[CẨM NANG] Phân biệt thoái hóa khớp gối và loãng xương

Tham vấn Y khoa:
Bs Vũ Văn Lực

Ngày đăng:
12 Tháng Sáu 2023

Lần cập nhật cuối:
28 Tháng Mười Hai 2023

Số lần xem:
208

Mặc dù thoái hóa khớp gối và loãng xương đều là những bệnh liên quan đến sức khỏe xương khớp nhưng đây lại là hai căn bệnh hoàn toàn khác nhau. Việc phân biệt thoái hóa khớp gối và loãng xương sẽ giúp người bệnh biết được tình trạng bệnh lý của bản thân cũng như việc phối hợp với bác sĩ để điều trị bệnh hiệu quả nhất.

Hướng dẫn cách phân biệt loãng xương và thoái hóa khớp gối
Hướng dẫn cách phân biệt loãng xương và thoái hóa khớp gối

1. Thoái hóa khớp gối và loãng xương là gì?

Khớp gối là một trong những khớp chịu lực của cơ thể. Với vai trò là nâng đỡ toàn bộ sức nặng của cơ thể và giúp chúng ta di chuyển, thực hiện các động tác như cúi, ngửa, xoay… nên khớp gối rất dễ bị thoái hóa.

Thoái hóa khớp gối là tình trạng tổn thương trên bề mặt sụn khớp do chất nhờn bị hao hụt nhiều, làm cho độ ma sát giữa các đầu khớp tăng lên. Điều này khiến bề mặt sụn khớp bị bào mòn dần và dẫn đến tình trạng hẹp khe khớp gối. Các khe càng hẹp chứng tỏ bệnh càng nặng. Tình trạng này kéo dài khiến sụn khớp không thể che phủ toàn bộ đầu xương, dẫn tới tình trạng xương đùi và xương chày cọ sát vào nhau, gây đau đớn cho người bệnh.

Loãng xương là tình trạng tăng phần xốp của xương do giảm số lượng và trọng lượng xương, khiến cho khả năng chống đỡ và chịu lực của xương bị yếu đi. Nguyên nhân của hiện tượng này là do quá trình hủy xương chiếm ưu thế hơn quá trình tạo xương, lúc này xương bị tổn thương và rất dễ gãy.

Xem thêm: Bệnh loãng xương: Nguyên nhân, dấu hiệu, chẩn đoán và điều trị

2. Phân biệt thoái hóa khớp gối và loãng xương

Tuy đây đều là hai chứng bệnh liên quan đến vấn đề về xương khớp, nhưng lại là hai căn bệnh hoàn toàn khác nhau. Bạn có thể phân biệt chúng thông qua những phương diện sau:

2.1. Triệu chứng

Thoái hóa khớp gối và loãng xương khác nhau từ triệu chứng
Thoái hóa khớp gối và loãng xương khác nhau từ triệu chứng

Các triệu chứng của thoái hóa khớp gối được biết đến là:

  • Trong quá trình hoạt động, bạn sẽ cảm thấy đau nhức và khó khăn trong việc di chuyển. Điều này sẽ chỉ suy giảm khi người bệnh ngừng hoạt động và đi vào trạng thái nghỉ ngơi.
  • Khớp gối có hiện tượng bị sưng và có cảm giác ấm nóng.
  • Sáng sớm hoặc khoảng thời gian dài bệnh nhân không hoạt động là thời điểm mà khớp gối của người bệnh sẽ cứng hơn.
  • Khớp gối trở nên khô cứng làm giảm khả năng vận động, gây ra những khó khăn cho người bệnh trong việc đi bộ, leo cầu thang hoặc điều khiển ô tô.
  • Trong quá trình di chuyển, khớp của người bệnh có thể xuất hiện những tiếng kêu như xương bị rạn nứt.

Trong khi đó, loãng xương lại không có các triệu chứng quá rõ ràng, những biểu hiện của bệnh sẽ chỉ xuất hiện một cách cụ thể sau một thời gian dài. Những triệu chứng của loãng xương có thể kể đến như:

  • Phần lưng của bệnh nhân loãng xương xuất hiện cảm giác đau nhức và có xu hướng ngày càng còng xuống. Cũng chính vì nguyên nhân đó mà chiều cao của người bệnh sẽ có sự sụt giảm một cách rõ rệt.
  • Bởi vì khung xương của người loãng xương khá giòn nên người bệnh có thể đối mặt với nguy cơ phần xương cột sống hoặc hông gãy một cách bất ngờ.

Ngoài ra, những phần xương đã từng bị tổn thương không được chữa trị kịp thời có khả năng sẽ bị gãy thêm một lần nữa.

2.2. Nguyên nhân

Loãng xương và thoái hóa khớp gối khác nhau từ nguyên nhân
Loãng xương và thoái hóa khớp gối khác nhau từ nguyên nhân

Đối với thoái hóa khớp gối, nguyên nhân chủ yếu của bệnh chính là do vấn đề tuổi tác. Đa phần những bệnh nhân bị thoái hóa khớp gối thuộc độ tuổi trên 55 tuổi. Ngoài ra, có một số yếu tố khác sẽ làm tăng nguy cơ thoái hóa khớp gối được biết đến như:

  • Cân nặng: Đối với những người bị thừa cân, trọng lượng nặng nề của cơ thể sẽ đè nặng lên những khớp xương, đặc biệt là phần khớp gối, khiến cho quá trình thoái hóa khớp đẩy nhanh.
  • Chấn thương ở khớp gối: Những người bệnh đã từng bị chấn thương ở phần khớp gối có nguy cơ mắc bệnh cao hơn người bình thường.
  • Biến chứng của những bệnh lý khác như viêm khớp dạng thấp, dư thừa hormon tăng trưởng hoặc lượng sắt trong cơ thể.

Nguyên nhân dẫn đến bệnh loãng xương hiện nay vẫn còn là một câu hỏi đối với các chuyên gia nhưng nó sẽ phát triển trong suốt quãng đời của người bệnh. Thông thường, khung xương người sẽ thường xuyên trải qua quá trình phá vỡ và tái tạo mới, được biết đến như tiến trình kiến tạo xương. Tuy nhiên, quá trình này có thể bị kìm hãm bởi một nguyên nhân nào đó khiến mật độ xương giảm dần, và hình thành nên bệnh loãng xương nếu diễn ra trong thời gian dài.

Trong đó, những nguyên nhân được cho là sẽ kìm hãm sự tái tạo xương chính là:

  • Canxi trong cơ thể bị thiếu hụt.
  • Tình trạng suy giảm nội tiết tố ở những phụ nữ sau sinh hoặc trong giai đoạn mãn kinh.
  • Sử dụng corticoid trong thời gian dài.

2.3. Điều trị

Thoái hóa khớp gối và loãng xương có cách điều trị khác nhau
Thoái hóa khớp gối và loãng xương có cách điều trị khác nhau

Thoái khoa khớp gối là bệnh mãn tính ở người già nên không thể điều trị dứt điểm. Mục tiêu chính của điều trị thoái hóa khớp gối là giảm đau và phục hồi vận động. Phác đồ điều trị điển hình thường bao gồm sự kết hợp của các liệu pháp điều trị dưới đây theo chỉ định của bác sĩ:

  • Giảm cân: giảm trọng lượng cơ thể có thể giúp giảm đáng kể áp lực lên khớp gối và tình trạng đau do thoái hóa khớp gối.
  • Tập thể dục: tăng cường vận động cơ bắp xung quanh đầu gối làm cho khớp gối ổn định hơn và giảm đau.
  • Uống thuốc: Sử dụng thuốc kháng viêm giảm đau (NSAIDs) như thuốc có hoạt chất, ibuprofen…
  • Tiêm thuốc: Tiêm corticosteroid (kháng viêm) hoặc axit hyaluronic (bôi trơn) vào đầu gối.
  • Phương pháp điều trị thay thế: kem thoa tại chỗ với capsaicin, châm cứu hoặc sử dụng glucosamine và chondroitin hoặc SAMe.
  • Vật lý trị liệu và phục hồi chức năng: giúp làm khỏe cơ, tăng độ linh hoạt cho khớp gối.
  • Phẫu thuật: Tùy trường hợp, bệnh nhân có thể được chỉ định để thực hiện phẫu thuật nội soi khớp, thay khớp gối hoặc cắt bỏ xương.

Đối với những bệnh nhân mắc bệnh loãng xương, phương pháp điều trị chủ yếu là ngăn chặn quá trình hủy xương và giảm nguy cơ rạn nứt, gãy xương. Người bị loãng xương cần bắt đầu bằng cách thay đổi chế độ dinh dưỡng và lối sống như:

  • Sử dụng thuốc: Bác sĩ điều trị sẽ chỉ định sử dụng một số loại thuốc để ngăn ngừa và điều trị loãng xương như alendronate, risedronate, calci, hoặc thuốc tiêm teriparatide,…
  • Bổ sung các thực phẩm giàu canxi và vitamin D vào chế độ ăn hàng ngày để giảm thiểu tình trạng xương giòn, dễ gãy.
  • Tập luyện thể dục thể thao đúng cách.

2.4. Phòng ngừa

Phòng ngừa thoái hóa khớp gối và loãng xương có sự khác nhau
Phòng ngừa thoái hóa khớp gối và loãng xương có sự khác nhau

Dưới đây là các cách giúp bạn ngăn ngừa thoái hóa khớp gối hiệu quả.

  • Kiểm soát cân nặng: Chỉ cần giảm 5% trọng lượng cơ thể là đã có thể giảm tối đa áp lực lên gối, hông và lưng.
  • Tập thể dục: Bạn cần thực hiện các bài tập giúp tăng cường sức mạnh của cơ và linh hoạt các khớp như đạp xe, bơi lội…
  • Tránh chấn thương: Hãy tìm cách phòng tránh chấn thương đầu gối khi luyện tập, chơi thể thao hoặc khi làm việc.
  • Có chế độ dinh dưỡng lành mạnh: Bạn nên bổ sung những thực phẩm giàu omega 3 như cá béo, các loại hạt như quả óc chó, đậu tương, hạt lanh, dầu oliu và những thực phẩm giàu vitamin D như cá hồi, cá thu, cá ngừ, cá mòi và cá trích, sữa, ngũ cốc giàu vitamin D và trứng.

Loãng xương là quá trình thoái hóa sinh lý theo tuổi và xảy ra trên cơ thể của mỗi người. Tuy nhiên, chúng ta hoàn toàn có thể chủ động phòng ngừa và hạn chế nguy cơ loãng xương. Việc quan trọng nhất là phải cung cấp đầy đủ các dưỡng chất cần thiết để xương khớp luôn chắc khỏe, dẻo dai.

  • Bổ sung các thực phẩm có nhiều canxi và vitamin D như: sữa và các sản phẩm từ sữa (sữa chua, phomai…), tôm, cua, cá hồi, các loại rau củ (súp lơ xanh, cải xoăn, củ cải đường…), trứng, đậu phụ và sữa đậu nành…
  • Tránh xa đồ uống có cồn, các loại nước ngọt có ga vì chúng kích thích quá trình phá hủy xương, tăng bài tiết canxi.
  • Tắm nắng khoảng 30 phút mỗi ngày để cơ thể hấp thụ vitamin D cho xương chắc khỏe. Lưu ý chỉ nên tắm nắng trong khoảng 7-9 giờ sáng.
  • Nên đến bệnh viện kiểm tra mật độ xương định kỳ, đây là cách tốt nhất giúp phát hiện sớm bệnh loãng xương.

Ngoài ra, người bệnh nên tập thể dục 30-40 phút mỗi ngày với những bài tập phù hợp với tình trạng sức khỏe. Duy trì thói quen này có tác dụng bảo vệ hệ xương khớp, kích thích sự hình thành xương và tránh được nguy cơ gãy, rạn nứt xương. Đi bộ, yoga, dưỡng sinh… chính là bài tập lý tưởng dành cho người bị loãng xương.

Hy vọng những thông tin mà bài viết cung cấp đã giúp bạn phân biệt thoái hóa khớp gối và loãng xương. Mặc dù đây là hai bệnh khác nhau nhưng lại đều liên quan đến sức khỏe xương khớp. Do đó, bạn hãy duy trì lối sống lành mạnh, kết hợp chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng và chế độ tập luyện khoa học để giảm nguy cơ mắc bệnh.

 

Mọi thắc mắc bạn đọc vui lòng liên hệ để được tư vấn và giải đáp miễn phí : 089650950919001259 hoặc Email : songkhoe@bacsituvan.vn

    Đăng ký nhận tư vấn miễn phí - Toàn bộ thông tin Vinh Gia cam kết giữ kín.

    Trả lời