Tê ngón tay út là bệnh gì? Cách điều trị như thế nào?

Tham vấn Y khoa:
Bs Vũ Văn Lực

Ngày đăng:
1 Tháng tư 2023

Lần cập nhật cuối:
26 Tháng mười hai 2023

Số lần xem:
1325

Hiện tượng tê ngón tay út có thể gặp ở nhiều đối tượng khác nhau, gây cảm giác khó chịu. Nếu kéo dài, tình trạng này còn làm ảnh hưởng tới những hoạt động hàng ngày. Có rất nhiều nguyên nhân khác nhau gây tê ngón tay út, song đây cũng có thể là triệu chứng của một số bệnh lý nguy hiểm. Cùng tìm hiểu rõ hơn về tình trạng tê ngón tay út trong bài viết dưới đây.

1. Nguyên nhân gây nên tình trạng tê ngón tay út

Bị tê ngón tay út do nhiều nguyên nhân như sai tư thế, chấn thương,..
Bị tê ngón tay út do nhiều nguyên nhân như sai tư thế, chấn thương,..

Tê ngón tay út là tình trạng ngón tay út bị châm chích, có thể bỏng rát, hơi đau. Thông thường, hiện tượng này đi kèm với tình trạng yếu ngón tay, mất cảm giác. Phần lớn tê ngón tay út xảy ra do dây thần kinh bị chèn ép, tổn thương. Bên cạnh đó, có một số nguyên nhân chính gây nên tình trạng này đó là:

  • Tư thế ngủ, sinh hoạt: Khi nằm ngủ, có thể bạn nằm nghiêng người, chèn ép vào tay quá lâu khiến máu huyết không lưu thông tới các ngón tay. Vì thế, khi tỉnh dậy bạn có thể bị tê ngón tay út. Tuy nhiên, khi gặp hiện tượng này bạn không cần quá lo ngại, chỉ cần massage nhẹ để kích thích máu lưu thông là đỡ.
  • Yếu tố công việc: Một số người do tính chất công việc nên bàn tay thường phải hoạt động nhiều, ví dụ như: lái xe đường dài, dân văn phòng thường xuyên phải gõ máy tính,… Do hoạt động quá nhiều nên các khớp ngón tay có thể không được tiếp thu đủ lượng máu, dẫn đến tình trạng tê bì.
  • Do thời tiết: Hiện tượng tê bì chân tay, trong đó có tê ngón tay út cũng thường xảy ra khi thời tiết thay đổi (nhiệt độ tăng cao hoặc hạ thấp đột ngột). Đặc biệt, những người cao tuổi, xương khớp yếu sẽ càng dễ bị tê tay trong trường hợp này.
  • Tác dụng phụ của thuốc: Nhiều người do sử dụng các loại thuốc kháng sinh chữa một số bệnh lý nên có thể gặp tác dụng phụ, trong đó có tình trạng tê ngón tay út. Tuy nhiên, cần lưu ý nếu bị tê tay quá nặng bạn cần theo dõi và thăm khám để được bác sĩ điều trị kịp thời.
  • Cơ thể thiếu chất: Hiện tượng tê ngón tay út cũng có thể xảy ra do cơ thể bị thiếu hụt chất dinh dưỡng như canxi, vitamin B1, vitamin B12,… Những đối tượng dễ gặp tình trạng này đó là người gầy yếu, người già, phụ nữ mang thai.
  • Do chấn thương: Khi ngón tay bị va đập mạnh, chấn thương sẽ khiến các dây thần kinh bị chèn ép, từ đó gây đau mỏi, tê nhức. Trong một số trường hợp, sau khi ngón tay bị chấn thương, nếu không điều chỉnh kịp thời còn có thể dẫn đến những dị tật khó chữa.
  • Hội chứng tiền mãn kinh: Phụ nữ trong giai đoạn tiền mãn kinh thường có nhiều thay đổi về sức khỏe với các triệu chứng như bốc hỏa, loãng xương, tê ngón tay út,… gây khó chịu và làm ảnh hưởng tới cuộc sống sinh hoạt hàng ngày.

2. Tê ngón tay út có thể là triệu chứng bệnh gì?

Bị tê 2 ngón tay út và áp út có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh lý
Bị tê 2 ngón tay út và áp út có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh lý

Như vậy, có rất nhiều nguyên nhân gây nên tê đầu ngón tay út. Song, nếu tình trạng này do các yếu tố cơ học và không thường xuyên xảy ra, kéo dài thì không cần quá lo ngại. Tuy nhiên, nếu bị tê ngón tay út kéo dài, không rõ nguyên nhân, bạn cần lưu ý vì đây có thể là triệu chứng của một số bệnh lý sau:

  • Bệnh thoái hóa cột sống: Tê bì tay, ngón tay út có thể là dấu hiệu cho thấy bạn bị thoái hóa cột sống. Bệnh lý này khiến hệ xương khớp yếu đi, khả năng vận động kém dần. Không những vậy, hệ thần kinh cũng sẽ bị tổn thương, chịu nhiều áp lực do bị xương chèn lên, máu huyết không lưu thông, gây ra tình trạng tê bì.
  • Trúng gió: Người bị trúng gió thường có những biểu hiện chóng mặt, cơ thể đau mỏi, buồn nôn, tê nhức ngón tay. Nếu bị trúng gió nặng, người bệnh còn có thể xuất hiện thêm các triệu chứng tụt huyết áp, thay đổi đường huyết,… Tuy nhiên, một số người do chủ quan nên không phát hiện kịp thời, khiến bệnh trở nặng hơn rất nguy hiểm.
  • Tắc nghẽn mạch máu: Mạch máu có vai trò điều tiếp, bơm máu và chất dinh dưỡng cho cơ thể. Tắc nghẽn mạch máu là tình trạng hệ thống mạch máu bị viêm nhiễm, xơ vữa,… gây rối loạn lưu thông máu trong cơ thể. Cũng do đó, bàn tay, ngón tay khi không nhận được đủ lượng máu cần thiết sẽ bị tê bì.
  • Viêm khớp dạng thấp: Đây là bệnh lý xảy ra do rối loạn tự miễn trong cơ thể, gây ảnh hưởng tới niêm mạc khớp. Người mắc viêm khớp dạng thấp thường gặp triệu chứng đau mỏi, tê nhức tay chân, trong đó có ngón tay út. Bên cạnh đó, người bệnh sẽ cảm thấy nóng, ngứa ran ở các ngón tay.

3. Khi nào nên gặp bác sĩ nếu bị tê ngón tay út?

Khi càng ngày càng đau nhức tay, sưng tấy, khó thở thì hãy đi khám ngay
Khi càng ngày càng đau nhức tay, sưng tấy, khó thở thì hãy đi khám ngay

Hiện tượng bị tê ngón tay út có thể xảy ra đột ngột khi bạn nằm đè lên ngón tay hoặc bê vật nặng,… Đây là hiện tượng bình thường, chỉ cần xoa bóp, cử động tay thì cảm giác tê mỏi sẽ biến mất ngay sau đó. Với những trường hợp tê bì kéo dài mà không do bất kỳ tác động bên ngoài, kèm theo những triệu chứng bất thường dưới đây thì bạn nên đi khám bác sĩ để xác định nguyên nhân cụ thể:

  • Tê ngón tay út sau đó lan rộng sang cả bàn tay, cánh tay. Cảm giác tê mỏi, đau nhức ngày càng tăng.
  • Đầu ngón tay út bị sưng tấy, nóng, đau dữ dội.
  • Khó thở, đau đầu, chóng mặt dữ dội.
  • Thay đổi nhịp tim đột ngột, nói chuyện không rõ câu, nói vấp.
  • Đầu óc không còn tỉnh táo, có triệu chứng lú lẫn.

Khi xuất hiện các triệu chứng trên bạn cần đi thăm khám càng sớm càng tốt, bởi chúng có thể là biến chứng của một số bệnh lý nguy hiểm, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh.

4. Chẩn đoán tình trạng tê ngón tay út

Khi thăm khám, bác sĩ sẽ dựa vào các triệu chứng lâm mà người bệnh đang gặp phải để xác định nguyên nhân ban đầu. Do đó, người bệnh cần khai báo trung thực tình trạng của cơ thể, chấn thương gặp phải và tiền sử bệnh lý hoặc thuốc đang sử dụng. Sau khi loại trừ nguyên nhân do sinh lý, bác sĩ sẽ chỉ định số xét nghiệm khác để chẩn đoán chính xác nguyên nhân.

Thông thường, các phương pháp được chỉ định như chụp X quang, chụp cộng hưởng từ MRI, Ctscan, xét nghiệm máu,… Khi nắm được nguyên nhân gây tê 2 ngón tay út và áp út, bác sĩ sẽ tư vấn hướng điều trị phù hợp.

5. Điều trị hiện tượng tê ngón tay út

Cải thiện tình trạng đau tê ngón tay út bằng việc massage thường xuyên
Cải thiện tình trạng đau tê ngón tay út bằng việc massage thường xuyên

Vậy điều trị tình trạng tê ngón tay út thế nào? Như đã nói hiện tượng này xảy ra có thể do các nguyên nhân cơ học bên ngoài tác động, hoặc nguyên nhân sinh lý từ bên trong ảnh hưởng. Để điều trị, bạn cần nắm rõ một số lưu ý sau:

  • Nếu bị tê nhẹ, nguyên nhân gây ra là do thói quen sinh hoạt hàng ngày thì bạn có thể thực hiện massage để máu huyết lưu thông, cải thiện tình trạng tê ngón tay út. Nếu bạn bị tê bì do chấn thương thì cần điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ để mau khỏi và tránh các dị tật không đáng có.
  • Trong trường hợp bạn bị tê ngón tay út kéo dài kèm các triệu chứng khác như mệt mỏi, chóng mặt, buồn nôn, đau người,… thì cần tới các cơ sở y tế thăm khám để được chẩn đoán chính xác và có phác đồ điều trị phù hợp.
  • Tăng cường bổ sung các dưỡng chất như canxi, các loại vitamin B1, B12,… trong thực đơn hàng ngày để nâng cao sức khỏe, hạn chế tê bì chân tay.
  • Tập thể dục thường xuyên mỗi ngày giúp máu được tuần hoàn tốt hơn, hệ xương khớp thêm chắc khỏe.
  • Không nên tự ý sử dụng các loại thuốc điều trị khi chưa có chỉ định của bác sĩ.
  • Không nên để ngón tay út, bàn tay hoạt động quá sức liên tục trong thời gian dài (gõ máy tính nhiều, lái xe quá lâu,…). Thay vào đó, bạn nên có thời gian nghỉ ngơi, tập những bài tập giúp giãn cơ ngón tay.

6. Phòng tránh nguy cơ tê ngón tay út

Bổ sung đầy đủ dưỡng chất như canxi, vitamin D để hạn chế tê tay
Bổ sung đầy đủ dưỡng chất như canxi, vitamin D để hạn chế tê tay

Để chủ động phòng ngừa tình trạng tê ngón tay út, bạn cần lưu ý một số vấn đề như:

  • Hạn chế cầm nắm, gõ bàn phím, bê vật nặng,… trong thời gian dài. Nên dành thời gian xoa bớp các khớp ngón tay để tránh bị tê mỏi.
  • Tránh kê tay, nằm đè lên bàn tay khiến tay bị tê mỏi khó chịu.
  • Thực hiện những bài tập cử động ngón tay để giúp giãn cơ, phòng tránh hiện tượng tê cứng, nhức mỏi tay,…
  • Tăng cường bổ sung các chất dinh dưỡng cho cơ thể, đặc biệt là các thực phẩm giàu canxi, vitamin D, kẽm, khoáng chất,…
  • Luyện tập thể dục, thể thao đều đặn giúp tăng tuần hoàn máu, giúp xương khớp linh hoạt, dẻo dai và phòng ngừa các bệnh lý xương khớp.
  • Thăm khám và điều trị sớm các bệnh lý của cơ thể như viêm khớp dạng thấp, dây thần kinh ngoại biên,…

Trên đây là những nguyên nhân phổ biến gây tê ngón tay út, cùng các lưu ý để điều trị tình trạng này hiệu quả. Hy vọng bài viết đã giúp bạn có thêm thông tin hữu ích, từ đó biết cách chăm sóc sức khỏe cho bản thân và gia đình thật tốt!

 

Mọi thắc mắc bạn đọc vui lòng liên hệ để được tư vấn và giải đáp miễn phí : 089650950919001259 hoặc Email : songkhoe@bacsituvan.vn

    Đăng ký nhận tư vấn miễn phí - Toàn bộ thông tin Vinh Gia cam kết giữ kín.

    Để lại một bình luận