Khi bị viêm họng nhẹ, thay vì sử dụng các loại thuốc Tây, bạn có thể tự điều trị tại nhà bằng một số phương pháp dân gian. Với ưu điểm hiệu quả, an toàn, lành tính, việc sử dụng thảo dược chữa viêm họng được rất nhiều lựa chọn. Hãy cùng tìm hiểu ngay các cách chữa viêm họng mãn tính dân gian hiệu quả trong bài viết dưới đây.
1. Tổng hợp 13 cách chữa viêm họng mãn tính dân gian đơn giản nhưng hiệu quả
1.1. Bài thuốc chữa viêm họng mạn tính từ mật ong
Một trong những loại thảo dược chữa viêm họng hiệu quả đầu tiên phải kể tới là mật ong. Theo y học cổ truyền, mật ong có vị ngọt, tính bình, có tác dụng kháng viêm, sát khuẩn, bổ phế, hỗ trợ điều trị bệnh lý đường hô hấp, tiêu hóa rất tốt.
Trong khi đó, các nghiên cứu khoa học hiện đại đã chỉ ra, trong mật ong có chứa nhiều thành phần dưỡng chất tốt cho sức khỏe như: vitamin, canxi, magie, fructose, maltose, pinocembrin,… có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch, ngăn chặn sự hình thành của các tế bào gốc tự do. Do đó, người bị viêm họng mãn tính có thể áp dụng các bài thuốc từ mật ong để làm dịu cơn ngứa ngáy khó chịu ở cổ họng.
Cách thực hiện:
- Hòa 2-3 thìa cà phê mật ong nguyên chất cùng với 300ml nước ấm.
- Khuấy đều và uống từng ngụm nhỏ cho đến hết.
- Mỗi ngày uống 2 ly vào mỗi buổi sáng và buổi tối trước khi đi ngủ để đẩy lùi các triệu chứng khó chịu của bệnh viêm họng mãn tính.
- Ngoài việc sử dụng mật ong nguyên chất, người bệnh cũng có thể kết hợp mật ong với nhiều nguyên liệu khác để tăng công dụng chữa bệnh như: gừng tươi, chanh, quất, nghệ,…
1.2. Dùng tỏi chữa viêm họng mãn tính vừa đơn giản lại vừa hiệu quả
Ngoài việc được sử dụng như một loại gia vị cho các món ăn, tỏi còn được sử dụng trong các bài thuốc dân gian nhờ tính sát khuẩn, chống viêm rất mạnh. Các nghiên cứu khoa học hiện đại cũng đã chứng minh loại gia vị này chứa rất nhiều thành phần có tác dụng kháng khuẩn, chống viêm tự nhiên, điển hình như allicin. Vì thế, người bệnh viêm họng mãn tính có thể yên tâm dùng tỏi để giúp làm giảm các triệu chứng khó chịu của bệnh.
Chuẩn bị: 1-2 tép tỏi, 1 thìa cà phê mật ong nguyên chất.
Cách thực hiện:
- Tỏi bóc vỏ, rửa sạch với nước rồi sau đó đập dập.
- Cho tỏi vào bát nhỏ, trộn đều với mật ong và hấp cách thủy khoảng 15 phút.
- Ngậm tỏi với mật ong từ 2-3 lần/ngày giúp giảm đau rát cổ họng rất tốt.
1.3. Giảm đau rát cổ họng nhờ bài thuốc từ củ gừng
Theo Đông y, gừng có vị cay, tính ấm, có khả năng diệt khuẩn rất tốt. Trong khi đó, y học hiện đại cũng chỉ ra rằng, các hoạt chất zingerone và gingerol trong củ gừng có tác dụng giảm đau và chống viêm mạnh mẽ. Do đó, áp dụng bài thuốc từ gừng sẽ giúp giữ ấm cổ họng, giảm ho và đau họng, làm giảm nhẹ các triệu chứng bệnh viêm họng mãn tính, nhất là khi thay đổi thời tiết.
Chuẩn bị: 1 củ gừng, 2 thìa mật ong nguyên chất, 200ml nước nóng.
Cách thực hiện:
- Rửa sạch củ gừng, cạo bỏ vỏ.
- Thái gừng thành lát mỏng hoặc đập dập rồi hãm trong nước nóng trong khoảng 10 phút.
- Thêm 1 thìa mật ong, khuấy đều và uống khi trà còn ấm.
- Nên sử dụng từ 1-2 ly trà gừng mỗi ngày cho tới khi tình trạng bệnh được cải thiện.
1.4. Chữa viêm họng mãn tính bằng nước ép củ cải trắng
Củ cải trắng có thể chống sung huyết, hình thành các chất nhầy trong cổ họng. Ngoài ra, củ cải cũng giúp tăng cường khả năng miễn dịch, giữ cơ thể khỏi các bệnh nhiễm trùng dẫn đến cảm lạnh và ho. Do đó, sử dụng bài thuốc từ củ cải trắng để giúp làm giảm triệu chứng bệnh như ho nhiều, ngứa rát cổ họng, ho có đờm,…
Chuẩn bị: 1 củ cải trắng, 100ml mật ong.
Cách thực hiện:
- Gọt vỏ củ cải rồi rửa sạch, thái thành từng lát mỏng.
- Cho củ cải vào hộp nhỏ, đổ mật ong ngập củ cải rồi đậy kín nắp và để qua đêm.
- Mỗi lần dùng 1 thìa củ cải ngâm mật ong pha với 1 cốc nước ấm để sử dụng.
1.5. Dùng rễ cây cam thảo chữa bệnh viêm họng mãn tính tại nhà
Rễ cam thảo là vị thuốc Đông y quen thuộc có tác dụng thông kinh mạch, ôn trung, hạ khí, thường được dùng để hỗ trợ điều trị bệnh lý về đường tiêu hóa, bài tiết, viêm loét,… và một số bệnh đường hô hấp như viêm họng mãn tính, ho khan, viêm phế quản,… Đặc biệt, loại thảo dược này chứa hoạt chất acid glycyhizic có tác dụng kháng viêm, chống dị ứng, tiêu diệt một số vi khuẩn gây bệnh viêm họng mãn tính.
Cách thực hiện:
- Đem vài lát rễ cam thảo khô, một ít quế hãm cùng với một ấm nước sôi như hãm trà.
- Lọc lấy phần nước để uống, kiên trì thực hiện mỗi ngày sẽ giúp giảm ngứa ngáy, đau rát ở cổ họng.
1.6. Giảm đau cổ họng nhờ bài thuốc từ lá tía tô
Tía tô cũng là vị thuốc dân gian chữa viêm họng mãn tính rất hiệu quả. Nghiên cứu khoa học đã chứng minh, lá tía tô chứa các hoạt chất limonen, perillaldehyd, dihydrocumin,… có tác dụng tiêu viêm, tiêu đờm, giảm ho, sưng đau họng.
Nguyên liệu: 5g lá tía tô, 5g hoa đu đủ đực, 5g hoa khế, 15g đường phèn.
Cách thực hiện:
- Đem các nguyên liệu rửa sạch, để ráo, đem hấp cách thủy cùng với đường phèn trong 20 phút.
- Sử dụng cả nước và bã, chia thành 3 phần dùng trong ngày.
- Ngoài ra, bạn có thể dùng tía tô như 1 loại gia vị cho các món ăn, đặc biệt là khi có các dấu hiệu sốt cao, đau họng, cơ thể mệt mỏi.
1.7. Quất ngâm mật ong chữa viêm họng mãn tính
Mật ong và quất được sử dụng rất phổ biến trong các bài thuốc trị bệnh viêm đường hô hấp nhờ khả năng kháng viêm, kháng khuẩn tự nhiên. Đồng thời, quất có chứa nhiều vitamin C, giúp tăng cường sức đề kháng cũng như góp phần ức chế sự phát triển của các vi khuẩn gây bệnh.
Nguyên liệu: 5-7 quả quất, 5 thìa cà phê mật ong.
Cách thực hiện:
- Rửa sạch quất, thái thành lát.
- Đổ mật ong vào quất rồi đem đi hấp cách thủy trong 8 – 10 phút, đợi hỗn hợp nguội dần rồi sử dụng cả nước lẫn cái.
1.8. Chữa viêm họng mãn tính bằng bài thuốc từ lá húng chanh
Húng chanh chứa một loại tinh dầu có tác dụng sát khuẩn, kháng viêm vô cùng hiệu quả. Nhờ vậy, loại thảo dược này được sử dụng nhằm cải thiện triệu chứng bệnh viêm đường hô hấp, trong đó có viêm họng mãn tính.
Cách thực hiện:
- Lấy vài ngọn lá húng chanh đem rửa sạch, sau đó giã nát cùng muối hạt.
- Dùng hỗn hợp này ngậm trong miệng và nhai chậm rãi để tinh dầu của húng chanh ngấm vào thành họng.
- Thực hiện 2-3 lần trong ngày, liên tục từ 3-5 ngày sẽ thấy triệu chứng bệnh dần được cải thiện.
1.9. Dùng hành tây chữa viêm họng mãn tính đơn giản nhưng hiệu quả
Trong hành tây chứa hoạt chất kháng viêm, kháng khuẩn tự nhiên giúp tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh viêm đường hô hấp. Bên cạnh đó, các dưỡng chất trong hành tây cũng rất tốt cho sức khỏe tổng thể.
Chuẩn bị: 1 củ hành tây, gừng, mật ong
Cách thực hiện:
- Hành tây đem bóc vỏ, rửa sạch và thái thành lát.
- Gừng đem đi rửa sạch, thái sợi
- Trộn mật ong, hành tây xắt nhỏ và gừng nạo với nhau, để qua đêm.
- Mỗi sáng thức dậy ngậm 1 muỗng cafe hỗn hợp trên. Có thể sử dụng nhiều lần trong ngày, mỗi lần cách nhau 1-2 tiếng.
1.10. Giảm đau họng bằng cách ngậm chanh tươi
Chanh tươi có chứa nhiều vitamin C giúp tăng sức đề kháng và làm lành tổn thương tại niêm mạc họng. Bên cạnh đó, lượng axit trong quả chanh cũng có tác dụng tiêu diệt một số loại vi khuẩn gây bệnh.
Cách thực hiện:
- Rửa sạch chanh, thái thành từng lát mỏng, bỏ hạt.
- Mỗi ngày ngậm 3-4 lát chanh với 1 ít muối hạt, có thể nhai và nuốt bã để đạt hiệu quả tốt nhất.
1.11. Quất hấp đường phèn mật ong
Quất chưng đường phèn là mẹo trị viêm họng được lưu truyền rộng rãi trong dân gian. Quả quất (tắc) có vị chua, tác dụng thanh nhiệt, giải cảm, nhuận phế và tiêu đờm. Bên cạnh đó, loại quả này rất giàu vitamin C giúp tăng sức đề kháng, kết hợp với đường phèn có khả năng làm dịu cơn đau họng, giảm ho, tan đờm và khản tiếng do bệnh viêm họng mãn tính gây ra.
Chuẩn bị: 3-5 quả quất tươi, 1 ít đường phèn, có thể thêm 1 thìa mật ong.
Cách thực hiện:
- Rửa sạch quất, cắt đôi để vào chén.
- Đường phèn đem giã nhỏ rồi trộn với quất, đem hấp cách thủy trong 15-20 phút.
- Mỗi ngày sử dụng 3-4 lần để giảm đau họng và ho khan, ho có đờm.
1.12. Cách chữa viêm họng mãn tính dân gian với trà bạc hà
Uống trà bạc hà là cách giảm ho, đau rát họng khá hiệu quả và dễ thực hiện. Bởi tinh dầu menthol trong bạc hà có tác dụng làm dịu niêm mạc họng, tiêu đờm, ngăn ngừa hiện tượng phế quản co thắt quá mức, từ đó giúp thông họng, làm giảm ho, đau rát, mang lại cảm giác thoải mái và thư giãn cho cổ họng.
Cách thực hiện:
- Lấy một nắm lá bạc hà tươi, đem rửa sạch và vò nhẹ.
- Hãm lá bạc hà với 300ml nước sôi trong 10 – 15 phút.
- Uống khi trà còn ấm, có thể thêm 1 ít đường phèn vào để tăng hương vị
1.13. Lê hấp táo đỏ cho người bệnh viêm họng mãn tính
Lê hấp táo tàu bài thuốc trị ho dân gian được áp dụng tại nhiều quốc gia trên thế giới như Trung Quốc, Hàn Quốc,… trong đó có cả Việt Nam. Quả lê có vị ngọt, tính mát, tác dụng tiêu đờm, thanh nhiệt và nhuận phế. Trong khi đó, táo đỏ giúp bồi bổ sức khỏe và nâng cao hệ miễn dịch. Sự kết hợp của lê và táo đỏ giúp hỗ trợ điều trị triệu chứng đau rát cổ họng, làm loãng đờm, giảm ho, cải thiện sức khỏe cho người bệnh.
Chuẩn bị: 1 quả lê to, 3 quả táo đỏ, đường phèn, gừng
Cách thực hiện:
- Rửa sạch lê, cắt phần đầu và nạo bỏ phần ruột lê.
- Gừng cạo vỏ, thái sợi; táo đỏ cắt nhỏ.
- Cho tất cả nguyên liệu vào trong quả lê, thêm 1 ít đường phèn.
- Chưng cách thủy trong 15 – 20 phút với lửa nhỏ.
- Ăn cả nước lẫn cái để tăng hiệu quả. Mỗi ngày ăn 1 quả sẽ giúp cải thiện triệu chứng bệnh viêm họng mãn tính.
2. Một số lưu ý khi chữa viêm họng mãn tính bằng bài thuốc dân gian
Cách chữa viêm họng mãn tính dân gian rất dễ thực hiện và tiết kiệm chi phí. Tuy nhiên để đảm bảo an toàn, người bệnh vẫn cần lưu ý một số điều sau:
- Các mẹo trị viêm họng mãn tính từ dân gian có tác dụng chậm, vì thế nên người bệnh cần kiên trì thực hiện mới thấy được hiệu quả.
- Những phương pháp này chỉ có tác dụng cải thiện các triệu chứng bệnh. Nếu viêm họng mãn tính chuyển biến nặng, bạn nên đi thăm khám và điều trị theo phác đồ của bác sĩ.
- Đối với các đối tượng trẻ sơ sinh, phụ nữ mang thai và cho con bú, những người có bệnh lý nền,… thì cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi áp dụng bất kỳ phương pháp chữa bệnh nào.
- Kết hợp các mẹo dân gian chữa viêm họng với chế độ ăn uống, sinh hoạt điều độ để giúp nâng cao hiệu quả.
- Người bệnh cần tránh xa đồ uống có cồn, khói thuốc lá khi đang điều trị để tránh khiến bệnh trở nặng.
- Che chắn cổ họng, mũi miệng, ngực thật kỹ khi thời tiết thay đổi.
Trên đây là tổng hợp 13 cách chữa viêm họng mãn tính dân gian tại nhà bạn có thể dễ dàng áp dụng.
Bài viết liên quan: Bệnh viêm họng mãn tính có lây không?
Mọi thắc mắc bạn đọc vui lòng liên hệ để được tư vấn và giải đáp miễn phí : 0896509509 – 19001259 hoặc Email : songkhoe@bacsituvan.vn