Tiêu chảy nhiễm khuẩn ở trẻ em không những ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của trẻ mà còn có nguy cơ dẫn đến tử vong nếu bị mất nước nặng không được cấp cứu kịp thời. Vì thế cha mẹ nên biết nguyên nhân và dấu hiệu nhận biết bệnh lý này để phát hiện từ sớm, có biện pháp can thiệp hiệu quả để tránh những mối nguy hại cho trẻ.
1. Tiêu chảy nhiễm khuẩn ở trẻ em là gì?
Tiêu chảy nhiễm khuẩn ở trẻ được hiểu là tình trạng trẻ bị tiêu chảy do các tác nhân gây hại như vi khuẩn, vi nấm, virus… xâm nhập vào đường tiêu hóa, gây rối loạn hoạt động tại cơ quan này và đẩy phân ra ngoài với nhiều nước hơn.
Những vi sinh gây bệnh thường ký sinh trong thực phẩm, vật dụng hàng ngày hoặc nguồn nước bị ô nhiễm. Khi trẻ tiếp xúc hoặc ăn thức ăn nhiễm khuẩn thì chúng sẽ xâm nhập vào cơ thể và gây bệnh.
Trẻ bị tiêu chảy nhiễm khuẩn sẽ có những triệu chứng thông thường dễ nhận biết như: đi ngoài nhiều lần, mệt mỏi, ốm sốt kèm nôn trớ, mất nước…. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể khiến trẻ bị mất nước nghiêm trọng, nhiễm khuẩn toàn thân và nặng hơn là dẫn đến tử vong.
2. Nguyên nhân khiến cho trẻ bị tiêu chảy nhiễm khuẩn
Một số nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng tiêu chảy nhiễm khuẩn ở trẻ có thể kể đến như:
Nguyên nhân từ trẻ
Hệ miễn dịch của trẻ trong những năm tháng đầu đời chưa hoàn thiện nên dễ bị tấn công bởi các tác nhân gây bệnh. Bên cạnh đó, nếu trẻ bị suy dinh dưỡng hoặc mắc các bệnh như sởi, quai bị, thủy đậu… cũng làm tăng nguy cơ bị tiêu chảy.
Trẻ còn nhỏ, chưa ý thức được vấn đề vệ sinh cá nhân nên trong khi vui chơi, nô đùa khó tránh khỏi việc nhiễm vi khuẩn, virus gây bệnh khi tiếp xúc với vật nuôi, đồ dùng, cây cối… Cùng với đó, thói quen như mút tay, cho đồ chơi vào miệng… sẽ tạo cơ hội cho vi khuẩn, vi rút đi vào cơ thể. Đó chính là lý do tại sao trẻ em thường rất dễ bị tiêu chảy.
Nguyên nhân từ môi trường sống
- Bé có thể bị tiêu chảy khi tiếp xúc với chất thải, đồ dùng cá nhân của người bệnh.
- Thực phẩm nấu ăn không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm, dụng cụ chế biến hoặc tay người chế biến thức ăn bị nhiễm khuẩn… cũng có thể gây tiêu chảy nhiễm khuẩn ở trẻ.
- Gia đình sinh sống tại nơi có ổ dịch, người lớn xử lý chất thải không đúng cách.
- Trẻ sơ sinh cũng có thể bị tiêu chảy nhiễm khuẩn khi núm vú của mẹ, bình sữa, khăn gạc… không được vệ sinh sạch sẽ.
3. Triệu chứng lâm sàng tiêu chảy do một số tác nhân vi khuẩn thường gặp
Trẻ bị tiêu chảy nhiễm khuẩn sẽ có triệu chứng khác nhau tùy thuộc vào từng tác nhân gây bệnh, cụ thể:
- Tiêu chảy do tả: Các triệu chứng xuất hiện nhanh trong 24 giờ, trẻ đi ngoài dữ dội và liên tục, phân toàn nước; bé không bị sốt, không đau quặn bụng nhưng có thể bị nôn mửa.
- Tiêu chảy do lỵ: Trẻ đi tiêu nhiều lần, mót rặn, bụng đau quặn từng cơn, phân lẫn máu nhầy, kèm sốt cao.
- Tiêu chảy do độc tố tụ cầu: Buồn nôn, nôn, không sốt, tiêu chảy nhiều lần phân lỏng nước.
- Tiêu chảy do Salmonella: Trẻ bị đau bụng tiêu chảy, nôn, sốt cao.
- Tiêu chảy do E.coli:
- Tiêu chảy do E.coli sinh độc tố ruột (ETEC): Trẻ không sốt, đi ngoài phân lỏng không lẫn nhầy máu. Bệnh thường tự khỏi sau vài ngày.
- Tiêu chảy do E.coli gây bệnh đường ruột (EIEC, EPEC, EHEC): Trẻ đi ngoài phân lỏng có thể lẫn nhầy máu, mót rặn, đau quặn bụng, sốt.
>> Xem thêm: Làm gì khi trẻ bị tiêu chảy cấp đi ngoài ra máu
4. Tính chất nguy hiểm tiêu chảy nhiễm trùng ở trẻ
Theo các chuyên gia y tế, ba mẹ không thể chủ quan khi bé bị tiêu chảy nhiễm khuẩn bởi nó có thể gây hậu quả nghiêm trọng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của trẻ. Những biến chứng có thể xảy ra khi trẻ mắc bệnh không được điều trị kịp thời gồm:
- Cơ thể mệt mỏi, mất nước và chất điện giải nghiêm trọng.
- Bị rối loạn tiêu hóa kéo dài.
- Suy dinh dưỡng, chậm lớn, cơ thể còi cọc, sức đề kháng yếu.
Hậu quả về lâu dài đó là trẻ có nguy cơ cao bị suy dinh dưỡng, chậm lớn, cơ thể còi cọc, sức đề kháng yếu, chậm phát triển về cả thể chất lẫn trí tuệ. Chính vì vậy, khi thấy bé có dấu hiệu bị tiêu chảy, cha mẹ cần để ý và có biện pháp xử lý kịp thời. Tuyệt đối bố mẹ không nên để tình trạng tiêu chảy nhiễm trùng ở trẻ kéo dài làm ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, tâm lý cũng như sự phát triển của bé sau này.
5. Điều trị tiêu chảy nhiễm khuẩn ở trẻ em
5.1. Nguyên tắc điều trị
Bệnh tiêu chảy nhiễm khuẩn ở trẻ được điều trị theo nguyên tắc là sử dụng kháng sinh để trị mầm mống vi khuẩn gây bệnh, kết hợp với điều trị các triệu chứng cụ thể như mất nước, mệt mỏi, sốt, buồn nôn…
5.2. Bù nước và điện giải cho trẻ
Trẻ đi ngoài nhiều lần trong ngày có thể dẫn tới mất nước và điện giải. Chính vì thế, việc bù nước là bước quan trọng đầu tiên mà ba mẹ cần làm để đưa cơ thể của trẻ về trạng thái cân bằng.
Với trường hợp mất nước nhẹ, ba mẹ có thể cho bé uống nhiều nước hơn bình thường. Bên cạnh nước lọc, có thể cho bé uống các loại nước ép hoa quả, nước cháo muối loãng, nước gạo rang… cũng giúp bổ sung nước và cân bằng điện giải. Tuyệt đối không sử dụng đồ uống có ga, nước ép chứa nhiều đường bởi chúng có thể khiến bệnh nặng hơn. Đối với trẻ đang bú sữa mẹ thì cần cho trẻ bú nhiều lần hơn và uống nước đun sôi.
Ngoài ra, mẹ có thể sử dụng dung dịch Oresol để bù nước và điện giải cho trẻ với liều lượng như sau: đối với trẻ dưới 2 tuổi uống 50-100ml sau mỗi lần tiêu chảy, trẻ từ 2-5 tuổi là 100- 200 ml và trẻ trên 5 tuổi uống theo nhu cầu của bé.
5.3. Sử dụng kháng sinh trong điều trị tiêu chảy nhiễm khuẩn ở trẻ em do một số căn nguyên thường gặp
Thuốc kháng sinh chỉ được bác sĩ kê đơn trong trường hợp trẻ bị tiêu chảy do tả hoặc nhiễm ký sinh trùng, đi ngoài phân lẫn máu, mất nước nặng. Một số kháng sinh được sử dụng để điều trị một số tác nhân vi khuẩn thường gặp như sau:
Trẻ bị tiêu chảy do vi khuẩn tả
Cho trẻ sử dụng kháng sinh có hiệu lực với chủng vi khuẩn tả theo dịch tễ. Uống ngay khi bé ngừng nôn, thường là 4 đến 6 giờ sau khi bù dịch. Loại kháng sinh thường được kê đơn là:
- Azithromycin: liều lượng 6-20 mg/kg cân nặng, ngày 1 lần, uống từ 1 đến 5 ngày.
- Erythromycin: liều lượng 40mg/kg cân nặng, uống 3 ngày.
Kháng sinh điều trị tiêu chảy do lỵ trực trùng Shigella
Thuốc thường được kê là Ciprofloxacin với liều lượng 15mg/kg cân nặng, ngày uống 2 lần, kéo dài trong 3 ngày.
Kháng sinh thay thế:
- Pivecillinam: 20mg/kg/lần, uống 2 lần trong ngày, dùng trong 5 ngày
- Ceftriaxone: 50-100mg/kg/ lần, tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm bắp 1 lần trong ngày, điều trị trong 2-5 ngày.
- Một số kháng sinh không còn hiệu quả trong điều trị lỵ trực trùng được Bộ Y tế khuyến cáo là: Metronidazol, Streptomycin, Amoxicillin, Tetracyclin, Chloramphenicol, Acid Nalidixic…
Trẻ bị tiêu chảy do vi khuẩn Campylobacter
Kháng sinh được khuyến cáo là Azithromycin, liều lượng 6-20mg/kg cân nặng, ngày uống 1 lần, liều dùng từ 1 đến 5 ngày.
Thuốc kháng sinh có ưu điểm là tiêu diệt các tác nhân gây tiêu chảy, giúp cầm tiêu chảy nhanh chóng. Tuy vậy, việc sử dụng thuốc kháng sinh có thể gây tác dụng phụ như nôn mửa, dị ứng, rối loạn tiêu hóa. Do đó, ba mẹ nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi dùng kháng sinh cho trẻ.
5.4. Các thuốc điều trị hỗ trợ
Bên cạnh việc uống thuốc kháng sinh theo đơn của bác sĩ, ba mẹ có thể cho bé sử dụng các loại thuốc hỗ trợ điều trị bé bị tiêu chảy nhiễm khuẩn trong các trường hợp sau:
- Khi trẻ bị sốt: Trường hợp bé bị tiêu chảy kèm sốt thì cho trẻ sử dụng thuốc hạ sốt Paracetamol.
- Bổ sung kẽm: Ba mẹ nên bổ sung kẽm cho trẻ với liều lượng 10mg/ngày ở trẻ dưới 6 tháng tuổi và 20mg/ngày ở trẻ lớn hơn 6 tháng tuổi. Một liệu trình có thể từ 10-14 ngày. Việc bổ sung kẽm sẽ giúp tăng cường hệ miễn dịch, giảm nhẹ triệu chứng bệnh và cải thiện vị giác cho bé.
- Bổ sung vitamin A sau mỗi đợt tiêu chảy để ngăn ngừa tình trạng thiếu vitamin A gây tổn thương giác mạc.
- Men vi sinh: Giúp cung cấp lượng lớn vi khuẩn có lợi cho hệ tiêu hóa, giúp cân bằng hệ vi sinh đường ruột, từ đó giúp nâng cao sức đề kháng của cơ thể để chống lại tác nhân gây bệnh, cải thiện tiêu chảy. Các loại men vi sinh chứa thành phần lợi khuẩn probiotics và prebiotics đặc biệt tốt đối với hệ tiêu hóa non yếu của trẻ nhỏ.
6. Phòng bệnh tiêu chảy nhiễm khuẩn ở trẻ em
Bệnh tiêu chảy nhiễm khuẩn ở trẻ rất nguy hiểm, song ba mẹ hoàn toàn có thể phòng ngừa bệnh cho con bằng các biện pháp dưới đây:
- Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm: Để phòng ngừa bệnh thì nên bắt đầu từ việc cho trẻ ăn đồ chín, uống nước đun sôi để nguội. Tuyệt đối không cho bé ăn đồ ăn tái sống hoặc thực phẩm không rõ nguồn gốc.
- Vệ sinh nhà cửa, nhà tiêu sạch sẽ, xử lý, thu gom rác thải khoa học… để tránh tạo ra môi trường cho mầm bệnh tiêu chảy phát triển.
- Sử dụng nước sạch: Gia đình nên sử dụng những thiết bị lọc nước hoặc khử khuẩn nước uy tín trên thị trường để đảm bảo nguồn nước sinh hoạt sạch, giữ gìn sức khỏe cho con nhỏ và cả nhà.
- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng cho trẻ, ba mẹ cũng nên tập cho trẻ thói quen rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh từ nhỏ. Kể cả bố mẹ hay những người thường xuyên tiếp xúc, chăm sóc trẻ cũng phải có thói quen này, rửa tay trước và sau khi chế biến thức ăn….
- Cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu sau sinh: Các nghiên cứu đã chứng minh sữa mẹ chứa kháng thể tự nhiên giúp chống lại những tác nhân gây bệnh. Bởi vậy mẹ hãy cho bé bú hoàn toàn trong thời gian này.
- Uống vitamin A định kỳ: Vitamin A rất tốt cho quá trình trao đổi chất của trẻ nên các bố mẹ không được bỏ qua bước này.
- Tiêm chủng vắc-xin đầy đủ.
- Bổ sung lợi khuẩn để hỗ trợ tiêu hóa, phòng ngừa tác nhân gây bệnh xâm nhập. Nên đưa vào thực đơn các thực phẩm lên men như kim chi, sữa chua chứa lợi khuẩn probiotic. Với trẻ em thì nên sử dụng các loại men vi sinh chứa lợi khuẩn Probiotics và chất xơ không tan Prebiotics để tăng sức đề kháng và nâng cao hệ miễn dịch.
Trên đây là tất cả những thông tin cần thiết về bệnh tiêu chảy nhiễm khuẩn ở trẻ, hi vọng sẽ giúp cha mẹ luôn chủ động trong các khâu phòng chống cũng như điều trị bệnh.
Mọi thắc mắc bạn đọc vui lòng liên hệ để được tư vấn và giải đáp miễn phí : 0896509509 – 19001259 hoặc Email : songkhoe@bacsituvan.vn