại tràng. Theo dõi bằng nội soi định kỳ và sinh thiết vị trí nghi ngờ. Đồng thời theo dõi các dấu ấn khối u như CEA, CA19.9.

Bệnh viêm loét đại trực tràng chảy máu có các biểu hiện lâm sàng gần giống như bệnh viêm đại tràng hoặc các bệnh đường ruột thông thường khác nên nhiều người bệnh thường chủ quan không điều trị hoặc điều trị không triệt để nên có thể khiến bệnh phát triển nặng hơn và khiến việc điều trị trở nên khó khăn. Do đó mà điều trị sớm, đúng cách sẽ giúp tránh các biến chứng nguy hiểm của bệnh.

5. Phương pháp chẩn đoán viêm loét đại trực tràng chảy máu

Cách chẩn đoán viêm loét đại trực tràng chảy máu
Cách chẩn đoán viêm loét đại trực tràng chảy máu

Chẩn đoán lâm sàng

Bác sĩ thường dựa vào các triệu chứng lâm sàng mà người bệnh gặp phải để đưa ra chẩn đoán ban đầu như đau bụng, đại tiện phân có nhầy máu sẽ là dấu hiệu đầu tiên mà bệnh gây ra. Với trường hợp bệnh diễn biến phức tạp hơn, người bệnh có khi đại tiện chỉ toàn nhầy máu mà không có phân. Cũng có khi người bệnh còn gặp phải triệu chứng sốt, protein máu giảm gây cảm giác mệt mỏi. Khi bệnh trở nên nghiêm trọng, người bệnh thường đại tiện có máu hơn 6 lần/1 ngày và tình trạng này diễn ra nhiều hơn vào ban đêm. Ngoài ta còn một số biểu hiện đi kèm như huyết áp hạ, nhịp tim nhanh, sốt cao, bụng trướng.

Chẩn đoán cận lâm sàng

Tuy nhiên chẩn đoán lâm sàng thì chưa đủ để kết luận chính xác bệnh nên một số phương pháp cận lâm sàng có thể sẽ được bác sĩ chỉ định. Bác sĩ sẽ chỉ định nội soi toàn bộ đại trực tràng. Việc nội soi và quan sát hình ảnh nội soi sẽ giúp bác sĩ phân loại được từng giai đoạn của bệnh, cụ thể là:

  • Giai đoạn 0: Niêm mạc thường nhạt màu, các mạch máu dưới niêm mạc mỏng hơn so với bình thường.
  • Giai đoạn 1: Niêm mạc sần sùi, chỉ nhìn thấy 1 phần mạch máu.
  • Giai đoạn 2: Niêm mạc bị mất nếp ngang, xuất hiện các ổ loét, dễ chảy máu khi đèn chạm phải.
  • Giai đoạn 3: Niêm mạc bị phù nề, xung huyết, có thể xuất hiện các ổ loét lớn, chảy máu niêm mạc tự phát.

Sau khi nội soi có thể bác sĩ cần đến một số phương pháp khác để hỗ trợ chẩn đoán như:

  • Chụp khung đại tràng: Một số dấu hiệu có thể thấy thông qua hình ảnh như đại tràng dạng ống chì, hẹp đại tràng, phình giãn đại tràng…
  • CT Scan ổ bụng: Thành đại tràng dày liên tục tập trung ở đại tràng sigma và quanh trực tràng.
  • Xét nghiệm máu: Hematocrit thường giảm, Protein phản ứng C tăng, máu lắng tăng…

6. Điều trị viêm loét đại trực tràng chảy máu

6.1. Nguyên tắc điều trị

Thông thường với trường hợp điều trị lần đầu, Bác sĩ sẽ cho người bệnh dùng thuốc và đánh giá đáp ứng dựa vào các triệu chứng lâm sàng sau 10 – 15 ngày điều trị. Với trường hợp đã hoặc đang điều trị mà bệnh vẫn tiến triển nặng hơn thì bác sĩ có thể kết hợp loại thuốc đang điều trị với một loại thuốc khác. Với trường hợp đã điều trị nhưng lại ngưng điều trị trong một thời gian dài, thì cần điều trị lại như trường hợp chưa từng điều trị nhưng bằng một loại thuốc khác so với loại thuốc trước đó đã dùng. Với trường hợp tổn thương tối thiểu ở trực tràng đại tràng sigma, người bệnh nên được kết hợp điều trị tại chỗ bằng viên đặt hậu môn và thuốc thụt. Khi điều trị nên kết hợp điều trị tấn công với điều trị duy trì.

6.2. Điều trị nội khoa

Điều trị viêm loét đại trực tràng chảy máu bằng thuốc
Điều trị viêm loét đại trực tràng chảy máu bằng thuốc

Điều trị nội khoa là phương pháp điều trị rất tiện lợi và đem lại hiệu quả cao. Tuy nhiên cần lưu ý những điều sau để đạt được hiệu quả tốt nhất, đó là:

  • Nên sử dụng thuốc theo đúng chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ.
  • Nếu trực tràng chảy máu nặng, nên truyền máu cho bệnh nhân ngay để tránh tình trạng thiếu máu, tụt huyết áp.
  • Khi uống thuốc, cần điều chỉnh chế độ ăn uống phù hợp, cung cấp đủ dinh dưỡng và hãy lựa chọn thức ăn mềm, dễ tiêu, nên ăn thành nhiều bữa. Bên cạnh đó cũng cần tránh những thực phẩm nhiều dầu mỡ, cay nóng, đồ uống có cồn.

6.3. Chế độ dinh dưỡng và điều trị triệu chứng

Chế độ dinh dưỡng cần cho người bệnh viêm loét đại trực tràng chảy máu cần lưu ý là với bệnh ở mức độ nhẹ và vừa thì nên chọn thức ăn mềm, hạn chế chất xơ tạm thời. Người bệnh mức độ nặng thì nên nhịn ăn hoàn toàn và ăn bằng đường tĩnh mạch bằng đạm toàn phần, dung dịch acid béo, đường, đảm bảo 2500 Kcal/ngày. Nên bổ sung sắt, axit folic 1mg/ngày nếu dùng thuốc 5- ASA kéo dài, nước điện giải. Nếu thấy đi ngoài phân lỏng thì nên dùng các thuốc bọc niêm mạc, nếu đau bụng thì dùng các thuốc giảm co thắt.

6.4. Điều trị ngoại khoa

Trong trường hợp người bệnh bị thủng đại tràng, chảy máu ồ ạt khó cầm máu, phình giãn đại tràng nhiễm độc, ung thư hóa hoặc dị sản ở mức độ nặng thì bác sĩ sẽ chỉ định cắt đoạn đại tràng hoặc cắt toàn bộ.

7. Những lưu ý dành cho bệnh nhân bị viêm loét đại trực tràng chảy máu

Một vài lưu ý cho người bị viêm loét đại trực tràng chảy máu
Một vài lưu ý cho người bị viêm loét đại trực tràng chảy máu

Người bệnh viêm loét đại trực tràng chảy máu nên lưu ý:

  • Mọi người nên có thói quen khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần và với người bệnh viêm loét đại trực tràng chảy máu thì càng nên chú ý đến việc này. Nếu bị rối loại đại tiện, tính chất phân thay đổi hay đau bụng thường xuyên thì cần đến gặp bác sĩ ngay. Tránh để bị rối loạn, mất máu 2 – 3 ngày liền mới đi kiểm tra sẽ gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh.
  • Người bệnh viêm đại trực tràng chảy máu nên ăn những thực phẩm tốt cho tiêu hóa, nên ăn những món ăn mềm, dễ tiêu hóa, nhiều chất xơ, tránh ăn rau sống, thịt tái và tránh uống đồ uống có cồn hay sử dụng chất kích thích.
  • Người bệnh nên hạn chế căng thẳng, stress vì nó có thể khiến bệnh thêm nặng. Hãy giữ tinh thần luôn thoải mái, lạc quan, thư giãn bằng cách nghỉ ngơi, nghe nhạc, đọc sách…
  • Nên áp dụng các biện pháp phòng ngừa ngay từ đầu để không bị viêm loét đại trực tràng hay các bệnh về đường tiêu hóa. 

8. Biện pháp phòng ngừa viêm loét đại trực tràng chảy máu

Để phòng ngừa viêm loét đại trực tràng chảy máu xảy ra thì bạn nên chú ý:

  • Bữa ăn hàng ngày nên có nhiều thực phẩm đầy đủ dinh dưỡng, dễ tiêu hóa, ăn thực phẩm nhiều chất xơ, ít dầu mỡ. Tránh xa đồ cay nóng, chất kích thích và đồ uống có cồn.
  • Chú ý sinh hoạt điều độ bằng cách cân bằng công việc và nghỉ ngơi. Ngoài giờ làm việc thì nên dành thời gian nghỉ ngơi, tránh làm việc quá sức gây căng thẳng, stress.
  • Nên tập thể dục đều đặn mỗi ngày để có được một cơ thể khỏe mạnh, giúp phòng tránh hiệu quả bệnh viêm loét đại trực tràng chảy máu.
  • Nên thực hiện việc khám sức khỏe định kỳ mỗi 6 tháng/lần để biết được tình trạng sức khỏe và phát hiện các bất thường sớm để đưa ra phương pháp chữa trị kịp thời, hiệu quả.

Để hỗ trợ điều trị các bệnh tiêu hóa nói chung và phòng tránh bệnh thì bạn có thể chọn bổ sung lợi khuẩn cho đường ruột. Bạn có thể chọn bổ sung từ thực phẩm như sữa chua hay từ men vi sinh. Nên chọn men vi sinh có chứa probioticsprebiotics, được sản xuất bằng công nghệ lab2pro. Đây là công nghệ hiện đại sẽ giúp lợi khuẩn có thể sống tốt trong suốt quá trình tiêu hóa và phát huy tác dụng. Men vi sinh sẽ giúp người bệnh ăn ngon miệng, tránh được các bệnh đường tiêu hóa, hấp thu tốt nhất các dưỡng chất từ chế độ dinh dưỡng hàng ngày và giúp cải thiện nhanh tình trạng rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy, táo bón, đặc biệt là viêm đại tràng cấp, mãn tính. Chi tiết xem thêm sản phẩm TẠI ĐÂY.

Bệnh viêm loét đại trực tràng chảy máu tuy thường gặp nhưng khá nguy hiểm, do đó người bệnh cần điều trị ngay khi phát hiện các dấu hiệu ban đầu của bệnh để tránh biến chứng không mong muốn. 

 

Mọi thắc mắc bạn đọc vui lòng liên hệ để được tư vấn và giải đáp miễn phí : 089650950919001259 hoặc Email : songkhoe@bacsituvan.vn

    Đăng ký nhận tư vấn miễn phí - Toàn bộ thông tin Vinh Gia cam kết giữ kín.

     

    Trả lời