Viêm đại tràng thiếu máu cục bộ: Nguyên nhân và điều trị

Tham vấn Y khoa:
Ths.Bs Lê Thị Hải

Ngày đăng:
9 Tháng tám 2023

Lần cập nhật cuối:
27 Tháng mười hai 2023

Số lần xem:
314

Viêm đại tràng thiếu máu cục bộ là một loại bệnh lý đường tiêu hóa hiếm gặp, nhưng lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ, thậm chí đe dọa tính mạng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Bệnh có thể dẫn đến thủng ruột và viêm phúc mạc, gây ra các triệu chứng như đau bụng, tiêu chảy, táo bón và chảy máu đại tràng. Việc phát hiện và điều trị viêm đại tràng thiếu máu cục bộ là rất quan trọng để ngăn ngừa các biến chứng, giúp bệnh nhân phục hồi sức khỏe nhanh chóng.

Những điều cần biết về viêm đại tràng thiếu máu cục bộ
Những điều cần biết về viêm đại tràng thiếu máu cục bộ

1. Viêm đại tràng thiếu máu cục bộ là gì?

Bệnh viêm đại tràng thiếu máu cục bộ là một bệnh lý nghiêm trọng có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm. Nguyên nhân gây bệnh là do những cục máu đông từ vị trí khác trong cơ thể theo máu đến gây tắc nghẽn các nhánh mạch máu nuôi dưỡng các đoạn đại tràng, hoặc tình trạng xơ vữa mạch máu tại chỗ gây giảm lưu lượng máu đột ngột. Khi không được cung cấp đủ máu, mô sẽ thiếu oxy, dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng, nguy hiểm nhất là hoại tử đại tràng, cần phải cắt bỏ.

Bệnh thường xảy ra trong bối cảnh cấp tính, tiến triển nhanh, chiếm trên 80% trong tổng số các trường hợp. Tuy nhiên, đôi khi bệnh nhân có thể phục hồi một cách tự nhiên và không có triệu chứng sau vài ngày, nhưng đó chỉ là một số trường hợp hiếm.

Nếu không chữa trị kịp thời và đúng phương pháp có thể khiến bệnh viêm đại tràng thiếu máu cục bộ trở nên trầm trọng, thậm chí gây đe dọa tính mạng người bệnh. Vì vậy, sự chủ quan của người bệnh trong việc chăm sóc sức khỏe cũng có thể dẫn đến tình trạng biến chứng cao.

2. Nguyên nhân viêm đại tràng thiếu máu cục bộ

Bệnh viêm đại tràng thiếu máu cục bộ có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau.Tuy nhiên, nguyên nhân chính gây bệnh là do lượng máu đến nuôi dưỡng mô giảm và không đảm bảo cung cấp đủ oxy cho các mô này.

Những lý do phổ biến dẫn đến tình trạng viêm đại tràng thiếu máu cục bộ
Những lý do phổ biến dẫn đến tình trạng viêm đại tràng thiếu máu cục bộ

Bên cạnh đó, có một số nguyên nhân khác thường gặp gây ra bệnh viêm đại tràng thiếu máu cục bộ, bao gồm:

  • Các nhánh động mạch nuôi dưỡng đại tràng có tình trạng tổn thương dạng xơ vữa mạch máu, mảng xơ vữa lớn dần gây hẹp lòng mạch và giảm lưu lượng máu đến ruột già.
  • Huyết khối hình thành từ các vị trí khác trong cơ thể khiến các nhánh động mạch chịu trách nhiệm dinh dưỡng cho ruột già bị tắc nghẽn.
  • Một số bệnh lý như: bệnh lý xơ cứng bì, bệnh lý tăng đông máu, viêm khớp dạng thấp, viêm mạch máu.
  • Giảm lưu lượng tuần hoàn trong cơ thể trong một số trường hợp: sốc phản vệ, suy tim, nhiễm trùng,… Lúc này, máu sẽ tập trung nuôi não bộ cùng các bộ phận chính như tim, thận,… và giảm lượng máu đến ruột già.
  • Các mạch máu nuôi dưỡng đại tràng bị chèn ép bởi các khối u trong lòng đại tràng, xoắn ruột, tắc ruột do u phân hoặc thoát vị bẹn nghẹt cũng có thể là nguyên nhân của bệnh viêm đại tràng thiếu máu cục bộ.
  • Lạm dụng thuốc cũng là một nguyên nhân quan trọng gây bệnh viêm đại tràng thiếu máu, như sử dụng các thuốc kháng sinh, thuốc an thần, thuốc kháng viêm không steroid, thuốc lợi tiểu,…

Ngoài những nguyên nhân kể trên, chế độ sinh hoạt và ăn uống cũng có ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe của đại tràng và lưu lượng máu cung cấp cho bộ phận này. Việc ăn nhiều thức ăn nhanh, bột, ít chất xơ, thường xuyên uống rượu bia, hút thuốc lá và ít vận động có thể dẫn đến tình trạng táo bón, tăng áp lực trong đại tràng, từ đó gây tổn thương cho các mạch máu nuôi dưỡng.

Đối với những người bị viêm đại tràng thiếu máu, việc điều trị cần phải bắt đầu từ việc loại bỏ nguyên nhân gây bệnh và cải thiện chế độ ăn uống, tăng cường vận động thể lực.

Xem thêm: Nguyên nhân gây viêm đại tràng và cách điều trị

3. Dấu hiệu nhận biết bệnh viêm đại tràng thiếu máu cục bộ

Triệu chứng thường thấy ở một người bị viêm đại tràng thiếu máu cục bộ
Triệu chứng thường thấy ở một người bị viêm đại tràng thiếu máu cục bộ

Phần lớn người bệnh có triệu chứng đau bụng từ nhẹ tới nặng, cơn đau xảy ra đột ngột và có cảm giác co thắt dạ dày. Bên cạnh đó, còn xuất hiện một số triệu chứng như đi ngoài kèm ra máu. Các triệu chứng khác bao gồm:

  • Đau bụng sau khi ăn
  • Đi ngoài nhiều
  • Tiêu chảy
  • Nôn và buồn nôn
  • Đau nhói ở bụng

4. Yếu tố nguy cơ và biến chứng

Yếu tố nguy cơ và biến chứng nguy hiểm có thể gặp khi bị viêm đại tràng thiếu máu cục bộ
Yếu tố nguy cơ và biến chứng nguy hiểm có thể gặp khi bị viêm đại tràng thiếu máu cục bộ

4.1. Yếu tố nguy cơ

  • Yếu tố tuổi tác: Viêm đại tràng thiếu máu cục bộ là tình trạng thường gặp ở người lớn tuổi, đặc biệt là trên 60 tuổi. Tuy nhiên, nếu tình trạng này xảy ra ở người trẻ tuổi, thì có thể là dấu hiệu của bệnh lý rối loạn động máu hoặc viêm mạch máu.
  • Rối loạn đông máu: Đây là một yếu tố nguy cơ quan trọng, ảnh hưởng đến khả năng hình thành cục máu đông và từ đó làm tăng nguy cơ viêm đại tràng thiếu máu cục bộ.
  • Cholesterol máu tăng cao: Hiện tượng này làm gia tăng nguy cơ xơ vữa động mạch. Khi lượng cholesterol trong máu tăng, nó có thể bám dính vào thành động mạch và hình thành các mảng xơ vữa. Điều này có thể làm giảm lưu lượng máu đến đại tràng và tăng nguy cơ viêm đại tràng thiếu máu cục bộ.
  • Yếu tố khác: Các bệnh lý như suy tim, hạ huyết áp hay sốc cũng có thể gây giảm lưu lượng máu đến đại tràng, làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Bên cạnh đó, nếu bệnh nhân đã từng phẫu thuật vùng bụng, hay thực hiện các phẫu thuật liên quan đến động mạch lớn cũng sẽ có nguy cơ cao mắc viêm đại tràng thiếu máu cục bộ.

Ngoài các yếu tố nguy cơ trên, tập thể dục nặng cũng có thể làm giảm lưu lượng máu tới đại tràng và gây ra tình trạng viêm đại tràng thiếu máu cục bộ.

4.2. Biến chứng

Viêm đại tràng thiếu máu cục bộ thường tự khỏi trong vòng 2-3 ngày. Tuy nhiên, nếu không được chữa trị đúng cách, bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng. Trong số đó, hoại tử mô do giảm lưu lượng máu đến đại tràng là một trong những biến chứng nguy hiểm nhất.

Ngoài ra, viêm đại tràng thiếu máu cục bộ cũng có thể dẫn đến loét hoặc thủng đại tràng, gây chảy máu dai dẳng, viêm ruột và tắc ruột. Các triệu chứng này thường khiến người bệnh cảm thấy đau bụng, bị tiêu chảy, đầy hơi và khó chịu. Vì vậy, nếu bạn thấy có bất kỳ triệu chứng nào của viêm đại tràng, hãy đến ngay các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh các biến chứng nghiêm trọng có thể xảy ra.

5. Các phương pháp chẩn đoán bệnh viêm đại tràng thiếu máu cục bộ

Biện pháp chẩn đoán bệnh viêm đại tràng thiếu máu cục bộ
Biện pháp chẩn đoán bệnh viêm đại tràng thiếu máu cục bộ

Bệnh lý viêm đại tràng thiếu máu cục bộ thường dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác do chúng có triệu chứng giống bệnh lý khác bao gồm một đợt viêm loét đại tràng hoặc triệu chứng viêm đại tràng giả mạc. Những bệnh này là do một vấn đề về hệ miễn dịch – không phải là do thiếu máu cục bộ. Các phương pháp chẩn đoán bệnh bao gồm:

  • Siêu âm bụng và chụp cắt lớp (CT scan): Hai xét nghiệm này giúp cung cấp các thông tin hữu ích để loại trừ các bệnh lý khác như hội chứng ruột kích thích.
  • Xét nghiệm phân: Xét nghiệm phân được chỉ định để loại trừ những nguyên nhân nhiễm trùng gây ra các triệu chứng.
  • Chụp cắt lớp vi tính hoặc chụp cộng hưởng từ mạch máu: Các cận lâm sàng này giúp cung cấp thông tin về mạch máu cấp máu cho ruột non và đại tràng, cũng như tìm kiếm các yếu tố làm tắc nghẽn động mạch. Xét nghiệm này được chỉ định khi nghi ngờ thiếu máu cục bộ ở cả ruột non và đại tràng.
  • Nội soi đại tràng: Xét nghiệm này cung cấp hình ảnh chi tiết về đại tràng, giúp chẩn đoán bệnh. Nội soi đại tràng cũng có thể sử dụng để tầm soát ung thư và để đánh giá hiệu quả điều trị.

6. Điều trị viêm đại tràng thiếu máu cục bộ

Việc điều trị bệnh viêm đại tràng thiếu máu cục bộ sẽ tùy thuộc và mức độ nghiêm trọng của bệnh.

Biện pháp điều trị viêm đại tràng thiếu máu cục bộ
Biện pháp điều trị viêm đại tràng thiếu máu cục bộ

6.1. Nội khoa

Trong trường hợp nhẹ, các triệu chứng bệnh thường giảm dần trong 2-3 ngày và bác sĩ có thể đưa ra một số phương pháp điều trị sau:

  • Kê một số thuốc như kháng sinh cho người bệnh để ngăn ngừa nhiễm trùng.
  • Truyền dịch đường tĩnh mạch nếu bệnh nhân có dấu hiệu mất nước.
  • Giải quyết các bệnh lý tiềm ẩn như suy tim sung huyết, rối loạn nhịp tim,…
  • Tránh các thuốc có khả năng làm co thắt mạch máu.

6.2. Ngoại khoa

Nếu tình trạng bệnh nghiêm trọng hoặc đại tràng của bệnh nhân bị tổn thương, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật để loại bỏ mô chết, sửa các lỗ loét trên đại tràng, loại bỏ tác nhân gây tắc nghẽn mạch máu, loại bỏ phần ruột bị hẹp do sẹo và tắc nghẽn. Cũng cần lưu ý, nếu người bệnh có một bệnh lý tiềm ẩn thì khả năng cao sẽ cần phẫu thuật để điều trị viêm đại tràng thiếu máu cục bộ. Bên cạnh đó, các bác sĩ sẽ lên lịch theo dõi, có thể kèm nội soi để theo dõi quá trình bệnh và các biến chứng.

7. Phòng ngừa viêm đại tràng thiếu máu cục bộ

Phòng ngừa viêm đại tràng thiếu máu cục bộ như thế nào?
Phòng ngừa viêm đại tràng thiếu máu cục bộ như thế nào?

Bệnh có thể gây ảnh hưởng tới sức khỏe cũng như chất lượng cuộc sống của người bệnh. Do đó, để phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh, bạn cần lưu ý một số điểm sau đây:

  • Khi thấy có hiện tượng máu ở hậu môn kèm theo đó là triệu chứng đau bụng, tiêu chảy, phân có dính máu tươi thì cần đi khám ngay lập tức.
  • Kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ gây bệnh như nhịp tim không đều, huyết áp cao, lượng cholesterol cao trong cơ thể ở mức cao.
  • Bỏ thuốc lá, không sử dụng các chất kích thích có chứa nhiều caffein vì đây là những yếu tố gây bệnh cao.
  • Thói quen sinh hoạt lành mạnh, chế độ ăn uống khoa học giúp bổ sung nhiều dưỡng chất cho cơ thể.
  • Thể dục thể thao hàng ngày giúp nâng cao sức khỏe, tăng sức đề kháng cho cơ thể tốt hơn.
  • Nhanh chóng điều trị triệt để các chứng bệnh thoát vị để làm giảm nguy cơ mắc bệnh.

Tổng kết lại, viêm đại tràng thiếu máu cục bộ là một bệnh lý nguy hiểm, có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ tiêu hóa. Vì vậy, nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nào liên quan đến đại tràng, hãy đi khám để được tư vấn, chẩn đoán và điều trị sớm, giúp giảm thiểu nguy cơ phát triển bệnh cũng như các biến chứng nguy hiểm.

Bài viết liên quan:

 

Mọi thắc mắc bạn đọc vui lòng liên hệ để được tư vấn và giải đáp miễn phí : 089650950919001259 hoặc Email : songkhoe@bacsituvan.vn

    Đăng ký nhận tư vấn miễn phí - Toàn bộ thông tin Vinh Gia cam kết giữ kín.

     

    Để lại một bình luận