Phục hồi chức năng sau đột quỵ – Phòng ngừa tái phát

Tham vấn Y khoa:
Bs Vũ Văn Lực

Ngày đăng:
22 Tháng Chín 2023

Lần cập nhật cuối:
26 Tháng Mười Hai 2023

Số lần xem:
1054

Theo thống kê, sau các cơn đột quỵ, có khoảng 10% số bệnh nhân sống sót sau và phục hồi hoàn toàn chức năng sau đột quỵ. 10% khác là những ca bệnh có thể sống sót nhưng vẫn cần can thiệp y tế dài hạn, hoặc số còn lại sẽ bị suy giảm chức năng từ trung bình đến nặng. Do đó, phục hồi chức năng sau đột quỵ là một giai đoạn quan trọng để giúp người bệnh có thể trở lại với cuộc sống ban đầu.

Những kiến thức cần biết về phục hồi chức năng sau đột quỵ
Những kiến thức cần biết về phục hồi chức năng sau đột quỵ

1. Phục hồi chức năng sau đột quỵ là gì?

Phục hồi chức năng sau đột quỵ được hiểu là giai đoạn giúp người bệnh phục hồi lại các kỹ năng đã bị mất đi đột ngột do khu vực não bị tổn thương. Bên cạnh đó, một điều quan trọng khác trong giai đoạn này đó chính là bảo vệ người bệnh khỏi những bệnh lý có thể xuất hiện sau khi bị đột quỵ như: viêm phổi, nhiễm trùng đường tiết niệu, chấn thương do ngã hay hình thành các cục máu đông trong cơ thể.

2. Vai trò của phục hồi chức năng cho bệnh nhân sau đột quỵ

Về cơ bản, vai trò nói chung của phục hồi chức năng sau đột quỵ đó chính là khôi phục lại các chức năng đã mất trong quá trình đột quỵ và giúp người bệnh có được một cuộc sống ổn định và khỏe mạnh.

Cụ thể, vai trò của giai đoạn phục hồi chức năng đó là:

  • Hỗ trợ nâng cao tầm vận động, tăng cường lực cơ.
  • Cải thiện khả năng ngôn ngữ đã bị mất đi một phần hoặc mất đi hoàn toàn sau khi bị đột quỵ.
  • Cải thiện tình trạng yếu nửa người/ liệt nửa người.
  • Khôi phục lại khả năng giữ thăng bằng, di chuyển và dáng đi của người bệnh.
  • Giúp người bệnh có thể thực hiện được các hoạt động sinh hoạt hàng ngày một cách độc lập.
  • Giúp người bệnh vững vàng hơn về tinh thần, giảm cảm giác tự ti để họ có thể sống vui vẻ và lạc quan hơn.
  • Phòng ngừa và xử lý các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra sau đột quỵ.

3. Thời gian vàng để phục hồi chức năng sau đột quỵ

Các giai đoạn phục hồi chức năng sau đột quỵ
Các giai đoạn phục hồi chức năng sau đột quỵ

Thông thường, quá trình phục hồi của người bệnh sau đột quỵ sẽ cần trải qua 4 giai đoạn bao gồm:

  • Giai đoạn 1: Giai đoạn cấp diễn ra từ 0 – 24 giờ.
  • Giai đoạn 2: Phục hồi sớm diễn ra từ 24 giờ đến 3 tháng tiếp theo.
  • Giai đoạn 3: Phục hồi muộn diễn ra trong khoảng từ tháng thứ 3 đến tháng thứ 6.
  • Giai đoạn 4: Giai đoạn mãn tính diễn ra trong khoảng thời gian còn lại sau 6 tháng.

Như vậy, về cơ bản, thời gian phục hồi sau đột quỵ của mỗi bệnh nhân sẽ bao gồm 4 giai đoạn, người bệnh sẽ cần tập phục hồi ngay khi ổn định hoặc 3 – 4 ngày kể từ sau khi đột quỵ. Đây chính là giai đoạn mà kết quả phục hồi có thể dễ dàng nhận thấy nhất. Sau đó, từ tháng thứ 6 sau khi phục hồi, các kết quả sẽ không thay đổi nhiều và dần đi vào ổn định.

Sự phục hồi của mỗi bệnh nhân sẽ phục thuộc vào các yếu tố khác nhau như: khả năng phục hồi tự nhiên của cơ thể, các phương pháp chăm sóc về y tế, trị liệu phục hồi chức năng,…

4. Phương pháp phục hồi chức năng sau đột quỵ

Người bệnh có thể được áp dụng các phương pháp dưới đây để phục hồi chức năng sau đột quỵ:

Các phương pháp phục hồi chức năng sau đột quỵ
Các phương pháp phục hồi chức năng sau đột quỵ

4.1. Các hoạt động thể chất

  • Bài tập kỹ năng vận động: Đây là những bài tập giúp người bệnh cải thiện sự phối hợp cũng như sức mạnh của cơ bắp.
  • Bài tập vận động: Người bệnh có thể học cách sử dụng các thiết bị hỗ trợ để tập đi để tăng cường sức mạnh cho đôi chân.
  • Phương pháp điều trị vận động cưỡng bức CIMT: Liệu pháp này giúp người bệnh luyện tập, cải thiện chức năng của các chi bị ảnh hưởng.
  • Phương pháp phục hồi Tầm vận động ROM: Những bài tập và phương pháp làm dịu tình trạng căng cơ và giúp người bệnh lấy lại phạm vi hoạt động.

4.2. Các hoạt động nhận thức và cảm xúc

  • Liệu pháp điều trị rối loạn nhận thức: Giúp người bệnh phục hồi các khả năng về nhận thức, giải quyết các vấn đề về kỹ năng xã hội, khả năng phán đoán và nhận thức an toàn.
  • Liệu pháp điều trị rối loạn giao tiếp: Hỗ trợ người bệnh lấy lại các khả năng nói, nghe, viết và hiểu.
  • Đánh giá và điều trị tâm lý: Người bệnh được học lại cách điều chỉnh cảm xúc. Người bệnh có thể được nghe các bác sĩ tư vấn hoặc tham gia vào một nhóm hỗ trợ.
  • Thuốc: Sử dụng một số loại thuốc như chống trầm cảm hoặc các loại thuốc ảnh hưởng đến sự tỉnh táo để kích động người bệnh.

4.3. Laser nội mạch

Ở phương pháp này, người bệnh sẽ được sử dụng tia laser ở công suất thấp chiều vào lòng tĩnh mạch để hỗ trợ tăng tuần hoàn máu, tối ưu hóa chức năng của cơ thể. Đây là một trong số các kỹ thuật có thể giúp người bệnh phục hồi nhanh mà không gây đau đớn trong suốt quá trình điều trị. Tuy nhiên, khi sử dụng phương pháp này cần có chỉ định của bác sĩ bởi người bệnh vẫn có thể gặp các tác dụng phụ không mong muốn.

4.4. Châm cứu

Với phương pháp y học cổ truyền thì người bị tai biến mạch máu não có thể sử dụng châm cứu để phục hồi chức năng sau đột quỵ. Phương pháp này sẽ kích thích các dây thần kinh để não bộ phản ứng lại và hỗ trợ người bệnh phục hồi chức năng.

5. Phòng ngừa tái đột quỵ

Cần làm gì để phòng ngừa tái phát đột quỵ sau khi được phục hồi?
Cần làm gì để phòng ngừa tái phát đột quỵ sau khi được phục hồi?

Người bệnh bị đột quỵ có khả năng tái phát cao. Ước tính trong khoảng 5 năm đầu tiên, tỷ lệ tái phát là 25%. Do đó, để phòng ngừa nguy cơ tái phát đột quỵ, người bệnh cần chú ý kiểm soát các yếu tố nguy cơ dưới đây:

  • Kiểm soát huyết áp cao (tăng huyết áp): Tăng huyết áp là yếu tố nguy cơ cao nhất của đột quỵ. Những người sống sót sau đột quỵ cần được bác sĩ theo dõi và đưa huyết áp trở về mức bình thường. Theo đó, người bệnh có thể cần thay đổi chế độ ăn uống và/hoặc dùng các loại thuốc được kê đơn để giúp điều chỉnh huyết áp về mức mục tiêu điều trị.
  • Bỏ thuốc lá: Hút thuốc lá làm tăng đáng kể nguy cơ đột quỵ và có liên quan đến sự tích tụ các mảng xơ vữa trong động mạch. Thuốc lá cũng làm tăng huyết áp và làm cho máu đặc hơn và dễ đông hơn.
  • Tập thể dục thường xuyên và duy trì cân nặng: Béo phì và ít vận động có liên quan đến tăng huyết áp, tiểu đường và bệnh tim. Thừa cân làm tăng đáng kể nguy cơ đột quỵ do thiếu máu cục bộ.
  • Giảm mức mỡ máu (cholesterol): Cholesterol cao có thể dẫn đến sự tích tụ các chất béo (xơ vữa động mạch) trong mạch máu, làm giảm lượng máu và oxy lên não.
  • Kiểm tra bệnh tim: Các rối loạn tim thông thường có thể dẫn đến các cục máu đông gây tắc nghẽn các mạch máu não. Trường hợp này, người bệnh có thể cần dùng thuốc để giúp ngăn ngừa sự hình thành cục máu đông.
  • Quản lý bệnh tiểu đường: Bệnh tiểu đường có thể gây ra những thay đổi phá hủy trong các mạch máu khắp cơ thể, bao gồm cả não. Tổn thương não thường nghiêm trọng và lan rộng hơn khi lượng đường huyết cao. Việc điều trị bệnh tiểu đường có thể trì hoãn sự khởi phát của các biến chứng làm tăng nguy cơ đột quỵ.

Trên đây là một số phương pháp phục hồi sau đột quỵ. Thời gian phục hồi của mỗi bệnh nhân là khác nhau do nhiều yếu tố, do đó, đây chính là khoảng thời gian người nhà cần cùng bệnh nhân kiên trì để vượt qua.

>> Xem thêm: Những lưu ý khi chăm sóc bệnh nhân đột quỵ bắt buộc phải nhớ

 

Mọi thắc mắc bạn đọc vui lòng liên hệ để được tư vấn và giải đáp miễn phí : 089650950919001259 hoặc Email : songkhoe@bacsituvan.vn

    Đăng ký nhận tư vấn miễn phí - Toàn bộ thông tin Vinh Gia cam kết giữ kín.