Nuốt nước bọt đau họng do đâu và cách điều trị hiệu quả

Tham vấn Y khoa:
Bs Vũ Văn Lực

Ngày đăng:
14 Tháng mười 2022

Lần cập nhật cuối:
20 Tháng tư 2024

Số lần xem:
2509

Tình trạng đau họng khi nuốt nước bọt có thể hết sau 1 vài ngày, nhưng cũng có thể kéo dài hơn và là dấu hiệu cảnh báo các bệnh lý nguy hiểm khác. Để tìm hiểu rõ hơn về nguyên nhân gây ra tình trạng nuốt nước bọt đau họng, cũng như cách điều trị, hãy tham khảo ngay nội dung dưới đây.

1. Nguyên nhân thường gặp gây đau họng khi nuốt nước bọt

Bị đau họng khi nuốt nước bọt thường do những nguyên nhân nào?
Bị đau họng khi nuốt nước bọt thường do những nguyên nhân nào?

Nuốt nước bọt đau họng xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Ngoài tác nhân từ bên ngoài, do thay đổi thời tiết, cơ thể không đủ sức đề kháng virus, vi khuẩn gây cảm cúm, thì đây có thể là triệu chứng của một số bệnh lý như:

  • Viêm họng: Viêm họng phần lớn do vi khuẩn, virus, nấm hay các chất kích thích như chất gây ô nhiễm, hóa chất, khói thuốc, bia rượu gây viêm, dẫn đến các triệu chứng kèm theo đau họng khi nuốt, khó nuốt, sốt cao…
  • Viêm amidan: Amidan có chức năng sản sinh ra các kháng thể tự nhiên chống nhiễm khuẩn. Tuy nhiên, khi có quá nhiều vi khuẩn hay virus xâm nhập sẽ khiến amidan bị quá tải gây viêm sưng, đau họng khi nuốt.
  • Viêm xoang: Nuốt nước bọt đau họng có thể là dấu hiệu của viêm xoang. Khi lớp niêm mạc bị sưng lên làm lỗ thông xoang trong mũi bị nghẹt hoặc dị ứng thường xuyên, kéo theo các triệu chứng khác như đau đầu, sổ mũi, hắt hơi liên tục…
  • Viêm tai giữa: Đây là bệnh được xếp vào nhóm viêm đường hô hấp trên, nếu không được điều trị kịp thời, có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm, suy giảm thính lực.
  • Viêm thanh thiệt: Thanh thiệt hay nắp thanh quản làm nhiệm vụ đóng miệng thanh quản, không cho thức ăn vào đường thở. Khi ăn, thanh quản được đẩy lên ép chặt với nắp thanh quản, chỉ cho thức ăn vào đường thực quản. Do đó, nếu nắp thanh quản bị sưng tấy hoặc phù nề, sẽ cọ xát với thanh quản gây cảm giác đau rát.
  • Bệnh lý thực quản như trào ngược dạ dày thực quản (GERD): Trào ngược dạ dày thực quản, co thắt thực quản lan tỏa làm acid từ dạ dày và thực phẩm đi từ dạ dày vào thực quản, gây thắt nghẹn ở cổ họng hoặc ngực, đau họng khi nuốt nước bọt, tức ngực, ho khan, đau họng hoặc khàn tiếng, nôn…
  • Viêm họng do nhiễm nấm: Tình trạng nuốt nước bọt đau họng cũng không ngoại trừ khả năng do nấm men trong miệng và cổ họng phát triển. Bệnh nấm họng thường gặp ở người bị suy giảm miễn dịch, suy dinh dưỡng, đái tháo đường, dùng kháng sinh lâu ngày hay hóa trị. Cùng với một số triệu chứng khác như: giảm hoặc mất vị giác, xuất hiện đốm trắng ở lưỡi, họng, hầu họng…
  • Tổn thương trong họng do ăn uống: Các món ăn quá cay, quá nóng, uống rượu mạnh hay dị vật đường ăn như xương cá, xương động vật, mảnh cứng của bỏng ngô… có thể làm bỏng hay tổn thương họng và thực quản khiến cổ họng bị đau khi nuốt nước bọt.

2. Cách chữa nuốt nước bọt đau họng hiệu quả

Nuốt nước bọt đau họng gây cho người bệnh cảm giác khó chịu, ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt và công việc hằng ngày. Nếu nhẹ, tình trạng này sẽ dần thuyên giảm và hết sau 1 – 2 ngày. Tuy nhiên, nếu bệnh dai dẳng lâu ngày không khỏi thì cần đến trung tâm y tế để được bác sĩ thăm khám và điều trị đúng cách.

Biện pháp chữa trị đau họng khi nuốt nước bọt
Biện pháp chữa trị đau họng khi nuốt nước bọt

2.1. Biện pháp khắc phục tại nhà

Các biện pháp cải thiện triệu chứng nuốt nước bọt đau họng có thể áp dụng tại nhà như:

  • Súc miệng bằng nước muối, giúp giảm đau, tiêu viêm, long đờm, khắc phục tình trạng đau họng khi nuốt nước bọt.
  • Dùng viên ngậm đau họng, giảm bớt tình trạng khô rát, khó chịu do đau họng.
  • Dùng máy phun sương để tạo độ ẩm cho không khí, giúp cổ họng bớt cảm giác khô rát, khó nuốt.
  • Bổ sung nhiều nước, giúp giữ độ ẩm cho cổ họng, đồng thời thúc đẩy quá trình trao đổi chất, từ đó bệnh sẽ nhanh hồi phục hơn.
  • Vệ sinh răng miệng sau khi ăn, súc miệng thường xuyên.
  • Có chế độ ăn uống khoa học, lành mạnh, bổ sung vitamin B, C… các loại thực phẩm giàu chất xơ như rau củ quả, giúp tăng sức đề kháng.
  • Tránh xa bia rượu, không hút thuốc.

2.2. Dùng thuốc điều trị

Khi các biện pháp cải thiện tại nhà không có hiệu quả hoặc tiến triển chậm, thì người bệnh cần dùng đến các loại thuốc điều trị. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả điều trị cao, đồng thời tránh các tác dụng phụ không mong muốn, người bệnh không nên tự ý mua thuốc theo phỏng đoán cá nhân, mà nên tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc những người có chuyên môn. Thông thường, với tình trạng nuốt nước bọt đau họng, bác sĩ sẽ chỉ định các loại thuốc như giảm đau, hạ sốt, chống viêm, chống sưng, thuốc kháng virus, kết hợp với viêm ngậm, xịt họng.

3. Các trường hợp cần đi khám

Trường hợp nào cần đi khám cổ họng bị đau khi nuốt nước bọt?
Trường hợp nào cần đi khám cổ họng bị đau khi nuốt nước bọt?

Nếu thực hiện các phương pháp điều trị tại nhà mà tình trạng đau họng vẫn không thuyên giảm, thì bạn nên đến gặp bác sĩ để khám và có phương pháp điều trị phù hợp. Ngoài ra, khi có các biểu hiện sau cần đưa bệnh nhân đi cấp cứu ngay:

  • Khó thở
  • Xuất hiện các đốm trắng trong họng
  • Cổ họng bị sưng to, khó khăn khi nhai, nuốt
  • Thường xuyên chảy nước dãi
  • Không mở được miệng

Trên đây là một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng nuốt nước bọt đau họng, cũng như cách điều trị. Tuy không nguy hiểm, nhưng đây có thể là dấu hiệu của một bệnh lý nguy hiểm nào đó. Vì vậy, người bệnh không nên chủ quan, mà nên đến bệnh viện để được thăm khám nếu các triệu chứng không thuyên giảm, tránh để lâu có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng.

Bài viết liên quan: Bị đau họng nhưng không ho là bệnh gì? Có nguy hiểm không?

 

Mọi thắc mắc bạn đọc vui lòng liên hệ để được tư vấn và giải đáp miễn phí : 089650950919001259 hoặc Email : songkhoe@bacsituvan.vn

    Đăng ký nhận tư vấn miễn phí - Toàn bộ thông tin Vinh Gia cam kết giữ kín.