Bệnh loãng xương: Nguyên nhân, dấu hiệu, chẩn đoán và điều trị

Tham vấn Y khoa:
Bs Vũ Văn Lực

Ngày đăng:
22 Tháng Sáu 2023

Lần cập nhật cuối:
28 Tháng Mười Hai 2023

Số lần xem:
6060

Loãng xương có thể xảy ra ở cả người trẻ và người cao tuổi. Nếu không được phát hiện sớm và khắc phục kịp thời, bệnh có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm. Dưới đây là những hướng dẫn chi tiết giúp bạn sớm nhận biết những triệu chứng loãng xương điển hình và một số cách phòng ngừa bệnh hiệu quả.

Tất tần tật thông tin về bệnh loãng xương mà bạn cần biết
Tất tần tật thông tin về bệnh loãng xương mà bạn cần biết

1. Loãng xương là gì?

Loãng xương còn được gọi là bệnh giòn xương hoặc xốp xương. Đây là hiện tượng xương liên tục mỏng dần, đồng thời, mật độ chất trong xương ngày càng thưa dần, khiến xương trở nên giòn hơn, dễ tổn thương hơn và có thể gãy dễ dàng dù chỉ bị chấn thương nhẹ.

Loãng xương là nguyên nhân phổ biến gây ra gãy xương ở phụ nữ trong giai đoạn sau mãn kinh và người già. Đây là bệnh có tiến triển thầm lặng và chỉ được phát hiện khi xương bị gãy.

2. Dấu hiệu của bệnh loãng xương

Tình trạng mất xương (giảm mật độ xương) do loãng xương thường không có dấu hiệu rõ ràng. Vì thế, đa phần người bệnh thường không biết mình bị mắc bệnh nếu không đi đo mật độ xương. Chỉ tới khi xương trở nên yếu, dễ gãy sau các sang chấn nhỏ như trẹo chân, té ngã, va đập,… thì các triệu chứng bệnh mới biểu hiện rõ ràng như:

Những triệu chứng phổ biến dễ nhận thấy của bệnh loãng xương
Những triệu chứng phổ biến dễ nhận thấy của bệnh loãng xương
  • Đau nhức đầu xương: Đây là triệu chứng dễ nhận thấy nhất khi bị giảm mật độ xương. Người bệnh cảm thấy đau nhức, châm chích tại các đầu xương, đau mỏi dọc các xương dài. Các vị trí đau thường là vùng khớp chịu lực, gánh trọng lượng cơ thể như cột sống, khớp gối, xương hông, thắt lưng, xương chậu… Mức độ đau tăng lên khi vận động, đứng hoặc ngồi lâu và giảm lúc nằm nghỉ ngơi.
  • Giảm mật độ xương: Theo thời gian, các khoáng chất trong xương sẽ bị mất dần khiến xương trở nên xốp, giòn và có thể bị xẹp, gãy lún. Người bệnh sẽ phải gánh chịu các cơn đau lưng cấp, giảm chiều cao, gù lưng, dáng đi lom khom,…
  • Đau tại vùng xương chịu trọng lực của cơ thể, các xương này gồm: xương cột sống, thắt lưng, xương chậu, xương hông, đầu gối. Các cơn đau tái phát nhiều lần sau chấn thương. Người bệnh thường bị đau âm ỉ kéo dài. Cơn đau tăng dần khi vận động, di chuyển, đứng ngồi lâu; thuyên giảm khi nghỉ ngơi.
  • Đau cột sống, đau như thắt ngang cột sống: Trong một số trường hợp, người bị loãng xương thấy đau cột sống. Cơn đau có thể lan sang một hoặc hai bên mạn sườn do kích thích rễ thần kinh liên sườn. Hoặc người bệnh có thể bị đau dọc theo dây thần kinh tọa, đau tăng lên khi ho, hắt hơi, cười to… Một số người bị đau cột sống có kèm theo co cứng cơ dọc cột sống, dẫn tới tình trạng bị đau, giật cơ khi thay đổi tư thế. Tình trạng này sẽ giảm đi và người bệnh thấy dễ chịu hơn khi nằm nghỉ trên đệm cứng.
  • Cột sống biến dạng: Cột sống của người bệnh sẽ bị mất đường cong sinh lý, gây gù, vẹo, còng lưng và chiều cao của cơ thể giảm đi vài centimet so với lúc trẻ. Nguyên nhân là do loãng xương khiến các đốt sống bị lún, xẹp…
  • Gãy xương: Loãng xương khiến các xương ở cổ tay, hông, cổ xương đùi bị giảm mật độ xương và dễ gãy.

3. Nguyên nhân gây loãng xương

Có những nguyên nhân nào gây bệnh loãng xương?
Có những nguyên nhân nào gây bệnh loãng xương?

Một số nguyên nhân gây loãng xương có thể kể đến như:

  • Thiếu hụt canxi trong cơ thể: Như chúng ta đã biết, canxi đóng vai trò thiết yếu đối với sự phát triển của xương. Nếu hàm lượng canxi trong cơ thể không được cung cấp đầy đủ thì sẽ ảnh hưởng đến việc hình thành độ cứng và chắc khỏe của xương. Việc thiếu hụt canxi kéo dài sẽ làm cho kết cấu xương thay đổi, xương bị thưa và xốp, lâu ngày sẽ dẫn tới loãng xương.
  • Không cung cấp đủ lượng vitamin D cần thiết cho cơ thể: Vitamin D có vai trò quan trọng trong quá trình hình thành xương với vai trò chính là chuyển hóa canxi và photpho trong cơ thể, giúp xương hấp thu canxi một cách dễ dàng hơn. Vì vậy, nếu cơ thể không có đủ lượng vitamin D cần thiết thì sẽ ảnh hưởng đến quá trình tạo xương, khiến cho xương dễ bị loãng hơn.
  • Suy giảm nồng độ estrogen ở nữ giới: Estrogen có vai trò rất quan trọng trong việc phòng ngừa loãng xương. Bởi vậy, sự suy giảm estrogen trong thời kỳ mãn kinh ở phụ nữ sẽ ảnh hưởng đến việc bảo vệ xương, dẫn tới tình trạng loãng xương ở nữ giới.
  • Lười vận động: Vận động thường xuyên, tham gia các bộ môn thể dục thể thao, tập luyện đúng phương pháp sẽ thúc đẩy các dưỡng chất thiết yếu được đưa vào cơ thể như canxi, vitamin D… giúp hệ xương khớp dẻo dai và khỏe khoắn. Đối với những trường hợp ít vận động thì sẽ khiến xương và cơ bắp trở nên yếu đi, tạo điều kiện cho quá trình loãng xương đến sớm hơn.
  • Di truyền: Các nghiên cứu khoa học cho thấy cấu trúc của xương cũng chịu ảnh hưởng lớn từ di truyền. Do đó, bố mẹ bị loãng xương hoặc có tiền sử mắc bệnh về xương khớp thì con cũng có nguy cơ bị loãng xương cao.

Ngoài ra, những người mắc bệnh mãn tính (rối loạn tuyến giáp, suy thận, đái tháo đường…), người thường xuyên sử dụng thuốc trị bệnh như thuốc corticoid, thuốc lợi tiểu… cũng dễ bị loãng xương.

4. Phân loại loãng xương

Bệnh loãng xương được chia thành những loại nào?
Bệnh loãng xương được chia thành những loại nào?

Theo các chuyên gia y tế, loãng xương được chia thành hai loại: loãng xương nguyên phátloãng xương thứ phát.

4.1. Loãng xương nguyên phát

Loãng xương nguyên phát là tình trạng thiểu sản xương bệnh lý do sự lão hóa của các tạo cốt bào và thiếu hụt estrogen gây nên. Bệnh thường gặp ở người cao tuổi và phụ nữ sau mãn kinh. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể để lại hậu quả nặng nề như biến dạng cột sống, gãy xương, thậm chí gây tàn phế suốt đời.

Loãng xương nguyên phát được chia thành 2 thể là:

  • Loãng xương type 1 (hay loãng xương sau mãn kinh): thường gặp ở phụ nữ trong độ tuổi 50-60, khi đã mãn kinh.
  • Loãng xương type 2 (hay loãng xương ở người già): có thể gặp ở cả nam giới và phụ nữ trên 70 tuổi. Bệnh có liên quan đến vấn đề mất cân bằng giữa tạo và hủy xương.

4.2. Loãng xương thứ phát

Nếu loãng xương nguyên phát thường gặp ở người trung niên và cao tuổi thì loãng xương thứ phát có thể gặp ở cả những người trẻ tuổi. Đối tượng dễ bị loãng xương thứ phát bao gồm: người mắc một số bệnh lý và phải nằm bất động trong thời gian dài, phụ nữ sau mãn kinh mắc các bệnh nội tiết (cường giáp, suy tuyến sinh dục, cường vỏ thượng thận…). Ngoài ra, việc thường xuyên dùng các loại thuốc chứa corticoid, heparin… cũng khiến nguy cơ bị loãng xương tăng lên.

Khi bị loãng xương thứ phát, người bệnh có các biểu hiện: đau lưng, đau thắt lưng và lan dọc theo dây thần kinh liên sườn. Thậm chí, người bệnh có thể bị gãy xương ở các vị trí thường gặp như đầu trên xương cánh tay, đầu dưới xương cẳng tay, xương sườn, xương chậu, xương cụt, đầu trên xương đùi…

5. Xác định mật độ xương

Chỉ số đo mật độ xương để xác định loãng xương
Chỉ số đo mật độ xương để xác định loãng xương

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đưa ra tiêu chuẩn xác định loãng xương thông qua kết quả đo mật độ xương (BMD). Đầu tiên, kết quả BMD của bạn sẽ được so sánh với kết quả BMD của người 25 – 35 tuổi khỏe mạnh cùng giới tính, dân tộc với bạn. Độ lệch chuẩn (SD) là sự khác biệt giữa BMD của bạn với người 25 – 35 tuổi khỏe mạnh, gọi là điểm T.

  • Điểm T trong khoảng 1 SD (+1 hay -1): Mật độ xương bình thường.
  • Điểm T khoảng 1 – 2,5 SD dưới trung bình (-1 tới 2,5 SD): Thiếu xương.
  • Điểm T khoảng 2,5 SD trở lên dưới mức trung bình (nhiều hơn -2,5 SD): Loãng xương.

Ngoài chỉ số T, BMD của bạn còn được so sánh với BMD của người khỏe mạnh cùng độ tuổi (điểm Z). Điểm Z thể hiện mật độ xương của bạn thấp hay cao hơn so với người khỏe mạnh cùng độ tuổi, giới tính, chiều cao, cân nặng và chủng tộc. Điểm Z được đánh giá như sau:

  • Điểm Z trên -2.0: Bình thường
  • Điểm Z = +0.5, -0.5 hoặc -1.5: Phổ biến với phụ nữ tiền mãn kinh
  • Điểm Z ≤ -2.0: Mật độ xương thấp hơn tiêu chuẩn của nhóm tuổi

Xem thêm:

6. Các biện pháp chẩn đoán bệnh loãng xương

Các biện pháp chẩn đoán bệnh loãng xương
Các biện pháp chẩn đoán bệnh loãng xương

Bệnh loãng xương được chẩn đoán bằng cách đo mật độ xương và thực hiện các xét nghiệm liên quan:

  • Đo loãng xương: Đo loãng xương hoặc đo mật độ xương (BMD) là kỹ thuật dùng tia X năng lượng kép (DXA hoặc DEXA) hoặc chụp CT để xác định hàm lượng canxi, các khoáng chất có trong xương. Các khu vực thường được thực hiện đo mật độ xương là cột sống, hông hay xương cẳng tay. Mục đích thực hiện của phương pháp chẩn đoán này là phát hiện các vấn đề về loãng xương (xương mỏng, yếu), mất xương (giảm khối lượng xương).
  • Xét nghiệm máu và nước tiểu: Ngoài đo loãng xương, bác sĩ cũng có thể đề xuất người bệnh thực hiện xét nghiệm máu và nước tiểu. Các xét nghiệm này sẽ giúp kiểm tra lượng nội tiết tố và tìm kiếm những nguy cơ làm tăng sự mất xương như tình trạng thiếu hụt các loại vitamin hay khoáng chất trong cơ thể.

7. Loãng xương có nguy hiểm không?

Khi người bệnh không được điều trị kịp thời hay điều trị không đúng cách, những biến chứng của loãng xương có thể xuất hiện như:

  • Gây đau xương: Người bệnh cảm thấy đau mỏi phía đầu xương, nhất là ở các xương dài (cánh tay, cẳng tay, xương đùi, cẳng chân…). Những cơn đau thường xuất hiện về ban đêm.
  • Đau cột sống: Đau thắt lưng hoặc lan sang hai vùng liên sườn, có thể kèm theo co, giật cơ. Người bệnh sẽ cảm thấy dễ chịu hơn khi nằm nghỉ ngơi, thả lỏng các chi.
  • Lún xẹp đốt sống: Nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, loãng xương có thể gây mất vững cột sống, gù vẹo và giảm chiều cao của người bệnh. Ngoài ra, biến chứng này có thể khiến các rễ dây thần kinh bị chèn ép, gây đau nhức kéo dài. Số lượng đốt sống bị tổn thương nhiều có thể khiến tình trạng thoái hóa cột sống diễn tiến nhanh hơn.
  • Tăng nguy cơ mắc các bệnh xương khớp thường gặp: thoái hóa khớp, thoái hóa cột sống, gai cột sống, viêm khớp…
  • Gãy xương: Khi mật độ xương bị suy giảm quá mức, khiến xương yếu, giòn, dễ gãy dù chỉ gặp va chạm nhẹ. Xương cột sống, xương đùi, xương cẳng tay, cánh tay, xương cẳng chân là các xương chịu lực tác động nhiều nhất cơ thể. Đây cũng là nguyên nhân gây tàn phế và giảm tuổi thọ hiện nay.
  • Suy giảm khả năng vận động: Người bị loãng xương có thể bị tàn phế vĩnh viễn. Tình trạng này làm giảm chất lượng cuộc sống, đặc biệt là ở người lớn tuổi. Người bệnh thường phải nằm bất động một chỗ trong thời gian dài. Điều này có thể dẫn tới những biến chứng khác như viêm phổi, hoại tử, tắc mạch chi…

8. Các biện pháp điều trị bệnh loãng xương

Đâu là cách điều trị hiệu quả nhất cho người bệnh loãng xương?
Đâu là cách điều trị hiệu quả nhất cho người bệnh loãng xương?

Các biện pháp điều trị loãng xương hiện nay bao gồm cả biện pháp dùng thuốc và không dùng thuốc:

8.1. Phương pháp không sử dụng thuốc

  • Chế độ ăn uống: Người bệnh nên bổ sung các loại thực phẩm giàu canxi theo nhu cầu của cơ thể và tránh uống rượu bia, hút thuốc lá. Ngoài ra, bạn cũng nên kiểm soát tốt cân nặng, tránh tình trạng thừa cân hoặc thiếu cân.
  • Chế độ sinh hoạt: Bạn nên vận động cơ thể thường xuyên để tăng sự dẻo dai cho cơ bắp. Ngoài ra, người bệnh cần cẩn trọng trong sinh hoạt để phòng tránh té ngã.

Xem thêm: Người bệnh loãng xương cần ăn gì và kiêng gì để tốt cho cơ thể?

8.2. Phương pháp dùng thuốc

Thuốc điều trị bệnh loãng xương được chia thành hai nhóm là thuốc giúp tạo xương và thuốc hủy xương. Do tính chất phức tạp, người bị bệnh loãng xương phải uống thuốc theo sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Một vài loại thuốc điều trị loãng xương như:

  • Nhóm Biphosphonat: Đây được coi là nhóm thuốc có hiệu quả nhất trong điều trị loãng xương. Khi dùng thuốc luôn kết hợp với canxi và vitamin D tăng khả năng tạo xương.
  • Nhóm Calcitonin: Đây là thuốc chống loãng xương duy nhất có tác dụng giảm đau. Thuốc được chỉ định dùng trong trường hợp loãng xương nhẹ, mới gãy xương và có tác dụng ngừa loãng xương.
  • Vitamin D và các chất chuyển hóa vitamin có tác dụng giúp quá trình chuyển hóa canxi diễn ra nhanh hơn, tăng khả năng tái tạo, hồi phục xương.
Lựa chọn cách điều trị loãng xương phù hợp tùy theo tình trạng
Lựa chọn cách điều trị loãng xương phù hợp tùy theo tình trạng

8.3. Điều trị các biến chứng

Những biến chứng do loãng xương có thể gây đau hoặc gãy xương tùy theo cấp độ bệnh. Để điều trị các biến chứng cần dùng nhiều phương pháp khác nhau.

  • Điều trị đau: Điều trị dựa vào bậc thang giảm đau của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) kết hợp Calcitonin.
  • Điều trị gãy xương: Bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân đeo nẹp chỉnh hình, bơm xi măng vào thân đốt sống, thay đốt sống nhân tạo. Một số trường hợp bác sĩ có thể cân nhắc phẫu thuật thay xương hoặc thay khớp nếu có chỉ định.

8.4. Điều trị lâu dài

Ngoài những phương pháp trên, để nâng cao hiệu quả điều trị, người bệnh sẽ cần thực hiện việc điều trị lâu dài như:

  • Theo dõi, tuân thủ tốt các chỉ định của bác sĩ trong suốt quá trình điều trị.
  • Kiểm tra lại mật độ xương định kỳ để đánh giá kết quả điều trị.
  • Người bệnh loãng xương nên được điều trị lâu dài trong khoảng 3 – 5 năm. Sau đó, bác sĩ sẽ cần đánh giá lại tình trạng bệnh để đưa ra hướng điều trị tiếp theo.

9. Cách phòng tránh loãng xương

Các biện pháp đơn giản giúp phòng ngừa hiện tượng loãng xương
Các biện pháp đơn giản giúp phòng ngừa hiện tượng loãng xương

Loãng xương để lại nhiều hậu quả nặng nề cho người bệnh như gãy xương, lún đốt sống, biến dạng xương… Tuy nhiên, căn bệnh này có thể phòng tránh bằng cách thay đổi thói quen sinh hoạt và ăn uống hằng ngày. Việc phòng ngừa loãng xương cần phải được thực hiện thường xuyên và lâu dài mới mang lại hiệu quả cao. Dưới đây là một số lưu ý dành cho bạn như:

  • Chế độ ăn uống đảm bảo canxi và vitamin D giúp xương phát triển khỏe mạnh. Lượng canxi cần cho người trưởng thành là 1.2g/ngày. Các loại thực phẩm giàu canxi như: trứng, sữa, tôm, cua, cá, đậu nành…
  • Bổ sung thực phẩm giàu vitamin K như: cải xoăn, súp lơ xanh, cần tây, đậu bắp… đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành xương.
  • Nên ăn các loại thực phẩm chứa nhiều estrogen tự nhiên như: đậu nành, lạc, vừng… giúp làm giảm sự tiêu hủy xương, tăng khoáng chất giúp xương chắc khỏe.
  • Hạn chế các loại nước ngọt có ga, các loại thịt nguội, thịt xông khói vì chúng khiến canxi bị bài tiết ra ngoài.
  • Tránh xa các loại đồ uống có cồn (rượu, bia…), chất kích thích (cà phê, thuốc lá…).
  • Kiểm soát cân nặng hợp lý.
  • Tắm nắng vào buổi sáng (trước 9h sáng) là cách bổ sung vitamin D an toàn và ngăn ngừa loãng xương hiệu quả.
  • Đặc biệt, phụ nữ khi bước vào tuổi trung niên nên uống bổ sung thêm canxi vì đây là giai đoạn xương bị hủy nhiều nhất.
  • Tập thể dục hằng ngày không chỉ giúp xương chắc khỏe mà còn tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Một số môn thể dục, thể thao tốt cho sức khỏe hệ xương khớp bao gồm: đi bộ, bơi lội, yoga…
  • Tránh vận động mạnh, làm việc sai tư thế trong sinh hoạt hằng ngày.

Trên đây là những thông tin cần thiết về bệnh loãng xương. Đây là căn bệnh diễn ra trong âm thầm và các triệu chứng chỉ xuất hiện khi bệnh đã tiến triển một thời gian. Do đó, bạn hãy lưu ý thực hiện chế độ sinh hoạt khoa học để phòng ngừa nguy cơ loãng xương.

 

Mọi thắc mắc bạn đọc vui lòng liên hệ để được tư vấn và giải đáp miễn phí : 089650950919001259 hoặc Email : songkhoe@bacsituvan.vn

    Đăng ký nhận tư vấn miễn phí - Toàn bộ thông tin Vinh Gia cam kết giữ kín.