Cong vẹo cột sống bẩm sinh: Nguyên nhân và cách điều trị

Tham vấn Y khoa:
Bs Vũ Văn Lực

Ngày đăng:
27 Tháng bảy 2023

Lần cập nhật cuối:
27 Tháng mười hai 2023

Số lần xem:
1824

Cong vẹo cột sống bẩm sinh là một dị tật nguy hiểm và có thể để lại rất nhiều biến chứng liên quan đến các cơ quan xung quanh nó. Do vậy, nếu dị tật này không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể gây ra những hậu quả khó lường, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.

Những điều cần biết về cong vẹo cột sống bẩm sinh
Những điều cần biết về cong vẹo cột sống bẩm sinh

1. Cong vẹo cột sống bẩm sinh là gì?

Cong vẹo cột sống bẩm sinh được hiểu là tình trạng cột sống bị cong hay lệch về một bên mà không có căn nguyên ngay từ khi mới sinh ra. Theo các chuyên gia, dị tật vẹo cột sống bẩm sinh thường xảy ra khi đốt sống không được hoàn thiện đầy đủ trong quá trình phát triển bào thai từ trong bụng.

Vẹo cột sống bẩm sinh có rất nhiều triệu chứng đa dạng: Cơ thể ngả về một bên, hai bên vai không đều nhau, đau lưng,… thậm chí có những dấu hiệu có thể gây nguy hiểm đến tính mạng con người. Vì khi cột sống phát triển ở giai đoạn bào thai, thì các cơ quan khác bên trong cơ thể cũng đang trong quá trình phát triển. Do đó, khi cột sống bị vẹo bẩm sinh thì có thể gây ảnh hưởng đến những cơ quan khác như bàng quan, thận, hệ thần kinh, hệ tim mạch.

2. Phân loại vẹo cột sống bẩm sinh

Phân loại cong vẹo cột sống bẩm sinh
Phân loại cong vẹo cột sống bẩm sinh

Cong vẹo cột sống bẩm sinh gồm các trường hợp dưới đây:

2.1. Hình thành không đầy đủ các đốt sống

Đây là trường hợp một phần của một (hoặc nhiều) đốt sống không hình thành hoàn chỉnh, thường được gọi là tật nửa đốt sống. Điều này có thể tạo thành một góc gù vẹo ở cột sống và diễn tiến trầm trọng hơn khi trẻ lớn lên.

Bất thường này có thể xảy ra với một hoặc nhiều đốt sống khác nhau trên toàn bộ chiều dài cột sống. Khi có nhiều hơn một đốt sống bị tật thiếu nửa đốt sống, các đốt sống này đôi khi sẽ bù trừ cho nhau và làm cột sống cân đối hơn.

2.2. Phân chia các đốt sống không hoàn chỉnh

Trong quá trình phát triển của thai nhi, hình thái cột sống đầu tiên là một cột liên tục duy nhất ,sau đó sẽ tách thành các đoạn và trở thành các đốt sống. Nếu việc tách này không hoàn chỉnh sẽ dẫn đến kết quả là dính một phần hay toàn bộ của hai hoặc nhiều đốt sống với nhau.

Điều này sẽ ngăn chặn sự phát triển cột sống từ một bên sau khi trẻ được sinh ra và làm cho mức độ vẹo cột sống tăng dần khi trẻ lớn lên.

Có rất nhiều trường hợp cong vẹo cột sống bẩm sinh khác nhau
Có rất nhiều trường hợp cong vẹo cột sống bẩm sinh khác nhau

2.3. Sự kết hợp giữa tật nửa đốt sống và dính đốt sống

Sự kết hợp giữa dính cột sống và tật nửa đốt sống gây ra vấn đề rất nghiêm trọng cho việc phát triển cột sống. Trong những trường hợp này có thể cần phải được phẫu thuật sớm ở tuổi nhỏ để ngăn chặn sự tăng độ vẹo của cột sống.

2.4. Các đường cong bù trừ

Ngoài đường cong vẹo, cột sống của trẻ nhỏ cũng có thể phát triển thêm đường cong bù trừ để duy trì tư thế thẳng đứng. Điều này xảy ra khi cột sống cố gắng bù đắp cho một đường cong vẹo cột sống. Bằng cách tạo ra các đường cong khác theo hướng ngược lại ở trên hoặc dưới khu vực bị ảnh hưởng. Các đốt sống có hình dạng bình thường trong đường cong bù trừ.

3. Nguyên nhân gây cong vẹo cột sống bẩm sinh

Tại sao lại bị cong vẹo cột sống bẩm sinh?
Tại sao lại bị cong vẹo cột sống bẩm sinh?

Vẹo cột sống bẩm sinh là một dị tật khá khó chữa và cũng là bệnh không thể phòng ngừa. Nguyên nhân chính gây ra dị tật cong vẹo cột sống bẩm sinh đó chính là do sự rối loạn trong quá trình hình thành và phát triển cột sống ở giai đoạn phôi thai. Những năm gần đây, nhiều nghiên cứu y học còn chỉ ra rằng, cong vẹo cột sống còn có thể xảy ra do gen và di truyền.

Dị tật vẹo cột sống bẩm sinh thường có diễn biến vô cùng nhanh chóng, đặc biệt khi người bệnh đang ở giai đoạn dậy thì. Khi cột sống vẹo ở góc dưới 20 độ, người bệnh có thể chưa cần phải điều trị mà có thể tham khảo các bài tập thể dục cũng như học cách giữ tư thế cân bằng, bởi dây vẫn được coi là cong vẹo nhẹ. Tuy nhiên nếu góc vẹo ở mức 25 – 39 độ, thì lúc này bệnh nhân sẽ cần sử dụng nẹp chỉnh hình từ 16 giờ đến 23 giờ mỗi ngày. Và nặng hơn nữa, với các trường hợp góc cong vẹo ở mức 40 độ trở lên thì người bệnh sẽ được chỉ định tiến hành phẫu thuật chỉnh hình.

Thông thường dị tật vẹo cột sống sẽ diễn biến âm thầm và người bệnh cũng sẽ không có cảm giác đau. Điều này cũng sẽ dẫn đến việc trẻ mắc dị tật nhưng không được quan tâm đúng mức. Biểu hiện sớm nhất của dị tật này đó chính là hai khối cơ dọc hai bên cột sống không đều nhau. Do đó, ba mẹ có thể thường xuyên nhìn hoặc sơ lên đó để cảm nhận. Khi nhận thấy vai lệch thì bệnh đã chuyển sang giai đoạn nặng.

4. Các dấu hiệu giúp phát hiện dị tật vẹo cột sống bẩm sinh

Dấu hiệu nhận biết vẹo cột sống bẩm sinh
Dấu hiệu nhận biết vẹo cột sống bẩm sinh

Thông thường, các bác sĩ chuyên khoa sẽ có những kiểm tra từ bên ngoài hoặc tiến hành chụp X-quang nếu nghi ngờ bé có dấu hiệu cong vẹo dị tật cột sống bẩm sinh.

Tuy nhiên không phải trường hợp nào cũng được phát hiện từ sớm, do đó, khi thấy những dấu hiệu cụ thể dưới đây cần đưa bé đi kiểm tra để phát hiện xem có bị vẹo lệch cột sống hay không:

  • Phần bả vai: Thường khi trẻ bị vẹo lệch cột sống thì hai bên bả vai sẽ có sự chênh lệch cao thấp nhất định khác nhau tùy thuộc vào độ lệch vẹo của xương sống và các đoạn lệch vẹo nghiêng về phía bên nào thì bả vai phía bên đó sẽ thấp hơn.
  • Tổng thể phần hông: Khi chú ý phần hông của trẻ sẽ thấy một bên cao hơn và một bên thấp hơn, các lằn xương sườn hằn ra phía ngoài da không đồng đều (một bên lồi hẳn ra và một bên không lồi).
  • Khi nhìn tổng thể lưng từ phía sau: Cột sống không theo đường thẳng mà có những đoạn cong bất thường nhất định, các đốt sống gồ cao lên hoặc bị xoáy vặn theo nhiều kiểu khác nhau. Một số trường hợp hai đường hõm vào hai bên của phần eo sẽ hoàn toàn khác nhau.
  • Cơ thể mất cân đối: Trong trường hợp bị lệch xương sườn nặng do không phát hiện ra thì cơ thể sẽ bị nghiêng hẳn sang một bên, một số trường hợp cổ cũng sẽ bị kéo lệch hẳn sang bên.

5. Chẩn đoán vẹo cột sống bẩm sinh

Biện pháp chẩn đoán vẹo cột sống bẩm sinh
Biện pháp chẩn đoán vẹo cột sống bẩm sinh

Vẹo cột sống bẩm sinh có thể được chẩn đoán bằng những phương pháp sau:

  • Thăm khám lâm sàng: Trẻ sẽ thực hiện cúi cong người về phía trước. Sau đó bác sĩ sẽ quan sát trẻ từ phía sau để tìm kiếm sự khác biệt trong hình dạng của xương sườn ở mỗi bên. Mọi bất thường ở cột sống sẽ được phát hiện tốt nhất khi trẻ đang ở trong vị trí này. Khi trẻ đứng thẳng, bác sĩ sẽ kiểm tra các vị trí hông, vai có cân bằng không và vị trí đầu của trẻ có ngay chính giữa không. Bác sĩ cũng sẽ tiến hành kiểm tra sự chuyển động của cột sống theo các hướng. Để loại trừ vấn đề về tủy sống hoặc thần kinh, bác sĩ có thể kiểm tra sức mạnh cơ ở chân của trẻ và các phản xạ ở bụng và chân.
  • X-quang: Hình ảnh cột sống của trẻ được chụp từ 2 phía trước-sau và bên. X-quang sẽ cho biết các đốt sống bất thường và mức độ nghiêm trọng đường cong. Sau khi trẻ đã được bác sĩ chẩn đoán chứng vẹo cột sống bẩm sinh. Trẻ sẽ được chuyển đến một bác sĩ chuyên phẫu thuật chỉnh hình cho trẻ em để đánh giá và có sự theo dõi kỹ hơn.
  • Chụp cắt lớp điện toán (CT): Chụp cắt lớp điện toán (CT) có thể cung cấp hình ảnh chi tiết hơn về cột sống của trẻ, hiển thị kích thước, hình dạng và vị trí của các đốt sống. Để xem các đốt sống tốt hơn, bác sĩ có thể sử dụng hình ảnh 3D làm từ CT giống như xem một bức ảnh thật của cột sống.
  • Siêu âm: Bác sĩ sẽ siêu âm thận của trẻ để phát hiện bất kỳ bất thường nào nếu có.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI): Chụp MRI có thể đánh giá các mô mềm tốt hơn so với chụp CT. MRI sẽ được thực hiện để kiểm tra bất thường của tủy sống ít nhất một lần cho một trẻ.

6. Hậu quả của dị tật vẹo cột sống bẩm sinh

Hậu quả không đáng có của dị tật vẹo cột sống bẩm sinh
Hậu quả không đáng có của dị tật vẹo cột sống bẩm sinh

Nếu dị tật bẩm sinh cong vẹo cột sống mà không phát triển mạnh trong quá trình trưởng thành thì có thể bệnh sẽ không gây ra những vấn đề nguy hiểm ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày. Tuy nhiên, với các trường hợp nặng hơn, bệnh sẽ để lại một số hậu quả khá nghiêm trọng như:

  • Ảnh hưởng đến dáng đi: Một hậu quả đầu tiên mà bất cứ ai mắc dị tật vẹo cột sống bẩm sinh cũng có thể dễ dàng nhận ra đó chính là mất yếu tố thẩm mỹ về hình dáng do bị ảnh hưởng đến dáng đi. Do dị tật gặp ở xương sống chủ lực của cơ thể nên khi mắc bệnh, cơ thể sẽ bị nghiêng vẹo khác nhau khiến cho hình dáng khi đứng hay đi lại cũng sẽ bị biến dạng tuỳ theo các mức độ lệch, vẹo khác nhau.
  • Đau lưng thường xuyên và viêm đốt sống: Đau lưng thường xuyên được coi là hậu quả mà bất cứ bệnh nhân bị dị tật cong vẹo cột sống nào cũng gặp phải. Cơn đau ở mỗi người sẽ khác nhau. Nguyên nhân chính gây ra cơ đau này đó chính là do các đốt sống cong vẹo, chèn ép vào các cơ quan xung quanh. Tình trạng này nếu để trở nặng thì có thể gây ra viêm đốt sống vô cùng nguy hiểm.
  • Dễ xảy ra các bệnh lý khác liên quan đến cột sống: Vẹo xương sống bẩm sinh nếu không được chữa trị kịp thời thì sẽ là nguyên nhân hàng đầu gây ra các bệnh lý liên quan đến cột sống như: thoát vị đĩa đệm, thoái hoá cột sống và một số bệnh lý khác.
  • Ảnh hưởng đến lồng ngực: Nếu người bệnh mắc dị tật lệch vẹo cột sống phần sau lồng ngực thì có thể gây ra tình trạng chèn ép lên tim phổi và dẫn đến các bệnh lý vô cùng nguy hiểm ở khu vực này. Đặc biệt hơn, nếu tác động mạnh đến phổi thì có thể khiến trẻ cảm thấy khó thở và nhiều trường hợp trẻ bị ngạt do cong vẹo cột sống bẩm sinh vô cùng nguy hiểm.

7. Điều trị vẹo cột sống bẩm sinh

Điều trị vẹo cột sống bẩm sinh có rất nhiều phương pháp. Tùy vào mức độ của bệnh mà các bác sĩ sẽ tiến hành đánh giá để phân loại các bất thường của cột sống, mức độ nghiêm trọng cũng như các vấn đề khác của trẻ.

Biện pháp điều trị vẹo cột sống bẩm sinh
Biện pháp điều trị vẹo cột sống bẩm sinh

7.1. Điều trị không phẫu thuật

Trong quá trình thực hiện điều trị không phẫu thuật, trẻ sẽ được theo dõi định kỳ để đảm bảo rằng đường cong cột sống của trẻ sẽ không bị tệ hơn sau thời gian. Bởi thông thường, dị tật cong vẹo cột sống ở trẻ sẽ trở nên nghiêm trọng hơn khi cột sống phát triển. Và rất nhiều khả năng đường cong vẹo cột sống sẽ nặng theo sự phát triển của trẻ.

Do vậy, trong quá trình theo dõi sự phát triển của trẻ, định kỳ 6 – 12 tháng, bác sĩ đều chỉ định chụp X-quang để theo dõi sự thay đổi của đường cong cột sống. Tuy nhiên, trẻ bị cong vẹo cột sống vẫn có thể tham gia các môn thể thao yêu thích bởi các hoạt động thể chất sẽ không làm tăng nguy cơ tiến triển của đường cong.

7.2. Điều trị phẫu thuật

Điều trị phẫu thuật vẹo cột sống bẩm sinh có một mục đích quan trọng duy nhất đó chính là giúp cột sống và lồng ngực được phát triển càng nhiều càng tốt. Một số lựa chọn phẫu thuật vẹo cột sống bẩm sinh đó là:

  • Hàn liên đốt sống
  • Cắt bỏ đốt sống bị tật khuyết nửa đốt sống
  • Đặt dụng cụ thay đổi được chiều dài
  • Phục hồi chức năng

Vẹo cột sống bẩm sinh ở trẻ nhỏ là một trong những loại vẹo cột sống rất khó điều trị. Cùng với đó, trong quá trình trẻ phát triển, nhiều khả năng đường cong sẽ càng trở nên nghiêm trọng hơn. Vậy nên, ngay khi phát hiện các dấu hiệu của bệnh cong vẹo cột sống bẩm sinh, bệnh nhân cần được đưa đi khám và chẩn đoán sớm nhất để được điều trị kịp thời.

Bài viết liên quan: Vẹo cột sống ở trẻ em: Phòng ngừa và điều trị như thế nào?

 

Mọi thắc mắc bạn đọc vui lòng liên hệ để được tư vấn và giải đáp miễn phí : 089650950919001259 hoặc Email : songkhoe@bacsituvan.vn

    Đăng ký nhận tư vấn miễn phí - Toàn bộ thông tin Vinh Gia cam kết giữ kín.