Phân biệt bệnh Alzheimer với mất trí nhớ lành tính

Đăng bởi:

Ngày đăng:
5 Tháng Một 2012

Lần cập nhật cuối:
25 Tháng Mười 2021

Số lần xem:
2469

Giảm trí nhớ là một biểu hiện của bệnh Alzheimer, tuy nhiên không phải tất cả các trường hợp giảm trí nhớ đều là bệnh này. Người cao tuổi thường hay quên, còn được gọi là tình trạng quên lành tính, có nhiều điểm khác với giảm trí nhớ trong bệnh Alzheimer.

Quên lành tính

– Quên những chi tiết không quan trọng, ví dụ như tên của những người không quan hệ.
– Không kèm theo với những rối loạn nhận thức khác.
– Thường sau đó có thể nhớ lại được đầy đủ chi tiết. Quên từng lúc, thường hay quên hơn khi bị stress hoặc bị thúc giục.
– Có thể nhớ bất cứ thứ gì nếu họ chú ý và học.
– Dễ dàng giải quyết sự giảm trí nhớ này bằng các biện pháp nhắc nhở đơn giản (như viết một danh sách, gợi ý…).
– Giảm trí nhớ làm cho bệnh nhân bực bội và cáu gắt, nhưng không bao giờ ảnh hưởng đáng kể đến các hoạt động nghề nghiệp và xã hội.

Giảm trí nhớ trong bệnh Alzheimer

– Quên những chi tiết quan trọng, ví dụ như tên của các cháu.
– Luôn phối hợp với giảm khả năng suy luận và tính toán.
– Không thể nhớ lại, cố thúc giục, cố gắng cũng vô ích. Giảm trí nhớ tất cả các sự kiện, đặc biệt là những thông tin mới học.
– Khả năng học các thông tin mới bị suy giảm trầm trọng, cho dù họ có tập trung đến mấy. Trí nhớ tức thì vẫn bình thường nhưng bệnh nhân không thể nhớ lại sau vài giờ, vài ngày.
– Bệnh nhân Alzheimer không những không nhớ cả danh sách, mà họ còn không nhớ là họ đã làm danh sách đó.
– Ảnh hưởng đáng kể đến các hoạt động nghề nghiệp và xã hội.

Bệnh Alzheimer đã được tìm ra như thế nào?

Vào một buổi chiều năm 1901, người ta mang một bệnh nhân nữ tên là Auguste D. đến phòng khám của BS. Alois Alzheimer – một nhà thần kinh học người Đức. Khi đó ông mới 37 tuổi nhưng đã là một nhà thần kinh học tên tuổi ở Munich. Bệnh nhân này có các rối loạn về trí nhớ và hành vi như thường thấy ở những người rất già, cũng mất trí nhớ, rối loạn về ngôn ngữ, mất khả năng suy luận tính toán… nhưng vấn đề là ở chỗ bệnh nhân không già, mới có 51 tuổi.

Alzheimer đã theo dõi và điều trị cho bệnh nhân suốt 4 năm đến khi bệnh nhân qua đời. Khi mổ tử thi, ông rất ngạc nhiên thấy bộ não của bệnh nhân hình như co nhỏ lại, các rãnh não rộng ra. Khi soi kính hiển vi ông hết sức kinh ngạc thấy tổ chức não bình thường dày đặc các tế bào thần kinh thì bây giờ các tế bào biến đâu mất, rất thưa thớt, chỉ còn để lại những dấu vết mà ông gọi là mảng già. Những tế bào thần kinh còn lại cũng không hoàn toàn bình thường, bên trong có những sợi nhỏ xoắn xuýt với nhau thành từng bó, dường như làm nghẹt cả tế bào, mà ông gọi là bó tơ thần kinh. Các tổn thương này chủ yếu là ở vỏ não, thùy thái dương, đặc biệt là hồi hải mã.

Hơn một thế kỷ đã trôi qua, nhưng những phát hiện của Alzheimer vẫn giữ nguyên giá trị và căn bệnh mà ông phát hiện ra sau này mang tên ông – bệnh Alzheimer.

Có nhiều yếu tố tham gia gây bệnh Alzheimer mà chúng ta chưa hiểu biết một cách đầy đủ, trong đó di truyền là một yếu tố quan trọng. Các gen gây bệnh được phát hiện trong một số ít các trường hợp Alzheimer có tính chất gia đình, thường khởi phát ở độ tuổi 40, 50.

Theo PGS Phạm Thắng

 

Mọi thắc mắc bạn đọc vui lòng liên hệ để được tư vấn và giải đáp miễn phí : 089650950919001259 hoặc Email : songkhoe@bacsituvan.vn

    Đăng ký nhận tư vấn miễn phí - Toàn bộ thông tin Vinh Gia cam kết giữ kín.