Người bệnh tai biến có nên châm cứu hay không?

Tham vấn Y khoa:
Bs Vũ Văn Lực

Ngày đăng:
17 Tháng mười 2023

Lần cập nhật cuối:
26 Tháng mười hai 2023

Số lần xem:
2710

Di chứng của tai biến mạch máu não rất nghiêm trọng và nguy hiểm. Để phục hồi chức năng cho người bệnh thì điều trị tai biến mạch máu não bằng châm cứu được áp dụng nhiều. Tìm hiểu về cách hỗ trợ điều trị trong chia sẻ dưới đây nhé.

1. Tác dụng của châm cứu đối với người bệnh tai biến

Châm cứu vốn là một phương pháp hiệu quả trong việc trị liệu giảm đau, thư giãn cơ thể, giải tỏa căng thẳng, điều trị chứng mất ngủ, cải thiện hệ tiêu hóa, hỗ trợ điều trị tai biến mạch máu não và phục hồi chức năng sau tai biến. Việc kích thích bằng đầu kim châm hoặc nhiệt của điếu ngải sẽ tạo ra những hoạt chất trung gian cần thiết để phục hồi chức năng của cơ thể. Cụ thể hơn, châm cứu mang đến sự kích thích cho các bộ phận của cơ thể đang bị ảnh hưởng. Điều này sẽ làm cho não bộ của người bệnh nhận thức rõ ràng những kết nối đã bị mất và khuyến khích kết nối lại. Sự kết nối lại này sẽ được xảy ra thông qua khả biến thần kinh. Đây là những thay đổi sinh lý trong não khi có sự kích thích từ bên ngoài. Khả biến thần kinh có khả năng thay đổi sự liên kết của các nơ-ron thần kinh chữa lành một tổn thương sau tai biến.

Lợi ích nhận được khi áp dụng phương pháp châm cứu điều trị tai biến
Lợi ích nhận được khi áp dụng phương pháp châm cứu điều trị tai biến

Châm cứu tác động trực tiếp lên huyệt vị bằng kim châm, giúp tăng cường lưu thông khí huyết và thông qua 5 cơ chế dưới đây giúp phục hồi các di chứng sau tai biến mạch máu não hiệu quả:

  • Châm cứu thúc đẩy sự tăng sinh tế bào trong hệ thần kinh trung ương sau tai biến. Châm cứu giúp tăng tái tạo tế bào thần kinh và thúc đẩy sự tăng sinh tế bào ở mô não thiếu máu cục bộ.
  • Châm cứu điều hoà tưới máu cho vùng não bị tổn thương.
  • Châm cứu giúp ngăn chặn các yếu tố gây chết tế bào theo chương trình.
  • Châm cứu điều hòa các hoá chất thần kinh như: Hoá chất dẫn truyền thần kinh, oxy hóa, chống viêm, yếu tố nuôi dưỡng thần kinh,…
  • Cải thiện trí nhớ nhờ tăng cường hoạt động của các synap thần kinh tại vùng hải mã.

Theo nhiều nghiên cứu khoa học trên thế giới và ở Việt Nam thì những tác dụng tích cực của châm cứu trong phục hồi các di chứng sau tai biến là giúp phục hồi yếu liệt, rút ngắn thời gian hồi phục cho người bệnh. Khi kết hợp châm cứu với tập vận động chủ động, hiệu quả phục hồi sẽ càng tăng.

Xem thêm: Cách điều trị tai biến mạch máu não bằng đông y

2. Người bị tai biến có nên châm cứu hay không?

Người bị tai biến có nên châm cứu hay không?
Người bị tai biến có nên châm cứu hay không?

2.1. Chỉ định

Châm cứu chỉ định với người bệnh có các triệu chứng, di chứng của tai biến mạch máu não với điều kiện không hôn mê, có các dấu hiệu sinh tồn như mạch, huyết áp, nhịp thở ổn định có thể thực hiện châm cứu.

2.2. Chống chỉ định

  • Châm cứu không nên áp dụng với người bệnh đang hôn mê. Các chỉ số sinh hiệu như mạch, huyết áp, nhịp thở chưa ổn định.
  • Tránh châm vào những vùng huyệt có viêm nhiễm hoặc lở loét ngoài da vì dễ gây nhiễm trùng thêm.
  • Người bệnh đang có bệnh lý nặng cần ưu tiên cấp cứu trước. Việc châm cứu có thể trì hoãn, áp dụng sau khi bệnh chính đã ổn định.

2.3. Các phương huyệt thường sử dụng trong châm cứu bệnh nhân tai biến

Phương huyệt thường dùng trong châm cứu cho bệnh nhân tai biến
Phương huyệt thường dùng trong châm cứu cho bệnh nhân tai biến

Theo các tài liệu y văn kinh điển, kinh Dương minh là nơi hội tụ của khí huyết, cân mạch. Do vậy mà các huyệt trên kinh Dương minh được sử dụng nhiều trong điều trị phục hồi các di chứng sau tai biến. Người bệnh có thể tham khảo công thức huyệt chung thường dùng trong điều trị phục hồi sau tai biến và tuỳ từng hội chứng bệnh mà công thức này sẽ được điều chỉnh và gia giảm.

  • Các huyệt vùng chi trên: Kiên ngung, Tý nhu, Khúc trì, Thủ tam lý, Ôn lưu, Thiên lịch, Dương khê, Hợp cốc.
  • Các huyệt chi dưới: Bễ quan, Phục thố, Lương khâu, Túc tam lý, Phong long, Giải khê.

Tuỳ theo các triệu chứng kèm theo có thể gia thêm một số huyệt sau:

  • Điều trị đau vai, bán trật khớp vai sau đột quỵ: Bỉnh phong, Kiên ngung, Kiên liêu, Tý nhu.
  • Điều trị nói khó: Á môn, Liêm tuyền, Thượng liêm tuyền.
  • Điều trị nuốt khó: Nội quan, Nhân trung, Phong trì, Hoàn cốt, Ế phong, Tam âm giao.
  • Điều trị liệt mặt: Nhân trung, Nghinh hương, Địa thương, Thừa tương, Hạ quan, Giáp xa.
  • Điều trị suy giảm nhận thức và trí nhớ: Bách hội, Tứ thần thông, Thần đình.
  • Điều trị chứng tiểu không tự chủ: Khí hải, Trung cực, Quan nguyên.

3. Cách hình thức châm cứu khác cho bệnh nhân tai biến

Châm cứu cho người bị tai biến bằng các hình thức khác
Châm cứu cho người bị tai biến bằng các hình thức khác
  • Châm cứu cải tiến: Chọn huyệt dựa vào khám sức cơ, chọn huyệt ở nguyên uỷ – bám tận của các cơ yếu nhiều nhất. Sau mỗi liệu trình điều trị, đánh giá lại sức cơ và điều chỉnh công thức huyệt.
  • Đầu châm: Vùng vận động, vùng cảm giác, vùng ngôn ngữ, vùng thăng bằng, vùng vận mạch.
  • Nhĩ châm: Các huyệt ở vùng thuyền tai (ngón tay, cổ tay, khuỷu tay, vai), các huyệt ở vùng đối vành tai (cổ chân, gối, háng, cột sống), vùng dưới vỏ, điểm thần kinh tự chủ.

Ngoài ra còn có một số phương pháp khác như cấy chỉ, mãng châm, thuỷ châm, laser châm,…

4. Lưu ý khi lựa chọn châm cứu chữa tai biến

Khi chọn hỗ trợ điều trị tai biến mạch máu não bằng châm cứu thì cần lưu ý là:

  • Châm cứu cần thực hiện ở những đơn vị uy tín, đảm bảo, thủ thuật được thực hiện bởi các bác sĩ, y sĩ có kinh nghiệm.
  • Do hiệu quả của điều trị tai biến mạch máu não bằng châm cứu từ từ nên người bệnh cần tuân theo lộ trình châm đầy đủ, không nên bỏ giữa chừng khi chưa đạt mong muốn.
  • Trong quá trình châm cứu, người bệnh thấy hiện tượng như hoa mắt, chóng mặt, vã mồ hôi, người mệt mỏi, khó chịu,… thì cần báo ngay cho bác sĩ hoặc nhân viên y tế để có những biện pháp xử trí kịp thời.
  • Người bệnh nên ăn trước khi châm cứu.

5. Những phương pháp kết hợp cùng châm cứu chữa tai biến

Châm cứu cho người bị tai biến kết hợp với các biện pháp khác
Châm cứu cho người bị tai biến kết hợp với các biện pháp khác

Để đạt hiệu quả cao nhất, khi phục hồi sau tai biến, người bệnh cần phối hợp nhiều phương pháp vừa y học cổ truyền, vừa y học hiện đại nhằm đem lại hiệu quả tốt nhất để cải thiện các chức năng nhận thức, vận động, cảm giác, ngôn ngữ,…

Ngoài châm cứu thì có thể kết hợp một số cách điều trị khác thuộc nhóm điều trị không dùng thuốc được như vật lý trị liệu và xoa bóp. Trong đó tuỳ từng giai đoạn hồi phục mà vật lý trị liệu áp dụng có các phương tiện và bài tập hỗ trợ khác nhau. Xoa bóp sẽ giúp tăng cường lưu thông khí huyết, giảm co cứng cơ sau tai biến. Người bệnh cần được xoa bóp vùng đầu mặt, lưng và tay chân, trọng tâm là bên bị liệt. Tập luyện đều đặn, thường xuyên có vai trò rất quan trọng trong phục hồi chức năng.

Để phòng ngừa bệnh tai biến mạch máu não tái phát, người bệnh cần tuân thủ điều trị của bác sĩ, theo dõi sức khỏe định kỳ, kiểm soát yếu tố nguy cơ, có chế độ sinh hoạt, làm việc khoa học và tập luyện đều đặn. Bên cạnh đó còn cần phòng tránh các yếu tố làm tăng nguy cơ gây tai biến như để cơ thể bị lạnh, làm việc gắng sức, stress,…

Điều trị tai biến mạch máu não bằng châm cứu rất hiệu quả, có thể giúp 80% người bệnh tai biến mạch máu não phục hồi di chứng lên đến 70% so với ban đầu, người bệnh cần kiên trì áp dụng kết hợp với tập luyện, chế độ dinh dưỡng để nhanh hồi phục.

Bài viết liên quan: Cách xoa bóp bấm huyệt cho người bị tai biến tốt nhất

 

Mọi thắc mắc bạn đọc vui lòng liên hệ để được tư vấn và giải đáp miễn phí : 089650950919001259 hoặc Email : songkhoe@bacsituvan.vn

    Đăng ký nhận tư vấn miễn phí - Toàn bộ thông tin Vinh Gia cam kết giữ kín.