Nắng nóng gay gắt đổ bộ cũng là lúc bệnh đột quỵ vào guồng gia tăng. Đáng lo nhất là những người có sẵn bệnh nền như tăng huyết áp, tiểu đường, mỡ máu… luôn đứng đầu danh sách nguy cơ cao. Vậy tại sao nắng nóng lại gây đột quỵ? Cách phòng ngừa đột quỵ do nắng nóng là gì? Cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé.
1. Vì sao nắng nóng gây sốc nhiệt đột quỵ?
Thống kê tại các cơ sở y tế vào mùa hè ghi nhận số lượng người bệnh nhập viện cấp cứu tăng cao gấp 3 lần so với các thời điểm còn lại. Trong số đó, các trường hợp sốc nhiệt và đột quỵ não, rối loạn điện giải, viêm phổi chiếm đa số.
Để thích nghi với thời tiết nắng nóng, cơ thể bài tiết mồ hôi nhiều. Do bị mất một lượng nước khá lớn khiến nồng độ máu trong cơ thể giảm, độ kết dính trong máu tăng cao và lưu thông kém. Hậu quả làm tăng huyết áp, dễ hình thành cục máu đông và gây tắc nghẽn mạch máu. Từ đó, tăng nguy cơ sốc nhiệt và đột quỵ.
Ảnh hưởng bởi nắng nóng còn khiến hệ tuần hoàn, đặc biệt là tim hoạt động kém kèm theo sự giãn mạch dẫn đến thiếu máu nuôi não, đặc biệt ở người có tiền sử xơ vữa động mạch, cao huyết áp.
Bên cạnh đó, thời tiết nắng nóng còn làm suy giảm chức năng các cơ quan, gây mất ngủ, rối loạn giấc ngủ… khiến nguy cơ đột quỵ dễ xảy ra. Nhiều người còn tìm cách tránh nóng bằng cách vào siêu thị, trung tâm thương mại hoặc để điều hòa với nhiệt độ quá thấp dễ dẫn tới giảm thân nhiệt đột ngột, khiến mạch máu dễ bị co lại và tình trạng đột quỵ có thể xảy ra.
2. Những đối tượng có nguy cơ cao bị đột quỵ do nắng nóng
Trường hợp dễ bị đột quỵ, bao gồm:
- Trẻ sơ sinh và trẻ em dưới 4 tuổi, người cao tuổi từ 65 tuổi trở lên, người đang mắc bệnh mãn tính như bệnh tim, phổi, thận, tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, rối loạn chuyển hóa, bệnh tâm thần, những người có lối sống không lành mạnh như hút thuốc lá, uống quá nhiều rượu bia, người không uống đủ nước,…
- Người già và trẻ em dễ gặp phải biến cố đột quỵ do nắng nóng vì nhóm đối tượng này thích nghi với sự tăng nhiệt chậm hơn so với những người khác.
Ngoài ra, người sống trong khu vực đô thị thường có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn những người cư trú ở vùng nông thôn. Nguyên nhân là vì ban ngày trời nóng, những người ở thành phố chịu hiệu ứng đô thị, dẫn đến nhiệt độ môi trường đô thị thường tăng cao hơn mức nhiệt thời tiết. Trong khi đó, vào ban đêm lại xảy ra hiện tượng “đảo nhiệt”, tức là nhiệt độ từ đường nhựa, bê tông phả ra ngoài, khiến cho nhiệt độ buổi tối giảm chậm hơn so với ở vùng nông thôn.
Với thời tiết nắng nóng, nguy cơ bị đột quỵ thường xảy ra khi nhiệt độ ngoài trời dao động từ 32oC trở lên. Theo như mức nhiệt độ này, các bác sĩ đã có khuyến cáo không nên hoạt động mạnh ở ngoài trời, hay đang ngồi điều hoà trong nhà đột ngột ra ngoài đường vì dễ dẫn đến sốc nhiệt và đột quỵ tử vong.
3. Các triệu chứng của đột quỵ do nắng nóng
Các dấu hiệu đột quỵ do nắng nóng rất đa dạng, biểu hiện từ mức độ nhẹ có thể tự khỏi sau khi nghỉ ngơi (say nắng nóng) đến mức độ nặng, nguy kịch có thể tử vong hoặc để lại di chứng nặng nề về thần kinh, mặc dù được điều trị tích cực (kiệt sức, đột quỵ do nắng nóng).
Các biểu hiện ban đầu luôn có như vã mồ hôi, đau đầu, khó chịu, mặt đỏ, đỏ da toàn thân, cảm giác nghẹt thở, thở nhanh, nông, có khi đau bụng, nôn mửa, sau đó xuất hiện chóng mặt, hoa mắt, mặt tái nhợt, mạch nhanh, ngất lịm, chuột rút, đái ít, sốt cao có khi lên tới 44oC, da và niêm mạc khô, trụy mạch.
Cá biệt có trường hợp tụ máu dưới màng cứng và trong não.Nặng hơn, nạn nhân sẽ có biểu hiện thương tổn thần kinh như li bì, giãy giụa, mê sảng, hôn mê và có thể tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.
Khi bị sốc nhiệt, đột quỵ do nắng nóng, người bệnh sẽ có những biểu hiện ban đầu điển hình như: mặt đỏ, môi, da khô, mạch nhanh, thở nhanh, đau đầu, chóng mặt, vã mồ hôi, hoa mắt, khó thở, thở gấp,… Sau đó có thể xuất hiện tình trạng trụy mạch, sốt cao (từ 39 – 40oC), hôn mê…
4. Cách sơ cứu khi bị đột quỵ do nắng nóng
Bệnh nhân đột quỵ do nắng cần được cấp cứu khẩn cấp, đặc biệt là những đối tượng có sẵn bệnh nền về tim mạch, huyết áp, người có sức đề kháng yếu,… để tránh gây ra hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe.
Khi gặp nạn nhân bị đột quỵ do nắng nóng, cần đưa nạn nhân vào chỗ thoáng mát. Việc đầu tiên là phải tìm cách hạ thân nhiệt xuống dần từng bước và càng sớm càng tốt bằng các biện pháp như đưa nạn nhân vào chỗ mát, cởi hết quần áo; chườm bằng nước mát khắp người hoặc phun nước hay nhúng cả người nạn nhân vào bể nước mát. Khi thân nhiệt người bệnh giảm xuống 38oC, nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế gần nhất để tiếp tục theo dõi điều trị.
Nếu bệnh nhân bị ngất hoặc hôn mê không nên cố gắng cho uống nước vì dễ gây sặc nước vào phổi càng nguy hiểm. Trường hợp bệnh nhân bị ngừng tim (bắt mạch hoặc sờ không thấy tim đập) phải làm hô hấp nhân tạo hà hơi thổi ngạt và ép tim ngoài lồng ngực và nhanh chóng đưa bệnh nhân đến bệnh viện điều trị.
5. Phòng chống đột quỵ trong mùa nắng nóng
Trong thời tiết nắng nóng như hiện nay, chúng ta cần chủ động phòng ngừa đột quỵ có thể xảy ra cho bản thân và gia đình mình như:
- Theo dõi dự báo thời tiết để chủ động phòng tránh.
- Người cao tuổi không nên đi lại làm việc vào ngày nắng nóng, nhất là giờ cao điểm từ 10g sáng đến 4g chiều. Ra ngoài trời cần có mũ nón, uống nước.
- Máy điều hòa: 26 – 28oC, mức chênh lệch trong và ngoài phòng không nên vượt quá 7 độ C. Hoặc làm mát nhà bằng cách che nắng, mở cửa cho thông thoáng, bật quạt. Những người đang ở trong phòng điều hòa nhiệt độ thấp không nên đi ra ngoài trời nắng đột ngột mà cần phải có một khoảng thời gian để cơ thể thích nghi với môi trường bên ngoài.
- Thường xuyên bổ sung đủ nước trong ngày. Việc này sẽ giúp tăng thể tích dịch cơ thể, tránh máu tăng đặc dẫn tới sự hình thành huyết khối (cục máu đông). Có thể bổ sung nước qua việc uống nước ép trái cây, ăn bổ sung canh rau, củ quả mỗi ngày. Đặc biệt, lúc sáng sớm sau khi ngủ dậy, nên uống một cốc nước, mỗi ngày nên bổ sung đủ từ 2 lít nước cho cơ thể. Nếu phải tập luyện thể dục, trước khi tập nên uống 1 cốc nước và cứ sau 20 phút vận động mạnh thì nên bổ sung nước 1 lần.
- Hạn chế tối đa diện tích tiếp xúc của ánh nắng lên cơ thể, đặc biệt là vùng vai, gáy. Sử dụng phương tiện bảo hộ cá nhân phù hợp khi làm việc ngoài trời nắng như quần áo bảo hộ lao động, mũ, nón, kính. Mặc quần áo rộng, thoáng mát và thấm mồ hôi. Có thể sử dụng thêm các loại kem chống nắng. Nếu không thật sự cần thiết, nên hủy bỏ các hoạt động ngoài trời, chỉ nên ra ngoài vào buổi sáng sớm và chiều muộn, khi ngoài trời đã tương đối dịu mát.
- Hạn chế rượu bia hoặc cà phê, bởi thành phần cồn và cafein sẽ khiến cho cơ thể bị mất nước nhiều hơn, dễ dẫn đến nguy cơ bị đột quỵ do nắng nóng.
- Tránh tắm ngay sau khi đi ngoài nắng để giải tỏa cơn nóng nực. Bởi vì cơ thể đang ở ngoài nắng với nhiệt độ môi trường khá cao, về nhà tắm ngay dẫn đến sự thay đổi nhiệt độ đột ngột thì trung tâm điều nhiệt phải hoạt động liên tục. Chúng ta không được tắm ngay mà nên nghỉ ngơi, đợi khô mồ hôi khoảng 30 phút. Ngoài ra, cũng không nên tắm nhiều lần trong ngày để tránh việc cơ thể bị thay đổi nhiệt độ liên tục, không có lợi cho sức khỏe.
- Thực hiện các biện pháp làm thoáng mát nơi làm việc như: sử dụng mái che, các tấm phản chiếu nhiệt, vật liệu cách nhiệt, hệ thống phun nước, phun sương, lắp đặt hệ thống điều hòa, hệ thống quạt thông gió phù hợp.
- Đối với những người đã từng bị đột quỵ, cần phải lưu ý những điều như trên, tuy nhiên cần thận trọng hơn. Người nhà cần theo dõi sát vì dễ bị đột quỵ lại. Cần theo dõi sức khỏe định kỳ và dùng thuốc theo chỉ định, khi thấy bất thường trong cơ thể cần đi khám ngay.
Đột quỵ có thể xảy ra bất kỳ lúc nào, không chỉ riêng với thời tiết nắng nóng. Bạn nên đề phòng trước như thực hiện chế độ ăn uống và sinh hoạt khoa học để bảo vệ sức khỏe, đồng thời hãy tầm soát đột quỵ nếu nhận thấy các dấu hiệu nghi ngờ.
>> Xem thêm: Đột quỵ mùa lạnh: Nguyên nhân và cách phòng ngừa tốt nhất
Mọi thắc mắc bạn đọc vui lòng liên hệ để được tư vấn và giải đáp miễn phí : 0896509509 – 19001259 hoặc Email : songkhoe@bacsituvan.vn