Viêm họng cấp là gì? Nguyên nhân, triệu chứng & cách điều trị

Tham vấn Y khoa:
Bs Vũ Văn Lực

Ngày đăng:
30 Tháng mười một 2022

Lần cập nhật cuối:
20 Tháng tư 2024

Số lần xem:
1179

Viêm họng cấp là một trong những bệnh về tai mũi họng phổ biến nhất ở nước ta vào mùa đông hoặc khi thời tiết giao mùa. Bệnh có thể xảy ra ở cả trẻ em và người lớn có hệ miễn dịch suy giảm. Vậy nguyên nhân gây viêm họng cấp là gì và cách điều trị cũng như phòng ngừa bệnh như thế nào?

Những điều cần biết về tình trạng viêm họng cấp tính
Những điều cần biết về tình trạng viêm họng cấp tính

1. Viêm họng cấp là gì?

Viêm họng cấp là tình trạng viêm nhiễm ở tổ chức niêm mạc phía sau cổ họng. Với các triệu chứng như đau, ngứa ngáy, nóng rát cổ họng hay khó nuốt. Bệnh thường diễn ra vào thời điểm giao mùa hoặc mùa lạnh do nhiễm virus hay hiếm hơn là nhiễm trùng do vi khuẩn. 

2. Nguyên nhân dẫn đến viêm họng cấp?

Nguyên nhân chính gây viêm họng cấp có thể kể đến như:

  • Virus là nguyên nhân hàng đầu, với các bệnh lý dẫn đến tình trạng viêm họng cấp như: cảm lạnh, cúm, tăng bạch cầu đơn nhân, bệnh sởi, quai bị, thủy đậu…
  • Nhiễm trùng do vi khuẩn, phổ biến nhất là nhiễm trùng do liên cầu nhóm A. Ngoài ra, viêm họng cấp cũng có thể do các bệnh nhiễm trùng khác như viêm Amidan, bệnh lây nhiễm qua đường tình dục…
  • Dị ứng: Thường xuyên tiếp xúc với các tác nhân dị ứng như phấn hoa, lông thú cưng, bụi bẩn,… cũng là lý do gây ra tình trạng nghẹt mũi, chảy nước mũi hay kích ứng cổ họng. Chất nhầy dư thừa ở mũi có thể chảy xuống cổ họng khiến họng sưng viêm, khó chịu.
  • Một số nguyên nhân khác như: không khí khô, khói thuốc, hóa chất, các chất gây kích ứng trong môi trường sống, bệnh trào ngược dạ dày thực quản hay khối u…
Tìm hiểu về nguyên nhân và triệu chứng của bệnh viêm họng cấp
Tìm hiểu về nguyên nhân và triệu chứng của bệnh viêm họng cấp

3. Triệu chứng viêm họng cấp

Các triệu chứng thường gặp của bệnh viêm họng cấp bao gồm:

  • Sốt cao, người uể oải khó chịu, bơ phờ.
  • Ngứa, au rát, khô nóng họng, đặc biệt là khi ho và nuốt. 
  • Vòm họng tấy đỏ, sưng nề.
  • Ho khan từng cơn, sau chuyển sang ho có đờm, chất đờm có màu vẩn đục.
  • Amidan sưng to, đỏ, đôi khi có bựa trắng phủ ngoài bề mặt.
  • Dấu hiệu khác: nghẹt mũi, mạch đập nhanh, lưỡi trắng, khô môi, nước tiểu ít…

4. Viêm họng cấp có nguy hiểm không?

Nếu người bệnh có sức đề kháng tốt, có phương pháp điều trị bệnh sớm và đúng cách thì tình trạng viêm họng cấp thường kéo dài trong vài ngày đến 1 tuần, các triệu chứng sẽ dần thuyên giảm và không để lại các biến chứng đáng lo ngại.

Ngược lại, nếu để bệnh lâu ngày, không điều trị sớm trong 7 – 10 ngày thì rất dễ dẫn đến các biến chứng khác như: viêm tai, viêm mũi, viêm amidan, viêm phế quản… Đặc biệt, nếu tác nhân gây bệnh là liên cầu khuẩn nhóm A thì người bệnh có thể gặp phải các hệ lụy nguy hiểm như: thấp tim, viêm cầu thận, gây khó khăn trong việc điều trị và phục hồi, chi phí điều trị cũng tốn kém hơn.

Bệnh viêm họng cấp nếu để lâu sẽ cực kỳ có hại cho cơ thể
Bệnh viêm họng cấp nếu để lâu sẽ cực kỳ có hại cho cơ thể

5. Viêm họng cấp có lây không?

Viêm họng cấp do virus hay vi khuẩn thì đều có thể lây truyền qua đường hô hấp. Do mầm bệnh thường trú ngụ ở mũi và họng nên khi ho hay hắt hơi, những giọt nước li ti có thể bị bắn ra ngoài không khí, và làm tăng nguy cơ lây nhiễm cho người khác, nếu:

  • Hít phải giọt tiết, khi tiếp xúc gần với người bệnh
  • Chạm vào đồ vật có giọt tiết rồi đưa lên mặt hoặc môi
  • Một số ít các trường hợp có thể bị nhiễm viêm họng cấp do ăn phải thức ăn hoặc rau sống chứa mầm bệnh.

6. Chẩn đoán bệnh viêm họng cấp tính

Xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh, sẽ giúp bác sĩ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp với từng bệnh nhân. Các phương pháp chẩn đoán thường được sử dụng bao gồm:

Bác sĩ sẽ chẩn đoán bệnh viêm họng cấp tính như thế nào?
Bác sĩ sẽ chẩn đoán bệnh viêm họng cấp tính như thế nào?

6.1. Tìm dấu hiệu bệnh qua thăm khám

Viêm họng cấp sẽ kèm theo các triệu chứng như sốt cao từ 38 – 39 độ C, ở trẻ em có lúc lên 40 độ C, ớn lạnh nhức đầu, mệt mỏi, chán ăn, đau mỏi toàn thân, khó làm việc. Góc hàm nổi hạch, di động và sờ thấy đau.

Họng đau nhiều, nhất là khi nuốt thức ăn, kể cả khi uống nước. Có lúc cảm giác đau nhói lên tai khi nuốt, ho hoặc nói chuyện. Ho từng cơn, kèm ngạt mũi, chảy nước mũi. Khàn tiếng, mất dần tiếng nói,  gây khó khăn trong giao tiếp.

Khi quan sát vòm họng thấy niêm mạc họng đỏ, có xuất tiết, bạch huyết ở thành sau họng đỏ lên, mao mạch nổi rõ. Amidan khẩu cái sưng to, có thể có chấm mủ trắng hoặc lớp bựa trắng phủ trên bề mặt amidan. Niêm mạc mũi xung huyết, xuất tiết chất nhầy, hạch góc hàm sưng nhẹ, đau khi ấn vào.

6.2. Xét nghiệm chẩn đoán viêm họng cấp tính

Với các trường hợp bệnh nặng, không thể chẩn đoán bệnh chính xác qua quan sát, thì cần đến các xét nghiệm giúp xác định nguyên nhân và mức độ nặng của bệnh.

Xét nghiệm công thức máu. Trong giai đoạn đầu, chỉ số bạch cầu trong máu không tăng, nhưng đến giai đoạn bội nhiễm thì bạch cầu đa nhân trung tính lại tăng cao.

Phết dịch họng nuôi cấy vi khuẩn. Giúp xác định loại vi khuẩn gây bệnh và đưa ra phác đồ kháng sinh đạt hiệu quả cao.

7. Điều trị bệnh viêm họng cấp tính

7.1. Sử dụng thuốc để điều trị viêm họng cấp

Điều trị viêm họng cấp bằng cách sử dụng thuốc
Điều trị viêm họng cấp bằng cách sử dụng thuốc

Dùng thuốc điều trị sẽ có tác dụng nếu bệnh viêm họng cấp do virus gây ra. Còn nếu bệnh do nhiễm khuẩn thì người bệnh cần dùng thuốc kháng sinh để chữa trị.

Các loại thuốc thường dùng phải kể đến như:

  • Thuốc giảm đau, hạ sốt, giúp giảm nhanh triệu chứng sốt cao. Phổ biến nhất là: acetaminophen, ibuprofen, aspirin,…
  • Dung dịch súc miệng, có tác dụng sát trùng, kháng khuẩn, phòng ngừa bội nhiễm, làm dịu niêm mạc họng như BBM, clorat kali 1% hoặc nước muối sinh lý.
  • Kháng sinh như amoxicillin hoặc penicillin. Người bệnh thường được chỉ định uống đều đặn trong 5 – 10 ngày để ức chế sự lây lan của vi khuẩn và nhiễm trùng.

7.2. Chữa viêm họng cấp theo dân gian

Bên cạnh việc dùng thuốc điều trị, thì các phương pháp dân gian vẫn được nhiều người tin tưởng, bởi sự an toàn, lành tính, ít tác dụng phụ và có thể phù hợp với nhiều đối tượng, hiệu quả điều trị cũng rất cao.

Điều trị viêm họng cấp bằng các cách dân gian áp dụng tại nhà
Điều trị viêm họng cấp bằng các cách dân gian áp dụng tại nhà

7.2.1. Uống trà và mật ong

Dùng một thìa mật ong khuấy tan trong một chén trà và thêm nửa quả chanh. Thức uống này giúp giảm đau rát cổ họng và dễ chịu hơn.

7.2.2. Chữa viêm họng cấp bằng gừng tươi

Ngậm vài lát gừng tươi ở cổ họng, sẽ giúp giảm ho, long đờm, giảm đau rát họng. Làm nhiều lần trong ngày.

Ngoài ra, có thể dùng gừng tươi giã nát, trộn với muối I – ốt. Ngậm trong miệng đến khi không còn mùi vị thì nhả ra và súc miệng lại với nước ấm. Duy trì vài ngày sẽ thấy viêm họng giảm đáng kể.

7.2.3. Trị viêm họng cấp bằng bạc hà

Trà bạc hà có công dụng giúp tan đờm, chống viêm, kháng khuẩn, giảm cảm giác ngứa ngáy, khó chịu vùng họng.

Chuẩn bị 1 nắm lá bạc hà tươi, rửa sạch. Cho vào ấm và hãm với 250 – 300ml nước sôi, chờ 15 phút và uống khi còn ấm. Dùng hằng ngày đến khi bệnh cải thiện.

7.2.4. Dùng lá tía tô trị viêm họng cấp

Lấy 1 nắm lá tía tô rửa sạch, để ráo. Nấu gạo thành cháo, nêm nếm gia vị vừa ăn. Tía tô thái nhỏ cho vào bát, múc cháo nóng lên, ăn khi còn nóng. Ngày ăn 1 – 2 lần, sẽ giúp kháng viêm, bổ phế, giảm ho, đau rát, tăng sức đề kháng rất tốt.

Chỉ nên áp dụng biện pháp dân gian cho tình trạng viêm họng cấp nhẹ
Chỉ nên áp dụng biện pháp dân gian cho tình trạng viêm họng cấp nhẹ

7.2.5. Dùng quất chưng mật ong để chữa viêm họng cấp

Lấy 3 – 5 quả quất non rửa sạch, cắt đôi và cho vào bát, thêm 2 thìa mật ong nguyên chất. Hấp cách thủy trong 15 – 20 phút, để nguội và dùng được luôn.

Thực hiện trong nhiều ngày liên tiếp, giúp giảm các triệu chứng do viêm họng cấp, đồng thời tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể.

7.2.6. Súc miệng bằng nước muối

Súc miệng nước muối là cách đơn giản giúp làm dịu cơn đau họng, đồng thời sát khuẩn, tiêu viêm, làm dịu niêm mạc, cũng như loãng đờm, làm cổ họng dễ chịu hơn.

Chuẩn bị 250 – 300ml nước ấm, hòa tan 1/2 thìa cà phê muối biển rồi súc miệng. Áp dụng 2 – 3 lần/ngày để có hiệu quả tốt nhất.

7.2.7. Vệ sinh răng miệng sạch sẽ

Vệ sinh răng miệng sạch sẽ giúp làm giảm tình trạng viêm nhiễm có thể lây lan sang vùng khác, cũng như hạn chế virus, vi khuẩn xâm nhập vào niêm mạc hầu họng.

Người bệnh viêm họng cấp nên duy trì thói quen ngày đánh răng ngày 2 lần, sau đó súc miệng bằng nước muối ấm để bệnh mau chóng thuyên giảm.

8. Phòng bệnh viêm họng cấp bằng cách nào?

Cách phòng bệnh viêm họng cấp ai cũng nên biết
Cách phòng bệnh viêm họng cấp ai cũng nên biết

Bệnh viêm họng có xu hướng tăng cao khi thời tiết thay đổi đột ngột, cơ thể mệt mỏi, hệ miễn dịch suy yếu,… Do đó, bạn nên thực hiện một số biện pháp nhằm phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh dưới đây:

  • Súc miệng với nước muối ấm thường xuyên để loại bỏ vi khuẩn và ngăn ngừa các bệnh lý hô hấp.
  • Kiểm soát các bệnh lý gây viêm họng như trào ngược dạ dày thực quản, viêm amidan, viêm thanh quản,…
  • Xây dựng lối sống lành mạnh nhằm nâng cao thể trạng và sức đề kháng.
  • Giữ ấm cơ thể và hạn chế di chuyển ngoài trời khi thời tiết chuyển lạnh.
  • Tránh la hét, hút thuốc lá và sử dụng các thực phẩm gây kích thích niêm mạc họng.
  • Sử dụng máy lọc không khí, máy tạo ẩm,… để giúp hạn chế nguy cơ bị viêm họng do dị ứng.

Trên đây là những điều cơ bản mà bạn cần phải biết liên quan đến viêm họng cấp. Để tránh những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra, thì người bệnh nên có phương pháp khắc phục ngay khi thấy những triệu chứng đầu tiên. Nếu việc chữa trị tại nhà không mang lại hiệu quả cao, thì cần đến bệnh viện để được thăm khám và có phác đồ điều trị phù hợp hơn.

Bài viết liên quan:

 

Mọi thắc mắc bạn đọc vui lòng liên hệ để được tư vấn và giải đáp miễn phí : 089650950919001259 hoặc Email : songkhoe@bacsituvan.vn

    Đăng ký nhận tư vấn miễn phí - Toàn bộ thông tin Vinh Gia cam kết giữ kín.