Bí quyết thành công trong kinh doanh thực phẩm chức năng

Đăng bởi:

Ngày đăng:
10 Tháng Mười Hai 2014

Lần cập nhật cuối:
1 Tháng Mười 2021

Số lần xem:
23156

Để thành công trong kinh doanh thực phẩm chức năng cần tạo ra được sự khác biệt về chất lượng và hiệu quả đối với sản phẩm của các doanh nghiệp khác, với tâm thế luôn đi trước và luôn dẫn đầu. Đó là bí quyết dẫn đến thành công của DS Lê Phương, Giám đốc Công ty Cổ phần Dược phẩm Vinh Gia.

kinh-doanh-tpcn-phai-tao-su-khac-biet1

 

Ds Lê Thị Phương – Giám đốc Công ty CP Dược Phẩm Vinh Gia.

Phòng bệnh hơn chữa bệnh

PV: Chị có thể cho biết thực đơn thường ngày của chị?

LP: Nói chuyện ăn uống à? (cười) không có gì đặc biệt so với mọi người đâu, chỉ là chú ý cho đủ và cân đối dinh dưỡng thôi.

PV: Vậy chị có sử dụng thực phẩm chức năng hàng ngày không?

LP: Ô, điều này thì có. Để khỏe mạnh, tự tin hay phòng ngừa bệnh tật đều phải sử dụng thực phẩm chức năng. Tôi sử dụng thực phẩm chức năng hàng ngày để giúp con lớn khôn hơn, chăm sóc sức khỏe, duy trì nhan sắc, phòng ngừa bệnh tật, đặc biệt là các bệnh mãn tính cho mình và mọi người trong gia đình. Theo tôi, vẻ đẹp bên ngoài không phải điều quan trọng nhất phải đầu tư, mà điều quan trọng nhất chính là sức khỏe và vẻ đẹp bên trong. Điều này sẽ giúp người phụ nữ có sắc đẹp bền vững hơn, có thể là luôn đẹp bất kể ở tuổi nào.

PV: Có phải từ khi kinh doanh TPCN chị mới có “ý thức” sử dụng chúng?

LP: Tôi dùng thực phẩm chức năng cách đây khoảng 10 năm, trước thời điểm tôi thành lập công ty. Tôi kinh doanh dược phẩm từ năm 2001, vì tôi là một dược sĩ nên thời điểm đó tôi đã biết tìm hiểu về các sản phẩm TPCN và dùng nó để chăm sóc và gìn giữ sức khỏe của mình.

PV: Chị có thể cho biết chị đã và đang sử dụng sản phẩm TPCN nào?

LP: Tôi sử dụng hàng ngày Collagen, Sữa ong chúa, Linh chi, Canxi kết hợp MK7, và đặc biệt là sản phẩm chứa Estrogen thảo dược phối hợp các chất chống oxy hóa. Những sản phẩm này chăm sóc từ bên trong, giúp tôi trẻ đẹp hơn, khỏe mạnh hơn và luôn tự tin trước ông xã và trong giao tiếp xã hội.

PV: Các sản phẩm TPCN chị sử dụng của nước ngoài hay trong nước sản xuất?

LP: Ngày trước tôi sử dụng hầu hết là các sản phẩm của nước ngoài vì khi đó Việt Nam hầu như chưa sản xuất TPCN. Nhưng hiện nay tôi có sử dụng thêm khá nhiều các sản phẩm sản xuất trong nước, vì cũng có nhiều sản phẩm của Việt Nam chất lượng rất tốt.

PV: Chị chuyển từ kinh doanh dược sang TPCN, phải chăng đây là một xu thế?

LP: Chắc chắn rồi. Tôi thấy người dân Việt Nam nói chung nhận thức về việc chăm sóc sức khỏe, phòng ngừa bệnh tật còn hạn chế, nhất là những người dân ở vùng thôn quê, chỉ những khi bị bệnh mới đi chữa. Khi đó việc điều trị chỉ là giải pháp tình thế, đặc biệt là các bệnh mãn tính như ung thư, loãng xương, bệnh lý tim mạch,… Mà việc dùng thuốc để chữa bệnh lại là con dao 2 lưỡi đối với sức khỏe. Chính vì vậy, việc phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe chủ động vẫn là quan trọng nhất. Khi không có bệnh tật chúng ta sẽ có được rất nhiều thứ, vừa khỏe mạnh vừa không mất tiền. Và TPCN sẽ làm được điều đó.

Tạo ra sản phẩm “luôn đi đầu”

PV: Như vậy dòng sản phẩm mà chị hướng tới là chăm sóc sức khỏe?

LP: Xét về khía cạnh dùng cho bản thân, tôi sẽ lựa chọn các sản phẩm chăm sóc sức khỏe phù hợp với nhu cầu của mình và người thân. Nhưng xét về khía cạnh kinh doanh tôi lại lựa chọn dựa theo nhu cầu thị trường, phù hợp với khả năng cung ứng của doanh nghiệp. Tiêu chí để có được sản phẩm khác biệt về chất lượng và hiệu quả, đó là:

– Xây dựng công thức hoàn hảo: Chúng tôi hợp tác với các chuyên gia y tế hàng đầu Việt Nam để đầu tư nghiên cứu và xây dựng công thức cho sản phẩm với nguồn nguyên liệu độc đáo, gần gũi với thiên nhiên, được đánh giá hiệu quả trước khi lưu hành trên thị trường.

– Sản phẩm phải được sản xuất tại những nhà máy đạt tiêu chuẩn GMP trong sản xuất thuốc và TPCN. Khi tìm được sản phẩm đạt chất lượng tốt và hiệu quả tốt, chúng tôi mới đưa sản phẩm ra thị trường.

– Một sản phẩm muốn bán tốt thì yếu tố chất lượng phải là hàng đầu, tiếp đến mới là các chiến lược truyền thông tốt cho sản phẩm. Theo tôi, chất lượng tốt là cần, nhưng người tiêu dùng cần phải hiểu đúng – dùng đúng thì mới đạt hiệu quả cao và đạt mục đích được. Đó cũng là mục tiêu truyền thông của DP Vinh Gia.

PV: Đến bây giờ chị phân phối độc quyền được bao nhiêu sản phẩm?

LP: DP Vinh Gia đang kinh doanh 8 sản phẩm

PV: Chắc chị biết người tiêu dùng thường ngại với các sản phẩm phân phối độc quyền vì giá cao

LP: Chúng tôi là nhà tiếp thị và phân phối, chúng tôi độc quyền về thương hiệu của nhãn hàng, không phải độc quyền về “nhóm hàng có cùng tác dụng”. Người tiêu dùng có quyền chọn lựa sản phẩm nào phù hợp với khả năng tài chính, có niềm tin về hiệu quả và độ an toàn mà vẫn đáp ứng được mục đích sử dụng. Đây là xu thế của xã hội.

PV: Nhưng nếu nhà sản xuất để nhiều nhà phân phối cùng phân phối 1 sản phẩm thì người tiêu dùng sẽ được lợi hơn?

LP: Điều này chưa chắc đã là đúng. Bởi, nếu nhà sản xuất để nhiều nhà phân phối cùng phân phối 1 sản phẩm thì các nhà phân phối sẽ tranh nhau thị phần và không tập trung cho việc truyền thông. Như vậy người tiêu dùng sẽ không có cơ hội để đánh thức nhu cầu, để hiểu về các sản phẩm mà mình sử dụng.

PV: Vậy với tư cách là người làm thương hiệu cho sản phẩm, chị có thích mô hình làm “độc quyền” này không?

LP: Ở đây không gọi là thích, mà đây là điều kiện cần và đủ để một sản phẩm đưa ra thị trường. Công tác truyền thông cho sản phẩm là rất quan trọng, nếu muốn kinh doanh được. Có những thời điểm, đặc biệt là giai đoạn đầu khi đưa sản phẩm ra thị trường, doanh nghiệp thường phải chấp nhận lỗ để làm thương hiệu, nhưng người ngoài cuộc không thể hiểu được điều này. Ai làm doanh nghiệp như chúng tôi cũng hiểu rõ về vấn đề này.

PV: Có bao giờ công ty chị đặt hàng nhà sản xuất không?

LP: Chúng tôi vẫn luôn đặt hàng nhà sản xuất tại những nhà máy đạt chuẩn như IMC – Hồng Bàng, DP Sao Kim,… Ví dụ như sản phẩm Vipteen giúp phát triển chiều cao cho trẻ. Ý tưởng này của chúng tôi được nhen nhóm từ năm 2010 và thương hiệu “Vipteen” đã được bảo hộ “Sở hữu trí tuệ” từ năm 2010. Nhưng để sản phẩm có mặt trên thị trường thì phải đến cuối năm 2013. Đối với trẻ tại thời điểm dậy thì rất cần được chăm sóc để phát triển toàn diện, và đây cũng là cơ hội tăng chiều cao cuối cùng, nhưng nhiều cha mẹ lại không để ý đến điều đó. Trên thị trường lại có rất ít sản phẩm dành cho trẻ tuổi dậy thì. Thấy đây là một lỗ hổng trong việc chăm sóc sức khỏe trẻ em, chúng tôi đã thực hiện ý tưởng nghiên cứu sản xuất sản phẩm này.

PV: Phải chăng đây là “tố chất” của một nhà làm thương hiệu?

LP: Chính xác! Vì điều này mới tạo ra được sự khác biệt cho sản phẩm của mình so với của doanh nghiệp khác. Tạo ra lợi thế luôn dẫn đầu, luôn đi trước.

Thương hiệu sản phẩm là “tài sản” của DP Vinh Gia, chúng tôi phải có trách nhiệm với chất lượng của chúng và chúng tôi có quyền lựa chọn, thay đổi nhà sản xuất. Nhà sản xuất cần đáp ứng được yêu cầu chất lượng, điều kiện kỹ thuật. Sản phẩm là của chúng tôi, chúng tôi đặt gia công tại những nhà máy có đủ tiêu chuẩn về kỹ thuật, an toàn thực phẩm để sản phẩm đạt chất lượng tốt nhất.

PV: Nếu như vậy việc kiểm soát nguồn nguyên liệu sẽ thế nào?

LP: Nguồn nguyên liệu sẽ được nhập qua nhà máy sản xuất, nhưng có sự can thiệp, giám sát chất lượng của DP Vinh Gia. Bởi nguyên liệu ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm của chúng tôi. Ví dụ, nguyên liệu MK7 trong viên uống Vipteen được nhập khẩu trực tiếp từ Nhật Bản, trong khi nguyên liệu của Trung Quốc rẻ hơn nhưng chúng tôi không sử dụng. Một vấn đề nữa là hàm lượng các thành phần có tác dụng trong sản phẩm cần phải đủ. Chính vì vậy bạn có thể thấy trên thị trường có nhiều sản phẩm có thành phần gần giống nhau, nhiều sản phẩm được làm nhái, giá có thể rẻ hơn nhưng không có chất lượng tốt được.

Rất cần phải thử nghiệm lâm sàng

PV: Khi chuẩn bị cho ra đời một sản phẩm chị quan tâm nhất là vấn đề gì?

LP: Đầu tiên phải là nhu cầu của thị trường, tiếp đó là chất lượng sản phẩm. Trước khi đưa một sản phẩm ra thị trường phải quan tâm đến chất lượng, hiệu quả, an toàn thì sản phẩm mới sống được. Nếu sản phẩm không an toàn, không hiệu quả thì người tiêu dùng sẽ loại bỏ mình.

PV: Cho đến nay cơ quan quản lý mới kiểm soát được phần lớn độ an toàn của sản phẩm, còn chất lượng hầu như không kiểm soát được? Là một nhà sản xuất, chị nghĩ gì về vấn đề này?

LP: Hiện các cơ quan chức năng yêu cầu các đơn vị tự chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm vì luật quy định như vậy, vì đây không phải là thuốc và quyền lựa chọn thuộc về người tiêu dùng. Những sản phẩm có thương hiệu tốt thì điều kiện tiên quyết là “Chất lượng phải luôn luôn tốt”. Người tiêu dùng thấy tin tưởng, sử dụng hiệu quả thì họ sẽ tiếp tục lựa chọn sử dụng, còn ngược lại, họ sẽ tự động loại bỏ.

PV: Nhưng thưa chị, với người tiêu dùng họ không thể biết được sản phẩm nào là tốt để sử dụng. Nếu dùng được 6 tháng mới phát hiện sản phẩm không hiệu quả thì họ đã phải mất 1 khoản tiền khá lớn? Và nếu thử sử dụng vài sản phẩm thì số tiền họ phải bỏ ra là bao nhiêu?

LP: Vậy nên mới đòi hỏi doanh nghiệp phải đưa thông tin đúng về công dụng và chất lượng sản phẩm, cũng như phải truyền thông để họ hiểu rõ nên sử dụng như thế nào để có hiệu quả tốt nhất. Người tiêu dùng tìm kiếm những thông tin này không khó, bởi các doanh nghiệp đều đưa ra rất nhiều thông tin về sản phẩm của mình và quan trọng người tiêu dùng phải lựa chọn những sản phẩm đã có thương hiệu, nguồn thông tin phải chính thống, đáng tin cậy.

PV: Tôi cho rằng người tiêu dùng sẽ đỡ mất tiền oan nếu các sản phẩm TPCN thử nghiệm lâm sàng. Quan điểm của chị về vấn đề này?

LP: Nên thử nghiệm lâm sàng cho các sản phẩm TPCN. Đây là những đánh giá chính xác và được cơ quan chức năng công nhận, doanh nghiệp nào làm được thử nghiệm lâm sàng và có những kết quả thử nghiệm lâm sàng được công bố là những thông tin cực đắt và uy tín.

PV: Vậy có cần kê đơn TPCN không?

LP: Tôi thấy kê đơn để bệnh nhân hiểu nhầm là thuốc là không nên. Nhưng việc bác sỹ hướng dẫn để bệnh nhân sử dụng thực phẩm chức năng cho đúng, cho hiệu quả lại là điều cần thiết. Bởi, đến chế độ ăn uống bác sỹ còn cần phải hướng dẫn nữa là sử dụng TPCN để hỗ trợ điều trị bệnh. Vì vậy, ý kiến của tôi là vẫn nên để bác sỹ kê đơn hướng dẫn bệnh nhân sử dụng TPCN và bác sỹ cũng phải ghi rõ đây là TPCN không phải là thuốc.

Có thể ghi dưới đơn thuốc nên dùng thêm TPCN để hỗ trợ điều trị bệnh. Việc hướng dẫn sẽ giúp người dân hiểu đúng và dùng đúng sản phẩm.

PV: Chị đánh giá thế nào về chất lượng của sản phẩm trong nước và sản phẩm nhập khẩu?

LP: Cái này là rất khó, bởi nó còn căn cứ vào nguồn nhập ở đâu và nguồn sản xuất trong nước là ở đâu. Quan điểm của tôi đứng từ góc độ làm kinh doanh, tôi nghĩ mình phải khẳng định thương hiệu, chất lượng và uy tín của mình, chứ không phải nguồn từ đâu. Có nhiều sản phẩm được sản xuất từ Mỹ nhưng chất lượng cũng chỉ như sản phẩm được sản xuất tại Việt Nam. Chất lượng sản phẩm không thể căn cứ vào sản phẩm từ quốc gia nào mà phải căn cứ vào tiêu chuẩn chất lượng như thế nào, nhà máy sản xuất nào, cơ sở kỹ thuật, áp dụng đúng qui định an toàn thực phẩm, công thức bào chế,…

PV: Chị có cho rằng các công ty kinh doanh TPCN tại Việt Nam có sự cạnh tranh không lành mạnh?

LP: Điều này là đúng. Điều này có sự phân cấp, trong kinh doanh TPCN có một nhóm các công ty lớn đầu tư cho chất lượng, hiệu quả, cho truyền thông. Nhóm thứ 2 là nhóm hàng “nhái”, tức là hàng làm theo, ăn theo, họ không đầu tư cho chất lượng, cho truyền thông mà họ chỉ cạnh tranh về giá. Và cuối cùng là người tiêu dùng phải gánh chịu.

PV: Cảm ơn sự chia sẻ của chị!

“Tôi nghĩ các cơ quan quản lý nhà nước đang rất quan tâm đến quyền lợi của người tiêu dùng và họ đang làm rất tốt. Tuy nhiên, tôi rất mong có một hành lang pháp lý thật rõ ràng và chỉ mong các cơ quan quản lý ủng hộ các doanh nghiệp làm ăn chân chính bằng cách đối với các doanh nghiệp làm hàng giả, hàng kém chất lượng, quảng cáo sai sự thật thì ngay lập tức phải loại bỏ họ khỏi thị trường” – Ds Lê Phương!

Theo Linh Ly/Heathplus.vn

 

Mọi thắc mắc bạn đọc vui lòng liên hệ để được tư vấn và giải đáp miễn phí: 089650950919001259 hoặc Email : songkhoe@bacsituvan.vn